Chung tay chăm sóc nạn nhân chất độc da cam

'Chiến tranh đã lùi xa, nhiều người lính trở về, nhưng chất độc hóa học mà đế quốc Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh đã gieo vào thân thể họ, để lại nỗi đau đến cả thế hệ con cháu, đang rất cần sự trợ giúp của người thân, cộng đồng xã hội'. Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Anh Minh, Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Sơn La.

Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Sơn La thăm hỏi gia đình bà Văn Thị Ngụ, phường Quyết Tâm.

Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Sơn La thăm hỏi gia đình bà Văn Thị Ngụ, phường Quyết Tâm.

Ông Nguyễn Anh Minh dẫn chúng tôi đến thăm gia đình bà Văn Thị Ngụ, phường Quyết Thắng - vợ của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Lý Văn Quý. Khi chúng tôi đến, cổng khóa, trong sân có một người đàn ông trung niên dáng cao to, vừa đi vừa nói ú ớ nhưng không thành lời. Mời chúng tôi vào nhà, bà Ngụ nói: Năm 1972, chồng tôi đi bộ đội và tham gia phục vụ chiến trường miền Nam. Năm 1975, chồng tôi xuất ngũ trở về địa phương. Vợ chồng tôi sinh được 4 người con. Đây là đứa con thứ 3, năm nay đã 49 tuổi. Từ lúc lọt lòng, bị di chứng chất độc da cam nên mắc nhiều bệnh, như: tiểu đường, viêm da, thị lực mắt trái giảm, chân xuất hiện nhiều vết ngứa, lở loét. Mọi sinh hoạt đều phải có người hỗ trợ.

Năm nay, bà Ngụ đã 79 tuổi, đôi tay run rảy, mắt thâm quầng vì lo toan. Ngôi nhà giờ chỉ còn 2 mẹ con. Chồng bà qua đời cuối năm 2024. Hằng ngày, con gái nuôi của ông bà vẫn chạy qua, chạy lại đỡ đần.

Rời nhà bà Ngụ, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Ngọc Ân, tổ 12, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La. Sau 6 năm tham gia phục vụ chiến trường miền Nam, năm 1976, ông Ân xuất ngũ trở về địa phương và lập gia đình. Vợ chồng ông sinh được 6 người con, trong đó, 2 người con bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam/dioxin.

Ông Lò Văn Quốc, tiểu khu Phiêng Còng, thị trấn Thuận Châu chăm sóc con trai bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam.

Ông Lò Văn Quốc, tiểu khu Phiêng Còng, thị trấn Thuận Châu chăm sóc con trai bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam.

Trong câu chuyện với ông Ân, được biết, năm 2000, vợ chồng ông chuyển từ tỉnh Thái Bình lên thành phố Sơn La sinh sống nhưng cô con gái của ông thần kinh không ổn định, phải đưa về điều trị tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Thái Bình. Còn con trai bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam, không có khả năng lao động và đang sinh sống cùng ông bà. Thu nhập của gia đình chỉ trông chờ mức trợ cấp thương binh 3/4 của ông Ân và hỗ trợ của các con, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, ông Ân phải thuê ki ốt tại Chợ đầu mối phường Chiềng Cơi mở cửa hàng sửa chữa điện tử điện lạnh.

Cũng trong căn phòng khách tềnh toàng với chiếc tủ, bộ bàn ghế gỗ cũ, ông Lò Văn Quốc, tiểu khu Phiêng Còng, thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, chia sẻ: Từ năm 1973 đến 1974, tôi tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Xuất ngũ trở về địa phương, vợ chồng tôi sinh được 5 người con; do ảnh hưởng của chất độc hóa học, một con trai của tôi bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Hằng tháng, tôi được hưởng trợ cấp hơn 3,5 triệu đồng, con được hơn 2,7 triệu đồng. Ngoài ra những ngày lễ tết được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, động viên thăm hỏi, tặng quà, giúp gia đình có thêm nghị lực vượt lên khó khăn.

Chứng kiến những nỗi đau da cam, chúng tôi cảm thấy xót xa. Những ánh mắt dại khờ, những hành động khó kiểm soát, những vết thương chữa mãi không lành... của những nạn nhân chất độc màu da cam, hơn lúc nào hết, rất cần sự cảm thông, chia sẻ và sự chăm lo không chỉ của cấp ủy, chính quyền, mà còn của cả cộng đồng về vật chất và tinh thần, giúp họ vượt qua mất mát, thiệt thòi, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Ân, nạn nhân chất độc da cam phường Chiềng Lề, Thành phố mở cửa hàng sửa chữa đồ điện tử, tăng thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Ân, nạn nhân chất độc da cam phường Chiềng Lề, Thành phố mở cửa hàng sửa chữa đồ điện tử, tăng thu nhập.

Toàn tỉnh hiện có 455 trường hợp nhiễm chất độc da cam/dioxin được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Trong đó, có 282 nạn nhân trực tiếp, 173 nạn nhân bị phơi nhiễm. Quan tâm chăm sóc người nhiễm chất độc hóa học, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, phát hiện sớm, can thiệp sớm dị tật, khuyết tật, quản lý thai nghén, tư vấn sinh sản cho nạn nhân có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học dioxin trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.

Từ năm 2000 đến nay, tỉnh ta đã xác nhận và giải quyết chế độ cho 537 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ. Bộ CHQS tỉnh đã giải mã cho 22 đối tượng đề nghị giải mã, xác nhận ký hiệu, phiên hiệu đơn vị, thời gian và địa bàn hoạt động các đơn vị quân đội tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại chiến trường mà quân đội Mỹ phun rải chất độc hóa học trước ngày 30/4/1975...

Giải quyết tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công nói chung và nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nói riêng, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách; huy động sự chung tay góp sức của toàn xã hội giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam vươn lên trong cuộc sống, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/chung-tay-cham-soc-nan-nhan-chat-doc-da-cam-P0aN8yoHg.html