CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP LÊ THỊ NGA: SỚM TỔNG KẾT THI HÀNH VÀ ĐỀ XUẤT NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI
Sáng 8/5, tại Nhà Quốc hội, phát biểu bế mạc phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã ghi nhận các kết quả thực hiện kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật, đồng thời cũng chỉ rõ những điểm chưa đạt yêu cầu, đưa ra được các kiến nghị đề xuất trong việc hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Nội dung giải trình có tính thời sự, được dư luận và Nhân dân đặc biệt quan tâm
Luật Phòng, chống mua bán người đã được Quốc hội khóa XII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Qua thời gian hơn 10 năm thực hiện Luật, công tác phòng, chống mua bán người đã đạt được nhiều kết quả tích cực; tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập cả về quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, tại một số địa phương đã xảy ra một số vụ mua bán người với những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, gây hậu quả nghiêm trọng khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, thực hiện Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Tư pháp tổ chức Phiên giải trình về “Việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Kết quả của phiên giải trình, là cơ sở để Ủy ban Tư pháp của Quốc hội xem xét, đánh giá việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; những bất cập về cơ chế, chính sách và pháp luật và về những vụ mua, bán người xảy ra trong thời gian gần đây được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Từ đó kịp thời đưa ra những kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm tuân thủ pháp luật trong việc thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người; kiến nghị những giải pháp nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và xu hướng gia tăng với tính chất và thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước. Đã xuất hiện nhiều đường dây tội phạm mua bán người với các thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao”, tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài và muốn về nước phải trả tiền chuộc; hay như việc lợi dụng kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để cưỡng bức lao động, mua bán người hay chiếm đoạt tài sản…Tình trạng mua bán người ở trong nước, mua bán nam giới cũng có xu hướng tăng lên. Xuất hiện tình trạng mua bán trẻ sơ sinh.
Trước thực tế trên, tại phiên giải trình các đại biểu đã đánh giá cao sự chủ động của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong việc lựa chọn chuyên đề khảo sát và tổ chức phiên giải trình đúng và trúng vấn đề có tính thời sự hiện nay, được dư luận và Nhân dân đặc biệt quan tâm. Các đại biểu bày tỏ đồng tình và đánh giá cao với nhiều nhận định đánh giá về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm mua bán người hiện nay; ghi nhận các cơ quan hữu quan đã thẳng thắn nhìn nhận các nguyên nhân khách quan và chủ quan để từ đó chủ động có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Các đại biểu cũng đặt nhiều câu hỏi và đề nghị các cơ quan có trách nhiệm giải trình như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tòa án nhân dân tối cao có báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề như nhận định tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về mua bán người, công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong chủ động phát hiện, xử lý tội phạm, hợp tác quốc tế, việc giải cứu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân của mua bán người; công tác xây dựng pháp luật, lộ trình sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản có liên quan.
Tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng ở một số địa bàn
Phát biểu bế mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, nghiêm túc, thẳng thắn, phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp đã đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Qua giải trình cho thấy, thời gian qua tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về mua bán người diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng ở một số địa bàn với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia, trên không gian mạng, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng mua và bán, có cả đối tượng ở trong nước và ngoài nước; xuất hiện nhiều đường dây phạm tội với thủ đoạn mới và nạn nhân phải gánh chịu rất nhiều hệ quả rất nặng nề như bị cưỡng bức lao động, bóc tình dục, lấy bộ phận cơ thể...
Trước tình hình đó, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp góp phần kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật mua bán người như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; lồng ghép công tác phòng ngừa mua bán người với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn nguy cơ mua bán người.
Công tác phát hiện, xử lý hành vi tội phạm và vi phạm pháp luật về mua bán người được tăng cường thực hiện, cơ bản nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Trong kỳ báo cáo (từ 01/01/2018 đến 31/12/2022), các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý hình sự 386 vụ với 808 đối tượng
Công tác giải cứu, tiếp nhận, xác minh, tái hòa nhập cộng đồng đối với nạn nhân bị mua bán ngày càng được quan tâm hơn. Hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp về phòng, chống mua bán người được tiến hành chủ động, tích cực và đạt một số kết quả bước đầu; thông qua hợp tác quốc tế, đã tiếp nhận, giải cứu nhiều nạn nhân; nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính để nâng cao năng lực phòng ngừa, xử lý tội phạm mua bán người.
Công tác phòng ngừa và tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người chưa phù hợp
Bên cạnh đó, qua trao đổi tại phiên giải trình đã cho thấy, việc triển khai một số biện pháp phòng, chống mua bán người chưa đạt yêu cầu như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người ở một số địa phương còn hình thức, lồng ghép với công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm chung nên nội dung chưa phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, phong tục tập quán, hiệu quả chưa cao.
Việc lồng ghép nội dung về phòng ngừa mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở một số địa phương chưa thực sự có hiệu quả. Còn có trường hợp nạn nhân bị mua bán nhiều lần hoặc lại trở thành đối tượng thực hiện hành vi mua bán, lừa gạt người thân, quen để bán ra nước ngoài.
Công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nhất là công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ mua bán người.
Công tác phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người chưa tương xứng với tình hình thực tế. Việc phát hiện chủ yếu thông qua tố giác của người bị hại hoặc gia đình nạn nhân, rất ít vụ án được phát hiện thông qua công tác nghiệp vụ của các cơ quan chức năng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người trong một số trường hợp còn gặp khó khăn, vướng mắc do tội phạm xảy ra ở nước ngoài hoặc người phạm tội, nạn nhân đang ở nước ngoài dẫn đến khó khăn trong thu thập tài liệu, chứng cứ.
Công tác giải cứu, tiếp nhận, xác minh, tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều nạn nhân vẫn phải tìm cách liên lạc với người nhà nộp tiền chuộc để tự giải cứu; một số nạn nhân không được hỗ trợ học nghề, trợ giúp pháp lý, chăm sóc y tế, một số trường hợp không được trợ cấp ban đầu nếu không thuộc hộ nghèo.
Hợp tác quốc tế, ủy thác tư pháp hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có chức năng trong phòng, chống mua bán người chưa thực sự chặt chẽ…
Sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật năm 2024
Để khắc phục những hạn chế nêu trên và để tăng cường hơn nữa hiệu quả của các mặt công tác trong phòng, chống mua bán người, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật năm 2024. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến về tình hình tội phạm, nguy cơ, phương thức, thủ đoạn tội phạm mua bán người thường sử dụng; tập trung vào các đối tượng có nguy cơ bị mua bán với phương pháp phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, phong tục, tập quán.
Chỉ đạo tăng cường lồng ghép có hiệu quả nội dung phòng, chống mua bán người vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua bán người.
Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tăng cường nguồn lực thích đáng cho việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm mua bán người, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các hiệp định về dẫn độ tội phạm, chuyển giao người thi hành án phạt tù giữa Việt Nam và các nước mà Việt Nam chưa có các thỏa thuận song phương; tăng cường hợp tác với các cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế về phòng, chống mua bán người.
Đối với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ đề nghị sớm tổng kết 12 năm thi hành Luật Phòng, chống mua bán người. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Công an, Bộ đội biên phòng các địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, biên giới, trên biển, xuất nhập cảnh, tạm trú, tạm vắng…; thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người; tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong giải cứu, tiếp nhận nạn nhân, nhất là trong việc cấp giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán.
Tăng cường phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm mua bán người, không chỉ tập trung phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người qua biên giới mà cần chú trọng cả công tác phát hiện, xử lý hành vi mua bán người trong nội địa.
Cùng với đó, các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động đưa người đi lao động ở nước ngoài, cho nhận con nuôi kết hôn có yếu tố nước ngoài; sớm trình cơ quan có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền sớm sửa đổi các quy định liên quan đến chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng... để hỗ trợ nạn nhân có hiệu quả hơn, nhất là trong hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân của mua bán người.
Chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm, bố trí ngân sách phù hợp cho công tác phòng, chống mua bán người, nhất là trong hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân và tái hòa nhập cộng đồng; chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm cho nhân dân địa phương để giảm thiểu nguy cơ mua bán người. Hội đồng nhân dân các cấp quan tâm việc lồng ghép công tác phòng, chống mua bán người vào các nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; tăng cường hoạt động giám sát công tác phòng, chống mua bán người.
Một số hình ảnh tại phiên giải trình:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75560