Chương trình 1719 làm đổi thay đời sống đồng bào các dân tộc miền núi xứ Thanh

Tại tỉnh Thanh Hóa, Chương trình 1719 được triển khai đồng bộ tại 11 huyện miền núi (Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành, Thường Xuân, Lang Chánh).

Qua hai năm triển khai chương trình, đến cuối năm 2023, có thêm 6 xã ở các huyện miền núi Thanh Hóa được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM); 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; có 4 thôn được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 65 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1719/QĐ-TTg về "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 - 2025" (gọi tắt là Chương trình 1719).

Nguồn vốn từ Chương trình 1719 xây dựng khu tái định cư cho 42 hộ dân đồng bào Mông ở bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát.

Nguồn vốn từ Chương trình 1719 xây dựng khu tái định cư cho 42 hộ dân đồng bào Mông ở bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát.

Mục tiêu của Chương trình 1719 là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Mường Lát là huyện cách trung tâm hành chính tỉnh Thanh Hóa 260km, có đa dạng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gồm: Thái, Dao, Mông, Kinh... Do địa hình đồi núi phức tạp, đây là địa bàn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự. Nhiều năm trước đây, Mường Lát vẫn từng được xem là một vùng đất xa xôi, hiểm trở và nghèo đói, thậm chí gắn với nhiều hoạt động tệ nạn như ma túy. Tuy nhiên, những năm gần đây, vùng giáp biên này đã đổi thay.

Trước tiên là đường giao thông thuận lợi từ trung tâm TP Thanh Hóa đã đến thẳng các xã của huyện. Trong đó, nhiều thôn bản khó khăn trước đây không có đường ôtô, giờ đây đường bê tông kiên cố hóa đã về tận nơi. Điện lưới phủ khắp nhiều bản làng, đưa ánh sáng và sóng điện thoại phủ khắp các nếp nhà. Hệ thống trường lớp học, trạm xá cũng đã được đầu tư khang khang, hiện đại. Những bước tiến dài trong hành trình phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi hủ tục, tệ nạn ở nơi đây, là nhờ các chính sách, dự án dân tộc, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Thực hiện Chương trình 1719, năm 2022, huyện Mường Lát đã đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí 13,675 tỷ đồng, thực hiện đầu tư 10 công trình do các xã, thị trấn làm chủ đầu tư.

Năm 2023 được phê duyệt danh mục đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã, đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí được giao là 18,4 tỷ đồng. Thực hiện tiểu dự án đầu tư cứng hóa đường giao thông, huyện cũng đang chuẩn bị đầu tư đường giao thông từ cầu cứng bản Lát xã Tam Chung đi khu Piềng Làn, khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát. Tổng mức đầu tư 7,4 tỷ đồng.

Việc nâng cao cơ sở hạ tầng, giao thông có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo của địa phương này. Gần đây nhất là Khu tái định cư Bản Ón, xã Tam Chung được xây dựng, bố trí đất ở cho 42 hộ dân đồng bào Mông, qua đó tiếp tục củng cố sự tin tưởng đồng bào các dân tộc thiểu số vào chính sách thiết thực của Nhà nước

Ông Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết: "Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, thực hiện các nội dung của Chương trình 1719 so với 5 năm trước, thì hệ thống giao thông huyện Mường Lát có sự thay đổi mạnh mẽ. Những con đường mở ra đã góp phần mang ấm no đến với đồng bào, nhất là các bản làng vùng sâu, biên giới".

Tại huyện Ngọc Lặc, việc triển khai thực hiện Chương trình 1719 cũng được Đảng bộ và chính quyền huyện quan tâm và chỉ đạo sát sao từ cấp huyện đến cơ sở. Qua hơn 2 năm thực hiện Chương trình 1719, nhiều dự án, tiểu dự án, đã tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai thành công bước đầu.

Điển hình như Dự án 4: Tiểu dự án 1: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất đời sống trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ nguồn vốn đầu tư phát triển được phân bổ trên 121.700 triệu đồng, huyện Ngọc Lặc đã hỗ trợ các hộ gia đình được thụ hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở đợt 1 là 17 hộ; đợt 2 là 16 hộ. Giao các xã làm chủ đầu tư 16/16 công trình, đến nay đã hoàn thành 100% khối lượng. Đối với dự án năm 2023: có 13 công trình, trong đó 12/13 công trình đã phê duyệt dự án; 12 công trình đã khởi công xây dựng... Những công trình này, góp phần nâng cao, kiên cố quá cơ sở hạ tầng ở các thôn bản vùng dân tộc thiểu số huyện Ngọc Lặc, thay đổi diện mạo các vùng quê.

Ông Phạm Tiến Dũng, Bí thư Huyện ủy Ngọc Lặc cho biết: Sau hơn 2 năm thực hiện triển khai thực hiện Chương trình 1719, cơ sở vật chất, hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện. Điển hình như, hệ thống giao thông nông thôn, là một trong những nhiệm vụ luôn được huyện quan tâm và xác định là động lực phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Do đó, từ các nguồn lực đầu tư, đến nay 100% các thôn (làng) đều đã có đường ôtô đến trung tâm thôn, bản; 100% số xã có điện lưới quốc gia, số thôn bản có điện chiếu sáng 189/189 thôn; toàn huyện có 20/20 xã đạt tiêu chí về điện. Cơ sở vật chất trường học được nâng cao, số trường đạt chuẩn quốc gia là 63/74 trường (đạt 85,1%); theo bộ tiêu chí đánh giá NTM, đã có 20/20 xã đạt tiêu chí trường học; 100% các xã có trụ sở làm việc, 19/20 xã có hội trường, 188/189 thôn, làng có nhà văn hóa hoặc nơi để sinh hoạt văn hóa. Hiện đã có 17/20 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa; về hạ tầng thông tin truyền thông, có 20/20 xã có đài truyền thanh hoạt động tốt, đạt 100%...

Có thể thấy, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa và thực hiện đồng thời nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình 1719 và các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Trần Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/chuong-trinh-1719-lam-doi-thay-doi-song-dong-bao-cac-dan-toc-mien-nui-xu-thanh-i735949/