Chuyển đổi số ở Bảo Lâm
Bảo Lâm đang đẩy nhanh tiến trình thực hiện chuyển đổi số, gắn chuyển đổi số với cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong quá trình triển khai chuyển đổi số, lãnh đạo huyện Bảo Lâm xác định, nhân lực số là yếu tố quan trọng nhất, bên cạnh yếu tố hạ tầng số, với sự bổ trợ của thể chế số. Bảo Lâm đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhân lực số bằng cách phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ hàng năm, bên cạnh cử đội ngũ nhân lực số đi dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn về công tác chuyển đổi số, cập nhật các kiến thức chuyên sâu về quản trị mạng, quản trị hệ thống, cũng như công tác đảm bảo an toàn thông tin do các cơ quan chuyên môn của tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2022 đến nay, Bảo Lâm đã có trên 300 thành viên liên quan đến nhân lực số được đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành, thực thi công việc. Ngoài ra, Bảo Lâm còn có 40 thành viên được học các kỹ năng thực hiện công tác chuyển đổi số trên nền tảng MOOCs. Trên địa bàn huyện Bảo Lâm đang có 126 tổ công nghệ cộng đồng, sẵn sàng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng các ứng dụng số trong giao tiếp với các cơ quan hành chính Nhà nước. Bảo Lâm cũng đã quan tâm bố trí kinh phí, đầu tư thực hiện các dự án liên quan đến chuyển đổi số để xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Năm 2022, kinh phí đầu tư cho chuyển đổi số của huyện Bảo Lâm hơn 3,4 tỷ đồng. Năm 2023, số tiền này trên 4 tỷ đồng. Năm 2024, Bảo Lâm dự kiến bố trí ngân sách địa phương hơn 5,9 tỷ đồng để đầu tư công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số.
Trong giải quyết các thủ tục hành chính, đến nay, 100% cơ quan, ban, ngành cấp huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bảo Lâm đều có kết nối internet băng rộng, đảm bảo 100% máy tính cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công việc. Các thiết bị như máy in, máy scan, máy photocopy... được trang bị đầy đủ, đảm bảo phục vụ nhiệm vụ. Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin được Bảo Lâm triển khai rộng rãi trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nhận và gửi văn bản qua mạng internet được triển khai đồng bộ. Huyện Bảo Lâm đang có trên 700 tài khoản hộp thư điện tử công vụ để thực hiện việc gửi, nhận văn bản qua mạng internet. Qua thống kê, Bảo Lâm hiện có hơn 90% văn bản đi được ký số và gửi nhận qua hệ thống VNPT-iOffice, trục liên thông của tỉnh và hệ thống thư điện tử công vụ. Huyện Bảo Lâm cũng đã triển khai ứng dụng kết nối người dân với chính quyền thông qua kênh “Bảo Lâm trực tuyến” và hệ thống quản lý thu ngân sách, hệ thống truyền thanh thông minh, hệ thống camera tầm cao, hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống phân tích điều hành thông minh. Tháng 6/2023, Bảo Lâm đã thành lập Trung tâm Giám sát và Điều hành thông minh để phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo huyện Bảo Lâm. Bảo Lâm cũng đẩy mạnh triển khai kết nối cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, chỉ đạo Công an huyện Bảo Lâm cấp căn cước công dân cho 100% công dân đúng độ tuổi theo quy định, kích hoạt tài khoản định danh cá nhân mức độ 2 và tích hợp vào cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư các thông tin y tế, Bảo hiểm xã hội... Huyện Bảo Lâm còn thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, thực thi công vụ, gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; qua đó, làm thay đổi thói quen làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, tiết kiệm chi phí, thời gian và công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin tại Bảo Lâm cũng đã được quán triệt và thực thi đầy đủ tại các cơ quan, đơn vị.
Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Lâm, trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số, tính đến thời điểm hiện tại, Bảo Lâm đã đạt được một số kết quả sau: 90% người dân thực hiện thủ tục hành chính được hướng dẫn tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; 91,9% hồ sơ thủ tục hành chính được nộp và xử lý trực tuyến; 65,3% người dân trong độ tuổi lao động tại thôn, tổ dân phố có kỹ năng số, có khả năng tham gia các nền tảng số để phát triển xã hội số; 70% người dân có điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng Bảo Lâm trực tuyến; 93% người dân trong độ tuổi đủ điều kiện, đăng ký và sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 (VNeID); 9/9 sản phẩm nông nghiệp OCOP tiêu biểu được đưa lên sàn thương mại điện tử; 72% hộ gia đình có sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 100% cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân; 100% cơ sở khám, chữa bệnh có sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
Những con số nêu ở trên là minh chứng cho sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân huyện Bảo Lâm trong việc xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội Bảo Lâm phát triển.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202409/chuyen-doi-so-o-bao-lam-99532e6/