'Chữa lành' những tổn thương

Dù muốn hay không, con người vẫn phải đối mặt với các căng thẳng, áp lực từ cuộc sống. Stress là động lực để hướng tới mục tiêu hay tạo ra sự hủy hoại, tiêu cực lại phụ thuộc rất nhiều vào sự chống đỡ của từng người.

Tham gia hoạt động từ thiện cũng là một cách “nạp” năng lượng tích cực.Trong ảnh: Các thành viên nhóm thiện nguyện Bạn và tôi chuẩn bị những phần ăn để tặng cho những người nghèo, vô gia cư vào ban đêm. Ảnh: Nhóm thiện nguyện Bạn và tôi cung cấp

Tham gia hoạt động từ thiện cũng là một cách “nạp” năng lượng tích cực.Trong ảnh: Các thành viên nhóm thiện nguyện Bạn và tôi chuẩn bị những phần ăn để tặng cho những người nghèo, vô gia cư vào ban đêm. Ảnh: Nhóm thiện nguyện Bạn và tôi cung cấp

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Liêm, Trưởng khoa Tâm thần cán bộ và quốc tế, phụ trách công tác chuyên môn kỹ thuật, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2:

Mỗi người cần học kỹ năng giảm stress

Có 5 cách để làm giảm hoặc giải quyết những căng thẳng, áp lực hoặc vượt qua những cú sốc chính là: quan sát và nhận diện những cảm xúc; tiếp cận nó một cách bình tĩnh để hóa giải stress ngay khi chúng mới là các sang chấn tinh thần, những căng thẳng còn nhẹ; tỉnh táo khi đưa ra các lựa chọn bằng cách tự nhủ “tôi có thể giải quyết được việc này”, bằng việc lần tìm ra “đầu sợi dây” tạo nên các áp lực, căng thẳng để giải quyết; trao đổi với người thân, bạn bè, đồng nghiệp để được hỗ trợ và cuối cùng là “tự yêu thương mình” bằng cách không nên tuyệt vọng đến bỏ ăn, cuộc sống co cụm mà hãy cố gắng giữ bữa, nghỉ ngơi, chơi thể thao, tăng cường giao tiếp với những người xung quanh...

Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Võ Ngọc Thạch:

Giảm áp lực thi cử

Thời điểm này, nhiều học sinh, trong đó có có học sinh lớp 12 đang chuẩn bị cho Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển vào đại học. Hiện có những em áp lực không chỉ đến từ việc học hành, mà còn đến từ việc cha mẹ đặt lên vai con kỳ vọng hiện thực hóa ước mơ trước đây của mình.

Thực tế, nếu kỳ vọng phù hợp với năng lực và đam mê của con sẽ là động cơ thúc đẩy để con phát triển; nhưng ngược lại sẽ vô tình gây sức ép, kìm hãm sự sáng tạo của con, dẫn đến chán nản, tự đánh giá thấp về năng lực bản thân và có những hành vi cảm xúc lệch chuẩn… việc này càng làm tăng áp lực cho các em.

Riêng với học sinh, các em cần giữ cho mình tâm thế bình tĩnh, vững vàng để hiểu mong muốn của bản thân, chọn ngành học phù hợp với đam mê và năng lực; sắp xếp kế hoạch ôn thi cho khoa học, kết hợp với nghỉ ngơi, ăn uống. Nếu thấy việc học quá mệt mỏi, áp lực, có thể chơi thể thao, nghe nhạc thư giãn hoặc đạp xe ra ngoại thành, đến những nơi cảnh vật thiên nhiên để tâm trạng thư thái hơn.

Ngay cả khi đã nỗ lực hết mức nhưng không đạt được như kỳ vọng của bản thân, cũng như của cha mẹ, thì nên xem đó là kinh nghiệm để chọn hướng đi khác phù hợp hơn.

Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng Nguyễn Công Bình, Chánh văn phòng Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh:

Chủ động bước ra khỏi môi trường gây căng thẳng

Áp lực trong công việc và cuộc sống là chuyện ai hầu như cũng trải qua. Việc một người bị stress có thể do xuất phát từ hoàn cảnh bên ngoài tác động, nhưng cũng có nhiều trường hợp stress phát xuất từ quan niệm, suy nghĩ và sự cầu toàn của chính người đó. Stress trong cuộc sống là khó tránh, tuy nhiên mỗi người cần biết cách đối mặt và cần có kỹ năng để giải quyết. Việc giải quyết stress phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: kinh nghiệm, sự trải nghiệm, sức chịu đựng và những kỹ năng vượt qua áp lực của mỗi người.

Để không rơi vào trạng thái stress hoặc giảm bớt stress, chúng ta nên chấp nhận bản thân với những gì mình hiện có; xây dựng mục tiêu, kế hoạch phù hợp, vừa sức và nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu đó, không nên quá tham vọng.

Trong trường hợp không đạt được kết quả như mong muốn cũng không nên bi quan, chán nản, cần tự rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để những lần sau không còn vấp phải, cần dành tâm sức thực hiện những mục tiêu mới. Ngoài ra, nên có một cơ thể khỏe mạnh, lối sống, cách tư duy tích cực, luôn tự mình duy trì trạng thái tích cực, lạc quan trước các vấn đề cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Nhiễu (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa):

Đi làm từ thiện để tự…“chữa lành”

Tôi sống với mẹ già, năm 2021, mẹ tôi bị Covid-19 và qua đời. Mất mẹ, suốt thời gian đó, tôi bị trầm cảm nặng, tâm trạng thờ ơ với mọi sự xung quanh, chán ăn, mất ngủ, không thiết tha đến công việc, cũng chẳng ham muốn được sống.

Nhưng rồi tôi nhận ra, nếu tôi cứ đau buồn, ủ ê thế này thì mẹ tôi cũng không sống lại được và biết đâu bà còn buồn lòng vì tôi. Tôi nghĩ, ngoài kia biết bao cảnh đời khốn khổ, sao mình lại sống vô nghĩa thế này, nghĩ vậy và tôi đã tự “xốc” bản thân lên.

Bây giờ tôi đã trở lại với công việc và thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn khi tham gia các sinh hoạt cộng đồng, tham gia nhóm thiện nguyện, hàng tuần đi thăm và chăm sóc người già, trẻ mồ côi, tàn tật; quyên góp quần áo đưa lên cho các cháu vùng cao, phát cơm từ thiện cho người nghèo… Bằng những việc làm đó, tôi đã “chữa lành” cho
chính mình.

An Nhiên (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/chua-lanh-nhung-ton-thuong-4f5613a/