Chung tay cùng nông dân xây dựng sản phẩm OCOP

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn tỉnh có trên 100 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh, trong đó, cán bộ, hội viên (HV) đã phát huy vai trò trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương.

Các sản phẩm nông sản hữu cơ, sản phẩm OCOP do nông dân trong tỉnh sản xuất được quảng bá, trưng bày tại hội thảo chia sẻ, phát triển mạng lưới Chương trình FFF II với 5 tỉnh miền Bắc.

Các sản phẩm nông sản hữu cơ, sản phẩm OCOP do nông dân trong tỉnh sản xuất được quảng bá, trưng bày tại hội thảo chia sẻ, phát triển mạng lưới Chương trình FFF II với 5 tỉnh miền Bắc.

Được thành lập từ năm 2013, đến nay, HTX dệt thổ cẩm và dịch vụChiềng Châu (Mai Châu) đã tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động, góp phần phát triển KT-XH địa phương. Bà Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX cho biết: Cùng với sự phát triển của xã hội, những nghề truyền thống từ đời ông cha để lại ngày càng có nguy cơ mai một. Nhằm phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Thái, gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm, chúng tôi quyết tâm khôi phục, phát triển nghề truyền thống này và nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của HND tỉnh và huyện, sự động viên, ủng hộ của chính quyền địa phương. Theo đó, tôi đã kêu gọi các thành viên cùng đóng góp, huy động nguồn lực thành lập HTX. Sản phẩm thổ cẩm giờ đây không đơn giản là những bộ trang phục dân tộc. Người phụ nữ Thái đã làm ra nhiều loại phụ kiện như túi, ví, mũ, thú bông màu sắc sặc sỡ, đa dạng về mẫu mã, hoa văn. Qua những lần giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong cả nước, thổ cẩm của HTX ngày càng được nhiều người biết đến; thị trường tiêu thụ cũng mở rộng, thậm chí ra cả nước ngoài.

Những năm qua, nhận thức rõ vai trò của HV trong thực hiện Chương trình OCOP, các cấp HND trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền đến hội viên tham gia. Khuyến khích, vận động các hộ SX-KD giỏi mở rộng quy mô sản xuất; tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ; tham gia vào tổ hợp tác, HTX để hình thành các mô hình kinh tế tập thể, góp phần nâng cao năng lực quản lý, nắm bắt thị trường, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm...

Các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân được tăng cường, qua đó khích lệ, tạo động lực để bà con tập trung SX-KD, tạo ra sản phẩm có giá trị để tham gia Chương trình OCOP. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức 159 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho 8.351 lượt HV; cung ứng trên 1.230 tấn phân bón trả chậm các loại cho HV. Ngoài ra, các cấp Hội tín chấp nguồn ủy thác với các ngân hàng cho HV vay vốn phát triển sản xuất, đến nay, tổng dư nợ với 3 ngân hàng đạt trên 3.462 tỷ đồng, cho hơn 52.770 hộ HV vay.

Để kết nối, đưa các sản phẩm nông sản sạch, sản phẩm OCOP do nông dân sản xuất đến nhiều thị trường, nhất là vào hệ thống các kênh tiêu thụ bán lẻ, HND tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 6 cửa hàng nông sản an toàn tại các huyện, thành phố. Ngoài ra, xây dựng các mô hình chi tổ hội nghề nghiệp, mục tiêu kết nối các sản phẩm OCOP với thúc đẩy kinh tế du lịch song hành như: Chi HND nghề nghiệp làm du lịch cộng đồng (DLCĐ) bản Lác "Nông dân làm Homestay”; DLCĐ Hang Kia (Mai Châu); DLCĐ Đá Bia, xóm Đức Phong, xã Tiền Phong (Đà Bắc); DLCĐ xóm Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc)… Qua đó đã phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch tại địa phương. Sự gắn kết giữa sản phẩm OCOP và DLCĐ đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng, quảng bá du lịch, mang lại lợi ích kinh tế, cải thiện thu nhập và đời sống cho người dân.

Đồng chí Nguyễn Thị Hương Hải, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Thời gian qua, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản của nông dân trong tỉnh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp Hội và HV trong toàn tỉnh, sự đồng hành của các ngành, đơn vị, đặc biệt là thông qua chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh, Viettel đã hỗ trợ đưa được 7.768 hộ sản xuất nông nghiệp và trên 100 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart, Vỏ sò với phương thức tiêu thụ trực tuyến. Đây là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, đảm bảo đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản. Để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội tiếp tục tìm kiếm, khai thác các nguồn lực giúp HV phát triển SX-KD, dịch vụ; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ HV phát triển sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu của thị trường; tích cực phối hợp mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của các địa phương...

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/171373/chung-tay-cung-nong-dan-xay-dung-san-pham-ocop.htm