Chuyển đổi số là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, trọng tâm là phát triển kinh tế số.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban (ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban (ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Khâu đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội

Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi số là một khâu đột phá, một nhiệm vụ trọng tâm, là yêu cầu khách quan, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại… cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng đánh giá, càng số hóa mạnh mẽ thì càng tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Vì vậy, Chính phủ luôn quan tâm và yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải thường xuyên theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao công tác chuyển đổi số quốc gia, bảo đảm hiệu quả và thực chất.

Trong Kế hoạch hoạt động năm 2024, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số. Đây sẽ là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Dự báo tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2025 đạt trên 20%

Trong quý I/2024, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số, bao gồm 2 Nghị định, 4 Quyết định và 2 Chỉ thị.

Các Bộ, ngành, địa phương cũng ban hành nhiều văn bản quan trọng hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số. Tính đến nay, 21 Bộ, ngành và 62 địa phương đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024.

Về phát triển dữ liệu số, 14 Bộ, ngành và 52 địa phương đã ban hành hành danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) theo quy định, đạt tỷ lệ 77% và tăng 11% so với năm 2023. Tổng số cơ sở dữ liệu (CSDL) thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau hiện nay là 2398 CSDL, tăng 311 CSDL so với năm 2023.

11 Bộ, ngành; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 43 địa phương đã ban hành danh mục, kế hoạch cung cấp dữ liệu mở, đạt tỷ lệ 64%, tăng 7% so với năm 2023.

Về phát triển hạ tầng số, 80,2% hộ gia đình đang sử dụng cáp quang Internet băng rộng. 100% xã kết nối Internet cáp quang. Di động băng rộng 4G được phủ sóng tới 99,8% dân số với chất lượng ổn định.

Về phát triển Chính phủ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, 80,44% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện toàn trình được cung cấp trực tuyến.

47,79% TTHC đủ điều kiện toàn trình được cung cấp toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC đạt khoảng 38,3%.

Cổng dịch vụ công quốc gia có hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp. Tổng số hồ sơ giải quyết TTHC được đồng bộ trạng thái xử lý lên Cổng dịch vụ công quốc gia là trên 299,5 triệu.

Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ảnh: Phương Trang).

Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ảnh: Phương Trang).

Tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2023 ước đạt 16,5% với tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Với mức tăng trưởng trên, dự báo tỷ trọng kinh tế số/GDP của Việt Nam năm 2025 đạt trên 20%.

Về phát triển xã hội số, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; tiếp nhận trên 74,85 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. Ứng dụng VNeID đã được tích hợp 8 dịch vụ tiện ích.

100% cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 100% cơ sở đào tạo y tế thanh toán học phí không dùng tiền mặt.

77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Dịch vụ Mobile Money có hơn 8,2 triệu khách hàng, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ 2023. Nhưng bên cạnh kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số ở nước ta vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định.

Một số Nghị định hướng dẫn Luật được Chính phủ giao các Bộ, ngành triển khai chậm. Việc rà soát, điều chỉnh các văn bản pháp lý để đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan tới giải quyết giấy tờ công dân chậm triển khai.

Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính còn thấp. Một số Bộ, ngành, địa phương chưa ban hành danh mục CSDL và danh mục dữ liệu mở.

Nguồn lực bảo đảm an toàn thông tin còn hạn chế, để xảy ra sự cố gây mất an toàn thông tin mạng; tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn không gian mạng Việt Nam.

Điểm cầu tại trụ sở Bộ Xây dựng (ảnh: Phương Trang).

Điểm cầu tại trụ sở Bộ Xây dựng (ảnh: Phương Trang).

Trong khuôn khổ của phiên họp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chia sẻ về giải pháp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử tiêu thụ nông sản Việt. Bộ Y tế chia sẻ nội dung chuyển đổi số y tế gia tăng lợi ích cho người dân trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn diện. Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo nội dung phát triển dữ liệu số ngành Giáo dục và Đào tạo.

UBND tỉnh Bình Thuận chia sẻ một số kết quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Du lịch. UBND tỉnh Bình Phước báo cáo nội dung khai thác dữ liệu để phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh.

UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ nội dung số hóa ngành sản xuất công nghiệp. UBND thành phố Hải Phòng trình bày kết quả triển khai thử nghiệm hệ thống thông tin nguồn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về phía doanh nghiệp, Tập Đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân Đội (Viettel) có đề xuất một số giải pháp thúc đẩy và phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Tập đoàn FPT cũng nêu một số đề xuất để thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Phát triển kinh tế số phải bám sát thực tế, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực nhằm mang đến lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng khẳng định phát triển kinh tế số là yêu cầu khách quan trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng khẳng định phát triển kinh tế số là yêu cầu khách quan trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ về quan điểm phát triển kinh tế số, Thủ tướng khẳng định phát triển kinh tế số là yêu cầu khách quan trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, phù hợp xu thế phát triển hiện nay.

Công tác phát triển kinh tế số phải bám sát tình hình thực tế, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy chuyển số quốc gia nói chung và phát triển kinh tế số nói riêng thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Việc phát triển kinh tế số phải gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.

Phát triển kinh tế số phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ hiện đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, tạo việc làm và sinh kế cho người dân.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý phát triển kinh tế số một cách tổng thể, toàn diện, ưu tiên chất lượng hơn số lượng; kết hợp đồng bộ, hiệu quả phát triển hạ tầng số, dịch vụ số, dữ liệu số, kỹ năng số, thể chế số và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

3 tăng cường, 5 đẩy mạnh, 6 nhiệm vụ trọng tâm

Chia sẻ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh “3 tăng cường, 5 đẩy mạnh và 6 nhiệm vụ trọng tâm”.

Cụ thể, 3 tăng cường bao gồm: Tăng cường nhận thức về vai trò của chuyển đổi số đến từng người dân, doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu; Tăng cường tiềm lực cho chuyển đổi số; Tăng cường hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực của xã hội.

Trong khi đó, 5 đẩy mạnh bao gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lập nghiệp trong chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin.

Cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần phải thực hiện trong thời gian tới.

Nhiệm vụ thứ nhất là ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 Chiến lược. Trong đó, Thủ tướng đề nghị mỗi Bộ, ngành, địa phương phải có 1 Đề án thực hiện chuyển đổi số như Bộ Công an đã thực hiện.

Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Nhiệm vụ thứ hai là thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các nhiệm vụ trong Đề án 06 về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các Bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương kiện toàn các Ban chỉ đạo, hoạt động mạnh mẽ và thực chất.

Nhiệm vụ thứ ba là các Bộ, ngành cần khẩn trương tổ chức các phiên họp chuyên đề số hóa các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Trong quý II/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương báo cáo Phó Thủ tướng phụ trách tổ chức phiên họp chuyên đề về số hóa ngành Nông nghiệp, ngành Công thương.

Nhiệm vụ thứ tư là các địa phương cần phối hợp với chặt chẽ các doanh nghiệp viễn thông xóa bỏ các vùng lõm sóng di động tại các thôn, bản đã có điện lưới quốc gia, hoàn thành trước tháng 12/2024; đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng mạng băng rộng di động.

Nhiệm vụ thứ năm là các Bộ, ngành, địa phương phải tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hoàn thành triển khai 12/53 dịch vụ công thiết yếu còn lại theo Quyết định 06/QĐ-TTg, Quyết định 422/QĐ-TTg và 20 dịch vụ công ưu tiên theo Quyết định số 206/QĐ-TTg; kết nối các hệ thống thông tin giải quyết TTHC với Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ (Hệ thống EMC).

Nhiệm vụ thứ sáu là các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin trong phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Dịch Phong

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/chuyen-doi-so-la-dong-luc-quan-trong-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-374160.html