Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Trước khả năng áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4 và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, BĐBP Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở trên 2 tuyến biên giới đất liền, bờ biển khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó. Tính đến 10 giờ ngày 18/9, BĐBP Quảng Bình đã liên lạc, kêu gọi được phần lớn tàu thuyền của địa phương vào bờ tránh trú.
Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, trong đêm 17/9, các đồn Biên phòng tuyến biển của BĐBP Quảng Bình đã sử dụng kênh thông tin liên lạc thực hiện hàng trăm lượt thông báo, kêu gọi các phương tiện hoạt động trên khu vực biển nguy hiểm tìm nơi tránh trú an toàn. Các đơn vị cũng đã khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm đếm, cập nhật hải trình các tàu thuyền đang hoạt động trên biển.
Trên tuyến biên giới đất liền, thông qua hệ thống loa truyền thanh bản xa, các đồn Biên phòng đã thông báo diễn biến tình hình thời tiết tới nhân dân các thôn, bản. Đồng thời, cùng với địa phương rà soát, kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng, sẵn sàng thực hiện các biện pháp sơ tán người dân, di dời tài sản đến nơi an toàn. BĐBP cũng vận động người dân không đi vào rừng trong thời gian chuẩn bị mưa gió, yêu cầu gia đình liên lạc với những người đang ở trong rừng khẩn trương về nhà trước khi thời tiết có diễn biến xấu.
Tính đến 10 giờ sáng nay, 18/9, đã có 7.262/7.313 tàu, thuyền của ngư dân Quảng Bình đã vào bờ trú ẩn tại các khu neo đậu của tỉnh. Hiện vẫn còn 51 phương tiện đang hoạt động trên biển, trong đó có 43 tàu với 278 lao động đang hoạt động tại Vịnh Bắc Bộ, 8 phương tiện với 40 lao động đang hoạt động trên vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Tất cả các phương tiện trên đã nhận được thông báo từ BĐBP Quảng Bình, dự kiến chiều cùng ngày sẽ cho tàu vào bờ neo đậu ở những vị trí an toàn.
Trước diễn biến nhanh của áp thấp nhiệt đới, BĐBP Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục bám địa bàn, nắm chắc tình hình thời tiết, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các phương án phòng, chống thiên tai. Trong đó chủ động di dời dân các bản làng biên giới ở các sườn đồi có nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quét, kiểm tra và bổ sung lương thực thực phẩm dự phòng; tiếp tục kêu gọi, sắp xếp đảm bảo an toàn tại các âu neo đậu tàu thuyền.