Chưa trình Quốc hội nội dung về thuế tối thiểu toàn cầu

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu là 22,5 ngày; khai mạc vào ngày 23/10/2023 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 29/11/2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Sáng 27/10, trước khi bế mạc phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

Về dự kiến nội dung, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị điều chỉnh một số vấn đề. Cụ thể là chưa trình Quốc hội xem xét, thông qua: Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Lý do là hồ sơ dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao chưa đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp này, trong khi 2 nghị quyết này cần xem xét, thông qua cùng một thời điểm.

Nội dung bổ sung là trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Đồng thời cũng bổ sung 3 báo cáo của Chính phủ (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu) về: Lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm; tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11; tiến độ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh.

Việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành được thể hiện trong Nghị quyết chung của Kỳ họp (không ban hành Nghị quyết riêng).

Ông Cường cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung về Quy hoạch không gian biển quốc gia, vì qua theo dõi, tiến độ chuẩn bị nội dung này chưa đáp ứng yêu cầu.

Tổng thư ký Quốc hội nêu rõ, đến thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa gửi hồ sơ tài liệu nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không kịp cho ý kiến tại phiên họp này; thời gian từ nay đến Kỳ họp còn rất ít, do đó, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị rút nội dung này ra khỏi dự kiến chương trình Kỳ họp thứ sáu.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang phản ánh, nhân dân cũng rất quan tâm đến việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, Đây là một hình thức dân chủ trực tiếp, mong rằng, việc tổ chức lấy phiếu thực chất, ông Quang phát biểu.

Ý kiến của các ngành y tế, công an, kiểm toán, tư pháp TP Hà Nội... đều cho thấy các nhiệm vụ được giao liên quan đến công tác chuẩn bị cho Kỳ họp đều được triển khai theo đúng yêu cầu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, công tác chuẩn bị cho kỳ họp đã hoàn tất. Sau hôm nay, không bổ sung bất cứ nội dung nào nữa, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22,5 ngày; khai mạc vào ngày 23/10/2023 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 29/11/2023. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt, đợt 1 là 15 ngày, từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023. Đợt 2 là 7,5 ngày, từ ngày 20 đến sáng ngày 29/11/2023.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chua-trinh-quoc-hoi-noi-dung-ve-thue-toi-thieu-toan-cau-d201023.html