Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Thúc đẩy phong trào khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh cho thanh niên, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lang Chánh

Lang Chánh là huyện miền núi nằm phía Tây Nam của tỉnh Thanh Hóa. Tổng diện tích tự nhiên 58.562,81ha. Dân số có khoảng 52.689 người, gồm các dân tộc chủ yếu là Kinh, Mường, Thái, tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 89,8%. Toàn huyện có 9 xã, 1 thị trấn và 78 thôn, bản, khu phố. Những năm qua, phong trào khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh cho thanh niên, đồng bào DTTS trên địa bàn luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm. Từ đó xuất hiện nhiều tấm gương lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Lang Chánh phát triển.

Gia đình anh Phạm Văn Hùng, dân tộc Mường, thôn Cốc Mốc, xã Đồng Lương là hộ đi đầu trong phát triển cây ăn quả ở địa phương.

Thi đua lao động, sản xuất

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư nâng cao toàn diện đời sống đồng bào DTTS. Các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia như XDNTM; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi... đã giúp cho vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn của huyện cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng, đời sống của Nhân dân dần được nâng cao; góp phần tích cực giúp các địa phương thực hiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Nhiều tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội đã vận động hội viên, đoàn viên, bà con Nhân dân tích cực thi đua, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, chung sức XDNTM. Nhiều tấm gương già làng, trưởng bản, người có uy tín không chỉ tích cực tuyên truyền vận động bà con thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước mà còn là những người tiên phong trên các lĩnh vực.

Huyện Lang Chánh có tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, với nhiều thác nước đẹp, qua đó thúc đẩy việc thành lập các loại hình kinh doanh du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo tồn thiên nhiên đi đôi với phát triển bền vững ở một số địa phương như: Lâm Phú, Trí Nang, Giao An, Giao Thiện, Yên Khương; tạo thu nhập ổn định cho các hộ gia đình và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương nhờ các hoạt động dịch vụ kèm theo như: trồng rau, nuôi cá hồi, cá tầm thương phẩm, nuôi cá rốc, cá nước ngọt, chăn nuôi vịt bản địa, lợn cỏ, nuôi dúi, nuôi dê thương phẩm, trồng nấm phục vụ cho các nhà hàng, nhà nghỉ; dệt thổ cẩm và các sản phẩm đặc thù của địa phương bán làm quà lưu niệm cho du khách tới tham quan.

Nhiều cá nhân là đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Lang Chánh dám nghĩ, dám làm, tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới phá vỡ thế độc canh sản xuất các cây, con truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh giỏi như gia đình chị Lương Thị Hương, khu phố Chiềng Ban 2, thị trấn Lang Chánh chuyên kinh doanh máy vật tư nông nghiệp; gia đình anh Phạm Văn Hùng, dân tộc Mường, thôn Cốc Mốc, xã Đồng Lương là hộ đi đầu trong phát triển cây ăn quả ở địa phương. Hiện nay, gia đình anh Hùng trồng hơn 4ha cây ăn quả gồm các loại cam, bưởi, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và tạo việc làm cho bà con địa phương...

Là cơ sở hội có số lượng hội viên đông, đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, những năm qua, Hội Nông dân huyện Lang Chánh tích cực động viên, khuyến khích hội viên lao động, sản xuất, hưởng ứng các phong trào thi đua của Trung ương, của tỉnh, địa phương phát động. Trong đó, phải nhắc đến phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Ông Vì Duyên Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lang Chánh cho biết: Hội Nông dân huyện có 8.320 hội viên, chiếm 88,32% số hộ làm nông nghiệp, nông thôn. Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã góp phần hình thành các vùng sản xuất, phát huy thế mạnh của mỗi vùng, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng theo tiêu chuẩn VietGAP. Huyện Lang Chánh xây dựng thương hiệu kẹo nhãn Lang Chánh nức tiếng gần xa, trong đó có vai trò quan trọng của hội viên hội nông dân. Thị trấn Lang Chánh là đơn vị tiêu biểu trong sản xuất kẹo nhãn và thành lập HTX kẹo nhãn Lang Chánh. Sản phẩm kẹo nhãn Lang Chánh được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, khẳng định được thương hiệu, chất lượng, được người tiêu dùng đánh giá cao. Năm 2024, Hội Nông dân huyện Lang Chánh chỉ đạo hội nông dân các xã, thị trấn phát động hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi các cấp năm 2024. Thực hiện các chương trình phối hợp để hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển SXKD. Khuyến khích, động viên hộ SXKD giỏi giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bằng hình thức như giúp về vốn, giống, vật tư, ngày công lao động và kinh nghiệm sản xuất để các hộ vươn lên thoát nghèo. Hội tập trung tuyên truyền Kế hoạch số 41/KH-UBND, ngày 23/2/2024 của UBND huyện Lang Chánh về các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2024 đến hội viên, nông dân, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện để toàn thể Nhân dân nắm bắt, tổ chức thực hiện.

Đem sức trẻ xây dựng quê hương

Ở khu phố Oi, thị trấn Lang Chánh, Bí thư chi đoàn Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1994), dân tộc Mường là một trong những tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu của Đoàn thanh niên thị trấn Lang Chánh nói riêng, huyện Lang Chánh nói chung. Anh tham gia tích cực, sôi nổi nhiệt tình các hoạt động, phong trào đoàn thanh niên của địa phương cũng như các phong trào các cấp tổ chức, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của đoàn viên thanh niên cơ sở. Tích cực trong lao động sản xuất, tuyên truyền vận động đoàn viên, thanh niên trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, anh luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế. Mỗi năm trang trại của gia đình anh nuôi từ 1.200 - 1.500 con vịt bản địa kết hợp nuôi cá; trồng và chăm sóc 4ha keo, luồng đem lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập cho bản thân và gia đình trên 150 triệu đồng/năm.

Hội Nông dân huyện Lang Chánh thăm gia đình chị Lương Thị Hương, khu phố Chiềng Ban 2, thị trấn Lang Chánh, là hộ sản xuất kinh doanh máy vật tư nông nghiệp.

Nếu như anh Nguyễn Văn Lâm mạnh dạn theo đuổi con đường nông nghiệp để khởi nghiệp, thì Phó Bí thư đoàn xã Đồng Lương Đào Minh Đức (sinh năm 1996), dân tộc Mường lại bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ kinh doanh dịch vụ. Anh Đào Minh Đức khởi nghiệp từ mô hình hộ kinh doanh quán cafe, trà sữa, nước giải khát, mỗi năm tạo ra thu nhập từ 180 - 200 triệu đồng đem lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập cho bản thân và gia đình. Tham gia tích cực, tuyên truyền vận động đoàn viên, thanh niên trong phát triển kinh tế; sử dụng các nguồn vốn ưu đãi cho thanh niên một cách hiệu quả, đúng mục đích sử dụng.

Hàng năm, huyện Lang Chánh tổ chức hội nghị đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với cán bộ, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Trong đó chú trọng các nội dung như phát triển đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở, công tác khởi nghiệp, lập nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh niên địa phương, chuyển đổi số hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, XDNTM. Tháng 3/2024, huyện Lang Chánh đã tuyên dương 26 cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên tiêu biểu giai đoạn 2022-2024. Tại hội nghị biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào DTTS và miền núi do Ban Dân tộc phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức ngày 23/4/2024, huyện Lang Chánh có 19 đoàn viên, thanh niên tiêu biểu đại diện cho đông đảo đoàn viên thanh niên, sinh viên, tấm gương khởi nghiệp tham dự, trong đó 2 gương đoàn viên được tuyên dương là Nguyễn Văn Lâm, Bí thư Chi đoàn khu phố Oi, thị trấn Lang Chánh và Đào Minh Đức, Phó Bí thư đoàn xã Đồng Lương.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-nbsp-thuc-day-phong-trao-khoi-su-khoi-nghiep-kinh-doanh-cho-thanh-nien-dong-bao-dan-toc-thieu-so-huyen-lang-chanh-212876.htm