Chuyển biến từ các phong trào nông dân ở Đức Trọng

Hướng về cơ sở với phương châm lấy lợi ích kinh tế, quyền lợi thiết thực của nông dân làm động lực triển khai vận động, tuyên truyền, xây dựng và nhân rộng những nhân tố điển hình trên địa bàn, phong trào nông dân huyện Đức Trọng tiếp tục tạo sự chuyển biến rõ nét trên nhiều lĩnh vực.

Nhà sáng chế Lê Thanh Trị (người cầm micro), hội viên Hội Nông dân huyện Đức Trọng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh danh hiệu “Nhà khoa học của nông dân”

Nhà sáng chế Lê Thanh Trị (người cầm micro), hội viên Hội Nông dân huyện Đức Trọng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh danh hiệu “Nhà khoa học của nông dân”

Hạt nhân xây dựng nông thôn mới

Thống kê giai đoạn 5 năm qua với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, xác định vai trò của người nông dân là chủ thể, là hạt nhân trong xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân trong huyện Đức Trọng đã vận động nông dân đóng góp hơn 32 tỷ đồng, hiến gần 28 ha đất (trị giá gần 15 tỷ đồng), gần 17.000 ngày công lao động (trị giá gần 2 tỷ đồng) cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đã xây dựng hoàn thành hàng loạt công trình hạ tầng cơ sở quan trọng trên địa bàn. Đó là gần 140.000 m đường giao thông nông thôn được nâng cấp với kết cấu thảm nhựa nóng, bê tông xi măng, đá cấp phối; sửa chữa 14 cầu; kéo đường dây điện thắp sáng dài 74.400 m. Đồng thời tiến hành nạo nét và bê tông hóa 75.500 m kênh mương nội đồng; xây dựng mới 42 hội trường thôn; tu sửa 2 trường học…

Đáng kể các cấp Hội đã chủ động phối hợp với tổ chức Mặt trận, chính quyền địa phương vận động nông dân tích cực hưởng ứng “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thông qua việc đăng ký thi đua xây dựng gia đình nông dân văn hóa, thôn, xã văn hóa; xây dựng và thực hiện hiệu quả hương ước, quy ước cơ sở. Mặt khác, thông qua các buổi sinh hoạt của chi hội, tổ hội nông dân ở khu dân cư đã tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, bài trừ các hủ tục, tập quán lạc lậu, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội khác. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã xây dựng 25 mô hình nông dân tham gia tích cực bảo vệ môi trường trong canh tác cây trồng chăn nuôi gia súc như: kịp thời thu gom tập trung bao bì thuốc bảo vệ thực sau khi sử dụng; nuôi heo trên đệm lót sinh học…

Ngoài ra, qua công tác phối hợp vận động, tuyên truyền, Hội Nông dân các cấp ở huyện Đức Trọng đã thu hút nông dân tham gia các chương trình về bình đẳng giới, dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo hiểm y tế, an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn giao thông, xây dựng khu dân cư, gia đình không vi phạm pháp luật, phòng chống cháy nổ và bảo vệ trật tự trị an trong thôn, tổ dân phố, phòng chống ma túy mại dâm… Kết quả quả hàng năm trên địa bàn huyện Đức Trọng có hơn 95% hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa.

Nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi

Ghi nhận của phóng viên, phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi 5 năm qua ở huyện Đức Trọng tiếp tục phát triển về số lượng, chất lượng và quy mô. Qua bình xét số hộ nông dân toàn huyện Đức Trọng đến nay đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở lần lượt là 98 hộ, 485 hộ, 2.557 hộ và 4.085 hộ. “Chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo vền vững ở huyện Đức Trọng ngày càng nâng cao. Đã có nhiều hộ nông dân đầu tư hàng chục tỷ đồng mở rộng quy mô sản xuất, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động địa phương. Đây là những tấm gương nông dân đổi mới tư duy sản xuất, dám nghĩ, dám làm, phát huy lợi thế so sánh của địa phương, khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động để xây dựng và phát triển ngày càng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất”, Hội Nông dân huyện Đức Trọng đánh giá.

Theo đó đến nay, hộ ông Nguyễn Hồng Phong (Giám đốc Công ty TNHH Phong Thúy, thị trấn Liên nghĩa) liên kết 26 hộ nông dân sản xuất 110 ha rau các loại, hàng năm cung cấp 9.000 tấn cho hệ thống siêu thị trong nước, đạt lợi nhuận hàng chục tỷ đồng. Hộ ông Nguyễn Văn Đoàn (Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nam Sơn, Liên Nghĩa) liên kết 1.000 hộ nông dân sản xuất hơn 3.600 ha rau, giải quyết việc làm thường xuyên cho 400 lao động, ổn định thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi ngày, HTX Nam Sơn cung cấp cho thị trường phía Nam 200 tấn cà rốt, củ cải... Hộ ông Võ Tiến Huy (xã Hiệp An) liên kết 100 hộ nông dân sản xuất 30 ha rau nhà kính gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ. Hộ ông Nguyễn Xuân Trường (Công ty TNHH Trường Hoàng) xây dựng Nhà máy chế biến nước chanh dây tại thị trấn Liên Nghĩa với tổng công suất hàng năm 36.000 tấn nguyên liệu trong vùng.

Đặc biệt, trong Hội thi “Sáng tạo nhà nông tỉnh Lâm Đồng” lần thứ V năm 2019, hội viên nông dân Lê Thanh Trị ở thị trấn Liên Nghĩa đoạt giải Nhất với giải pháp “Máy rửa, phân size cà chua và các loại trái cây”, thay thế năng suất lao động của 50 công nhân.

Vào tháng 12/2019, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tôn vinh hội viên Lê Thanh Trị với danh hiệu “Nhà khoa học của nông dân”.

Trước đó, giải pháp sáng chế này của hội viên Lê Thanh Trị tham gia tại Hội chợ triển lãm quốc tế về thiết bị công nghệ nông lâm ngư nghiệp tại Hà Nội và triển lãm Hội chợ Nông sản sạch 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia tại Đà Lạt…

“Từ các phong trào thi đua do Hội Nông dân huyện Đức Trọng phát động, đã nhân rộng ngày càng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn. Tính riêng trong 5 năm qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tặng thưởng 29 Kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam” và 8 Bằng khen cho tập thể, cá nhân hội viên Hội Nông dân Đức Trọng đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua…”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Trọng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết.

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202007/chuyen-bien-tu-cac-phong-trao-nong-dan-o-duc-trong-3013007/