Chưa hết kỳ nghỉ Tết, người dân đã 'tay xách nách mang' trở lại Hà Nội

Còn 1 ngày nữa kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn mới kết thúc, nhưng từ chiều 13/2, người dân đã trở lại Hà Nội sớm. Thậm chí từ chiều mùng 3 Tết, lượng phương tiện dồn về các tuyến đường cửa ngõ của Thủ đô đã tăng đột biến. Lực lượng chức năng đã tăng cường quân số để điều tiết giao thông.

Ghi nhận chiều mùng 4 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, dòng ô tô nối đuôi nhau trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng về trung tâm Thủ đô, đối lập với cảnh vắng vẻ ở làn đi ra khỏi nội đô. Thời điểm 15h, thời tiết nắng ráo, giúp cho việc di chuyển của người dân thuận lợi, lượng phương tiện từ các tỉnh đổ về tăng cao khiến cửa ngõ phía nam Hà Nội ùn tắc cục bộ.

Anh Nguyễn Ngọc Khánh di chuyển bằng ô tô từ Nam Định lên Hà Nội cho biết, gia đình xuất phát từ lúc 13h30 mùng 4 Tết, nhưng phải hơn 2 giờ đồng hồ mới đến Hà Nội. Trước khi đi, anh Khánh đã xem bản đồ để tránh tắc đường, nhưng đến trước đoạn nút giao Liêm Tuyền đã ùn ứ kéo dài. Sau đó anh Khánh đã đi đường tránh Phủ Lý - Hà Nam nhưng cũng khá đông".

Lượng phương tiện từ các tỉnh đổ về tăng cao khiến cửa ngõ phía Nam Hà Nội ùn tắc.

Nhận định sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người dân từ các vùng quê trở lại Hà Nội lao động, học tập sẽ tăng mạnh, dẫn đến ùn tắc, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã có phương án yêu cầu các Đội Cảnh sát giao thông số 5, 8, 9,14, 15, 11, 12 ở khu vực ngoại thành, cửa ngõ ra - vào Thủ đô nhanh chóng triển khai quân số, sẵn sàng điều tiết giao thông, đón người dân và phương tiện ở các tỉnh về Hà Nội sau kỳ nghỉ lễ.

Theo đó, các Đội Cảnh sát giao thông số 14, 8 và 4 phối hợp hình thành hệ thống thông tin liên lạc liên tục báo cáo tình hình giao thông từ cửa ngõ Cầu Giẽ, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên đến khu vực đầu đường đầu đường Giải Phóng - Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng để sẵn sàng các phương án ứng phó.

Tại nút giao Giải Phóng, nhiều người dân tranh thủ đi xe máy trở lại Hà Nội.

Trung tá Trần Tú Anh - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14, cho biết, ngoài tập trung phân luồng ở khu vực bến xe phía Nam, nút giao Ngọc Hồi - Giải Phóng và điểm đầu cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đơn vị đã bố trí các tổ tuần tra cơ động sẵn sàng giải quyết các sự cố xe chết máy, va chạm để bảo đảm giao thông thông suốt. Quá trình theo dõi giao thông ở cửa ngõ phía Nam, đơn vị đã thiết lập hệ thống thông tin liên lạc với Đội Cảnh sát giao thông số 8, Công an các huyện Thường Tín, Phú Xuyên và Cục Cảnh sát giao thông nhằm nắm bắt tình hình trên toàn tuyến để đưa ra phương án phù hợp nhất.

Tương tự, tại khu vực tiếp giáp đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, khu vực sân bay Nội Bài trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đầu Đại lộ Thăng Long hướng về quận Cầu Giấy… vào chiều nay cũng có hiện tượng nhiều phương tiện cùng đổ dồn về, gây áp lực giao thông lên khu vực này… Tuy nhiên, nhờ chủ động phương án chống ùn tắc, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng điều tiết phương tiện không để tình trạng ùn ứ kéo dài.

Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông số 15, cho biết, lường trước tình hình ùn ứ có thể xảy ra khi nhiều người sử dụng phương tiện cá nhân từ các tỉnh: Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Nguyên về Hà Nội…, đơn vị đã chủ động ứng trực tại các nút giao thông quan trọng. Đồng thời, trong quá trình tuần tra xử lý nghiêm xe khách dừng đỗ và chở quá số người quy định...

Ghi nhận, từ 16h cùng ngày trên cầu Vĩnh Tuy, Phù Đổng, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Đuống… các tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 5 đã ứng trực, tình hình giao thông khu vực cũng tăng lên càng về cuối ngày.

Giao thông trong nội đô có phần "dễ thở" hơn. Tại các ngã ba, ngã tư vẫn có Cảnh sát giao thông điều tiết phương tiện.

Trái với cảnh đông đúc tại các cửa ngõ, trên các tuyến đường xuyên tâm như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh... bức tranh giao thông vẫn có gam màu tươi sáng. Giờ cao điểm không có hiện tượng ùn ứ hay tắc nghẽn. Tại các ngã ba, ngã tư vẫn có Cảnh sát giao thông điều tiết phương tiện. Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 7, cho biết, đơn vị đã huy động thêm các tổ tuần tra dọc tuyến đường Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến… và các điểm lên xuống đường Vành đai 3 nhằm giải quyết ùn ứ. Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 7 khuyến cáo người dân cập nhật thông tin trước khi đi vào tuyến đường để kịp thay đổi lộ trình nếu tình trạng ùn tắc diễn ra. Đồng thời, chấp hành chỉ dẫn của cơ quan chức năng, đảm bảo khoảng cách an toàn, đảm bảo tốc độ nhằm phòng ngừa nguy cơ về va chạm, tai nạn giao thông.

Trong khi đó, tại khu vực trước cổng Bến xe Mỹ Đình và đường Phạm Hùng, Đội Cảnh sát giao thông số 6 đã chủ động phân luồng, không để tình trạng ùn tắc kéo dài, xử lý xe bắt khách dọc đường, xe chạy rùa bò làm cản trở giao thông...

"Đơn vị đã bố trí xe cẩu tại những điểm lên xuống đường Vành đai 3, đường trên cao Mai Dịch - cầu Thăng Long sẵn sàng giải quyết sự cố", Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6, thông tin.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay cán bộ, công chức và người lao động được nghỉ từ ngày 8/2 (29 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết ngày 14/2 (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Dự báo, ngày mùng 5 Tết, đông đảo người dân và phương tiện giao thông sẽ quay trở lại thành phố bắt đầu làm việc, học tập. Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, quá trình tham gia giao thông, yêu cầu người tham gia giao thông đi đúng phần đường, làn đường quy định; điều khiển xe trong tốc độ cho phép; chở đúng số người quy định; đội mũ bảo hiểm đúng quy định đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; khi gặp các tuyến giao thông ùn tắc, cần bình tĩnh và tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn, điều tiết, phân luồng của lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng khác.

Đặc biệt "đã uống rượu bia, không lái xe", để bảo đảm an toàn cho mình và những người tham gia giao thông khác.

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chua-het-ky-nghi-tet-nguoi-dan-da-tay-xach-nach-mang-tro-lai-ha-noi-166269.html