Chủ trương phát triển kinh tế xanh rất quyết liệt, rất hay nhưng hành động lại chậm

PGS.TS Trần Đình Thiên thẳng thắn đánh giá: Chủ trương chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế xanh từ Chính phủ tới địa phương thì rất quyết liệt, rất hay, nhưng khi chuyển hóa thành hành động lại chậm.

Chuyển đổi năng lượng xanh đang là xu thế tất yếu của thế giới nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển bền vững. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ đưa mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net zero).

Thời gian gần đây, Chính phủ đã chủ động, tích cực tham gia vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mục tiêu này nhằm ngăn chặn những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu và bảo tồn một hành tinh có thể sống được.

 Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: XD)

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: XD)

Tại Diễn đàn thực trạng và giải pháp "Chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế xanh ngành công nghiệp", ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực để vừa phát triển kinh tế bền vững vừa đảm bảo thực hiện các cam kết tại Hội nghị các Bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc (COP), đặc biệt là cam kết đóng góp có trách nhiệm về thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính cùng cộng đồng quốc tế…

Cũng theo Thứ trưởng, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5% sản lượng điện sản xuất.

Trong đó, các giải pháp về quản lý, công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế nhiên liệu hóa thạch giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính... đang được áp dụng ở Việt Nam.

"Chuyển đổi xanh bao gồm việc chuyển đổi năng lượng, loại bỏ sử dụng than, nhiên liệu hóa thạch và phát triển năng lượng tái tạo phải dẫn đến sự thay đổi mang tính đột phá cho các ngành, lĩnh vực trong đó có ngành Xây dựng. Và hơn lúc nào hết, bây giờ là thời điểm để các lĩnh vực phát triển của quốc gia cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn, vượt qua các rào cản, để cùng nhau hướng tới phát triển xanh, bền vững", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế xanh là cơ hội lớn để Việt Nam bắt nhịp ngay với những công nghệ hàng đầu toàn cầu.

 PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. (Ảnh: XD)

PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. (Ảnh: XD)

Tuy nhiên, trong quá trình này, chủ trương từ Chính phủ tới địa phương thì rất quyết liệt, rất hay, nhưng khi chuyển hóa thành hành động lại chậm. Cơ hội lớn thì thách thức cũng rất lớn.

"Áp lực lớn nhất trong công cuộc chuyển đổi lần này chính là yếu tố tốc độ. Vì vậy, vấn đề là phải nhanh chóng chuyển hóa thành hành động. Thời điểm này, chúng ta đã có xu hướng hành động tốt hơn nhưng chưa đạt yêu cầu", ông Thiên thẳng thắn nhìn nhận.

Đơn cử quá trình chuyển đổi xanh ở các khu công nghiệp (KCN), chuyển các KCN cũ thành KCN sinh thái, từng bước biến thành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh vẫn chưa có kết quả và các địa phương phải hành động ráo riết hơn, quyết liệt hơn.

Hiện nay, thu hút đầu tư cả nước đang hướng tới công nghệ cao như ngành chất bán dẫn, năng lượng tái tạo… trong đó điểm đột phá của Bắc Ninh chính là làm đô thị, đang chuyển hướng đô thị xanh, thông minh, sáng tạo và các KCN của Bắc Ninh đang làm theo hướng này.

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn chưa có cách tiếp cận tốt về mặt thể chế nên rất khó thực thi mà vấn đề này cần phải bàn luận căn cơ hơn nữa.

"Do đó, Nhà nước cần có vai trò, trách nhiệm biến thách thức tổng thể thành cơ hội của doanh nghiệp, tức là phải thiết kế hệ thống chính sách, cơ chế để doanh nghiệp thấy cơ hội ở đó. Bên cạnh đó, cần cho thấy lợi ích của doanh nghiệp thì họ sẽ làm. Đó gọi là biến thách thức của chính quyền thành cơ hội của doanh nghiệp…", PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chu-truong-phat-trien-kinh-te-xanh-rat-quyet-liet-rat-hay-nhung-hanh-dong-lai-cham-post296806.html