Chứng khoán lại dậy sóng vì tin đồn

Dù đã được các cơ quan chức năng bác bỏ, tuy nhiên, những tin đồn thất thiệt vẫn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư, khiến thị trường náo loạn, DN 'bốc hơi' cả trăm tỷ đồng vốn hóa.

Phát triển một thị trường vốn an toàn, minh bạch, tăng niềm tin với nhà đầu tư đang là câu chuyện được Chính phủ và các cơ quan chức năng nỗ lực triển khai để đạt mục tiêu.

Nhà đầu tư giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Nhà đầu tư giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Lao đao vì đồn đoán

Tin đồn liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn Vingroup đã khiến các cổ phiếu lớn, nhỏ, tốt, xấu cùng dắt tay nhau “đổ đèo” trong phiên 11/7. Phiên này, VN-Index dừng chân ở mốc 1.155,29 điểm giảm hơn 16 điểm. “Rổ” VN30 đóng cửa chỉ số giảm gần 23 điểm. Trong đó, TCB là mã giảm sâu nhất khi kết phiên mất 5,2% thị giá, kế đó là TPB (-4,1%), VPB (-3,8%), POW (-3,8%), VRE (-3,7%),...

Riêng bộ đôi trực tiếp liên quan đến những đồn đoán là VIC và VHM dù nỗ lực hồi phục khi cơ quan chức năng phát ra thông tin bác bỏ tin đồn thì vẫn giảm ở mức tương đối.

Dữ liệu của Forbes cho thấy, tính đến 3h chiều 11/7 (giờ Việt Nam), giá trị khối tài sản ròng của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã giảm khoảng 283 triệu USD so với trước đó. Nguyên nhân dẫn tới việc khối tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng giảm mạnh có thể đến từ việc trong phiên giao dịch sáng 11/7, bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup là VIC, VHM và VRE đồng loạt giảm mạnh. Kết phiên giao dịch ngày 11/7, giá đóng cửa bộ ba cổ phiếu họ Vingroup lần lượt là VIC (70.000 đồng/cổ phiếu), VHM (60.500 đồng/cổ phiếu) và VRE (26.000 đồng/cổ phiếu).

Cũng trong ngày 11/7/2022, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đã phối hợp với Cục An ninh mạng và PCTP Công nghệ cao - Bộ Công an xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Tô Vĩ Hoàn do đã có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, nhằm bôi nhọ hình ảnh thương hiệu của Tập đoàn Vingroup. Đây không phải là lần đầu tiên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư và DN lao đao vì tin đồn.

Nửa đầu tháng 4/2022, cổ phiếu GEX của Công ty CP Tập đoàn Gelex, HSG của Tập đoàn Hoa Sen và KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cũng nhiều phiên "lau sàn" khi thị trường xuất hiện một văn bản về kế hoạch thanh tra chuyên đề hoạt động phát hành trái phiếu và việc thực hiện pháp luật về kế toán, thuế, chứng khoán của các DN này. Điều này khiến cả Gelex, Hoa Sen lẫn Kinh Bắc đều phải lên tiếng phân bua, giải thích.

Theo Sở TT&TT Hà Nội, thời gian gần đây, trên mạng internet xuất hiện nhiều thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật, cho rằng có cá nhân đứng đầu DN có ảnh hưởng nhất định đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu DN bị áp dụng một số biện pháp ngăn chặn. Sở TT&TT Hà Nội lưu ý người dân không đăng tải, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng trên môi trường mạng internet. Hiện Bộ Công an đang xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật đối với 9 cá nhân tại 7 tỉnh, TP khác đưa thông tin thất thiệt về ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

Bảo vệ nhà đầu tư, tăng niềm tin thị trường

Việc xuất hiện các thông tin sai lệch, không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường chứng khoán. Hồi tháng 4/2022, sau khi cơ quan tố tụng khởi tố vụ án và nhiều bị can trong hai vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cũng xuất hiện một số thông tin đồn đoán cho rằng thời gian tới cơ quan chức năng sẽ khởi tố, xử lý những cá nhân, DN trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…

Những thông tin này được nhiều người chia sẻ, tác động xấu tới dư luận xã hội, tâm lý nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán của Việt Nam, gây thiệt hại về uy tín, kinh tế của cá nhân, DN và nhà đầu tư.

Trước thực trạng trên, ngày 11/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, đối với thị trường cổ phiếu, Nghị quyết do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành yêu cầu, các cơ quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường cổ phiếu để lành mạnh hóa thị trường. Tăng cường các biện pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư, khôi phục niềm tin của thị trường.

Nghị quyết 86/NQ-CP hướng tới mục tiêu thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ, bảo đảm an toàn hệ thống. Theo đó, phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường cố phiếu và trái phiếu.

Đặc biệt xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng thao túng, làm giá, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững. Bảo đảm hệ thống giao dịch vận hành an toàn, thông suốt; đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số, khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi nhằm thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Nghị quyết 86 ra đời là rất kịp thời và cần thiết nhằm quản lý chặt chẽ hơn với thị trường vốn nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Trung tướng Tô Ân Xô, Người Phát ngôn Bộ Công an cho biết, những ngày gần đây, một số tài khoản mạng xã hội lan truyền thông tin có cá nhân đứng đầu DN ảnh hưởng nhất định đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu DN bị áp dụng một số biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.

“Bộ Công an khẳng định những thông tin do một số tài khoản mạng xã hội nêu trên là tin đồn thất thiệt, không chính xác. Bộ Công an đề nghị mọi người dân không tin, không nghe, không lan truyền các thông tin thất thiệt; tiếp nhận các thông tin chính thống từ cơ quan chức năng có thẩm quyền” - Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.

Lãnh đạo Bộ Công an cho biết thêm, đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định tất cả những đối tượng có hoạt động đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, góp phần tạo môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh.

Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) Tạ Thanh Bình cũng cho biết, cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm cũng như rà soát, tiến hành xử lý các đối tượng tung, phát tán tin giả, tin đồn sai sự thật trên thị trường.

Thị trường chứng khoán là thị trường của thông tin. Ở đó, bất kỳ một thông tin theo chiều hướng tốt hay xấu đều ảnh hưởng rất lớn đến các DN đang được niêm yết. Với các thông tin tiêu cực đột ngột trên thị trường, nhà đầu tư nên bình tĩnh đánh giá tác động của sự kiện liên quan đến cổ phiếu mà mình đang nắm giữ. Bởi không phải ngành nào hoặc cổ phiếu nào cũng bị tác động tiêu cực bởi thông tin đó. Nhà đầu tư nên cố gắng lượng hóa bằng con số để xem liệu nó sẽ tác động ra sao đến cổ phiếu đó hoặc nhóm cổ phiếu có liên quan.

Founder Công ty Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam Phan Linh

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chung-khoan-lai-day-song-vi-tin-don.html