Chuẩn bị kỹ để cá tra không bị 'chết chìm'! Chuẩn bị kỹ để cá tra không bị 'chết chìm'!

Gần cuối năm, nhìn lại tình hình xuất khẩu cá tra trong năm cho thấy có khá nhiều biến động. Từ mức giá cá duy trì khá cao trong hai năm đã giảm mạnh và kéo dài trong năm 2019, đồng thời kim ngạch có sự trồi sụt giữa các thị trường.

Bên cạnh quy luật của thị trường thì những biến động trong năm 2019 cần được đánh giá đầy đủ để có sự điều chỉnh tốt hơn trong năm 2020.

 Ảnh: Lê hoàng Vũ

Ảnh: Lê hoàng Vũ

Từ thắng lợi kép đến... sốc!

Thông tin trong một hội nghị tổng kết vào tháng 3-2019 cho biết năm 2018 kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt hơn 2,26 tỉ đô la Mỹ, tăng đến 26,5% so với năm 2017. Sản lượng cá nuôi cũng vọt lên con số kỷ lục với hơn 1,4 triệu tấn, tăng trên 20%. Quả là một năm thắng lợi kép khi được giá và được cả sản lượng.

Giá cả duy trì ở mức cao kéo dài 24 tháng, từ gần hết năm 2017 đến cả năm 2018 và đầu năm 2019. Giá cao từ mức trên 25.000 đồng/ký, rồi trên 30.000 đồng/ký, thậm chí trong tháng 10-2018 có lúc lên đến 36.000 đồng/ký. Những lúc như vậy thường bắt đầu những chương trình mới đầy lạc quan như gia tăng diện tích ao nuôi, xây thêm nhà máy...

Nhưng cũng từ tháng 3-2019, giá cá tra tuột khỏi mốc 30.000 đồng/ký. Lần giảm này đột ngột, rơi thẳng về mức 25.000 đồng và không phục hồi trở lại như đã từng xảy ra đôi lần trong năm 2018. Những người nuôi bắt đầu lo lắng.

Đến tháng 6-2019, giá cá tra xuống dưới 20.000 đồng/ký và dao động quanh mốc này trong nhiều tháng. Có thời điểm giá cả nhích lên đôi chút trong tháng 8 nhưng chỉ cần một cú nhích nhẹ về giá thì lượng bán ra áp đảo để kéo giá trở lại. Vào lúc này xuất hiện việc đổ lỗi cho tình trạng xuất khẩu trì trệ mà nguyên nhân là thị trường Trung Quốc không còn nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.

Cùng với đó, một nguyên nhân khác được cho là do thiếu kiểm soát, không có quy hoạch, để cho sản lượng gia tăng ồ ạt dẫn đến cung vượt quá cầu.

Giá xuống thấp nhưng tình hình xuất khẩu cá tra tính đến tháng 6-2019 thực sự không quá tệ. Sáu tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 961 triệu đô la Mỹ, chỉ giảm 4,1% so cùng kỳ năm 2018. Sự sụt giảm chủ yếu là từ thị trường Mỹ với 28%, trong khi EU tăng 18% và Trung Quốc tăng nhẹ 1,2%. Số liệu này cho thấy sản lượng cá đã tăng quá lớn trong năm 2018 và tiếp tục đà tăng trong năm 2019 gây áp lực lên việc tiêu thụ và làm giá giảm mạnh.

Tiếp đến, qua 9 tháng, xuất khẩu cá tra đạt 1,46 tỉ đô la Mỹ, giảm 8,5% so cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường dẫn đầu với kim ngạch 450 triệu đô la, tăng 19,6% và chiếm thị phần 31%. Thị trường Mỹ giảm sâu đến 43,6% và chỉ còn chiếm thị phần 14,3%. Tăng trưởng xuất khẩu sang khối EU chậm lại, chỉ còn 7,3% và chiếm thị phần 13%. Thị trường các nước khối ASEAN duy trì mức tăng nhẹ 1,4% và chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đến tháng 10-2019 giá cá tra chỉ ở quanh mốc 20.000-21.000 đồng/ký. Vẫn còn một lượng đáng kể cá đã chế biến nằm trong kho nhà máy chờ xuất và lượng cá ở ao đang chờ bắt chế biến. Đến giữa tháng 10-2019, sản lượng cá thu hoạch đạt gần 950.000 tấn, giảm 12% so năm 2018 nhưng vẫn là con số khá cao so với các năm trước 2018.

Tình hình ra sao trong năm tới?

Xuất khẩu thường tăng khá mạnh ở các tháng cuối năm cho đến tháng 1 của năm mới. Nếu tình hình lạc quan đôi chút thì năm nay (2019) xuất khẩu cá tra có thể đạt được con số 2 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn năm 2018 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các năm trước 2018.

Tuy nhiên, giá cả khó có biến động mạnh cho đến quí 1-2020, nghĩa là vẫn ở mức thấp. Chu kỳ giá giảm sâu lần này có thể kéo dài cả năm, gần giống với chu kỳ của năm 2015 kéo dài sang đầu năm 2016. Giá cá tra có thể phục hồi từ cuối quí 1-2020 nhưng duy trì bao lâu tùy thuộc sản lượng cá đã thả nuôi giữa cuối năm 2019 và các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Mỹ và EU.

Số liệu đến tháng 9-2019 cho thấy Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu hàng đầu và duy trì đà tăng đến cuối năm. Các nhà xuất khẩu Việt Nam đã quen với việc xuất khẩu chính ngạch là lý do cho việc tăng trưởng trở lại trong các tháng cuối năm 2019. Dự báo thị trường này trong năm 2020 là việc khó khăn khi mà thị phần của Trung Quốc giờ đây đã trở nên khá lớn. Xét về nhu cầu và sức tiêu thụ thì thị trường này còn nhiều dư địa cho con cá tra. Vấn đề là chính sách thường hay thay đổi hoặc hành vi của các nhà nhập khẩu trong chiến lược cạnh tranh.

Thị trường Mỹ suy giảm mạnh trong năm 2019, có thể phục hồi lại trong năm 2020 khi mức thuế chống bán phá giá cá tra đưa về mức 0 đô la Mỹ/ký. Tuy nhiên, thông tin trên mới chỉ là quyết định sơ bộ, còn phải chờ đến tháng 2-2020. Đây vẫn là thị trường lớn và đã quen với việc tiêu dùng cá tra Việt Nam ở mức 450-550 triệu đô la Mỹ/năm.

Khối EU có mức tăng khá cao cho đến tháng 6-2019 nhưng đuối dần, đến tháng 9 chỉ còn tăng 7,3% và có thể tăng nhẹ cho đến cuối năm 2019. Thị trường này đã suy yếu nhiều năm qua và ở quanh mốc 250-300 triệu đô la Mỹ. Rất khó có thay đổi đáng kể với thị trường này trong năm 2020.

Ở các thị trường quy mô nhỏ hơn thì thay đổi thất thường, tăng ở nơi này giảm ở nơi khác. Bức tranh xuất khẩu cá tra năm 2020 phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc và sự phục hồi của thị trường Mỹ cho thấy tính bấp bênh của các dự báo vào lúc này. Với thị phần trên 30% của Trung Quốc, có thể nói độ rủi ro là cực kỳ cao. Các nhà sản xuất nên thận trọng. Nguồn cung cần được kiểm soát tốt hơn cho đến khi các thông tin rõ ràng hơn từ thuế chống bán phá giá của Mỹ cũng như thông tin từ thị trường Trung Quốc.

Không làm chủ được thị trường thì phải kiểm soát trở lại chính mình. Tiếc là chẳng có số liệu đáng tin về nguồn cung. Ai cũng kêu gọi giảm sản lượng, tăng tính minh bạch thông tin, nhưng chẳng ai chịu là người đi đầu để làm việc này. Khi không thể trông chờ vào người khác, không thể trông chờ vào một hệ thống cung cấp thông tin trung thực, thì mỗi doanh nghiệp, mỗi thành viên trong chuỗi phải tự đầu tư cho bộ máy của chính mình để phân tích, để dự báo và lập ra những mô hình lựa chọn.

Sự tăng giảm giá cả xảy ra ở tất cả các thị trường, các ngành hàng. Những người trong cuộc gần như đã quen thuộc và có chiến lược thích ứng. Những “tay chơi” mới thường là người phải trả giá cho bài học nhập cuộc. Báo chí đôi khi tô đậm thêm cho bức tranh với những bài viết lúc thì như trống giục làm nức lòng người, lúc thì với những bài kêu gọi cần phải làm gì đó để cứu vãn. Mà thực ra là chẳng cứu được gì. Bởi lẽ đơn giản không ai có thể thay thế được người tiêu dùng.

Các nhà chế biến không phải là người tiêu thụ cuối cùng. Và nếu hành vi cứu nguy được lặp đi lặp lại, như đã từng làm trước đây, như đã từng làm ở nhiều ngành, thì phản ứng của thị trường là làm cho nguồn cung dư thừa và tiếp tục cái vòng luẩn quẩn không bao giờ dứt.

Võ Hùng Dũng

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/297070/chuan-bi-ky-de-ca-tra-khong-bi-chet-chim-.html