Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Hoàn thành cao nhất mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Đây là một trong những nội dung trong phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước chiều nay, 3.7.

Như Báo Đại biểu Nhân dân đã đưa tin, chiều nay, 3.7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước.

Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác đã nghe báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và triển khai giám sát các chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI và kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Đoàn công tác đã trao đổi, đánh giá những kếtquả nổi bật Bình Phước đạt được; những cách làm, kinh nghiệm hay mà tỉnh đã thực hiện để đạt được những kết quả tích cực; những khó khăn, vướng mắc, hạn chế cần khắc phục; nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; trao đổi làm rõ những đề xuất, kiến nghị của Bình Phước với Trung ương; đồng thời gợi mở một số lĩnh vực mà Bình Phước có thể đẩy mạnh khai thác, phát triển trong thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh một số tiềm năng, lợi thế hiện tại và trong tương lai của Bình Phước.

Thứ nhất, Bình Phước là địa phương có truyền thống cách mạng lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc có nhiều di tích lịch sử quốc gia, trong đó có Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tà Thiết với diện tích rộng lớn - là "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống cách mạng gắn với phát triển du lịch sinh thái, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham quan bằng nhiều hình thức.

Thứ hai, Bình Phước có vị trí chiến lược quan trọng, kết nối Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, quan trọng trong chính sách phát triển các đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Đây là các tỉnh trọng điểm về phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp, khoa học công nghệ với nhiều mô hình rất tốt. Do đó, Bình Phước cần xác định có chính sách phát triển đô thị vệ tinh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Thứ ba, Bình Phước có quỹ đất rộng lớn, đất đai màu mỡ, các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao đều có thể trồng được, vừa qua tỉnh đã tập trung phát triển 2 loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao là cao su và điều; khí hậu hiền hòa, gần như không có bão lụt; Nhân dân cần cù, sáng tạo; giàu bản sắc văn hóa...

Điểm lại những thành tựu nổi bật của Bình Phước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp trong vùng với nông - lâm nghiệp chiếm tới 70% cơ cấu kinh tế, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước, nhưng đến nay Bình Phước đã bứt phá đi lên.

Theo đó, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,34%, đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 so với cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,76%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 93,94 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,4%; thấp hơn mức bình quân của cả nước…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao quà tặng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao quà tặng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước. Ảnh: Lâm Hiển

Đặc biệt, tỉnh đã nỗ lực, cố gắng thực hiện 2 dự án trọng điểm giao thông là dự án cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành và dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, đời sống người dân được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; duy trì thường xuyên quan hệ gặp gỡ với 6 tỉnh Campuchia và các tỉnh Nam Lào.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích kỹ vấn đề tại sao “có tiền lại không tiêu được”; nguyên nhân của tình trạng này là do thủ tục, công tác đền bù, tái định cư chậm hay lựa chọn nhà thầu không có năng lực? Ngoài ra, thị trường xuất khẩu cần được quan tâm hơn. Ngành du lịch tuy phát triển nhưng chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh. Các thiết chế văn hóa - thể thao chưa đồng bộ...

Đẩy mạnh các giải pháp, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, phấn đấu đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bình Phước tích cực triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, tập trung xây dựng các quy hoạch, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp định hướng phát triển không gian đã được phê duyệt.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bình Phước cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xem xét cần cơ chế gì để HĐND tỉnh ban hành để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu hút đầu tư các nơi khác để phát triển kinh tế - xã hội, khu công nghiệp, làng nghề...; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức.

Phân tích thêm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, cùng một luật, nghị định, một số địa phương tăng tốc, phát triển nhưng có những địa phương chỉ “dậm châm tại chỗ”, "đổ" cho quy định của luật còn chồng chéo, chưa tháo gỡ khó khăn. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với Chính phủ thành lập Đoàn xem xét các luật ban hành có khó khăn, vướng mắc gì nhưng chủ yếu là không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Là tỉnh biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bình Phước giữ vững đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển. Đặc biệt, cần quan tâm các hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch, giáo dục, y tế; bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, chăm lo giáo dục đào tạo và sự nghiệp y tế, lao động, thương binh, đào tạo nghề, giải quyết việc làm để phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bình Phước sớm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh tăng lương cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; sớm triển khai điều chỉnh mức hưởng lương cho cán bộ hưu trí và trợ cấp xã hội, trợ cấp cho người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 1.7.2024.

Đồng thời, tiếp tục lãnh đạo đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, của HĐND tỉnh Bình Phước để HĐND thực sự là tiếng nói của cử tri, giám sát quyết định các vấn đề quan trọng; phối hợp, đồng hành cùng UBND tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Trước mắt, tỉnh cần triển khai nghiêm túc, bài bản đến các cấp ủy, tổ chức, đảng viên trong hệ thống chính trị Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14.6.2024 của Bộ Chính trị “về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng” cũng như chuẩn bị bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự xã hội.

Chủ tịch Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Phước tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo cùng với thời cơ và vận hội mới, hoàn thành cao nhất các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyếtĐại hội XIII của Đảng.

Phạm Thúy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-hoan-thanh-cao-nhat-muc-tieu-nghi-quyet-dai-hoi-dang-bo-tinh-gop-phan-thuc-hien-thang-loi-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang-i377762/