Chủ động phòng ngừa các bệnh mùa nắng nóng
Những ngày này, cùng với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, Quảng Trị đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt của mùa hè. Khí hậu oi bức cùng với nhiệt độ thường xuyên duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Với thời tiết như thế này, nguy cơ bị sốc nhiệt, say nắng, thậm chí đột quỵ và xảy ra các dịch bệnh rất cao.
Mặc dù mới bắt đầu mùa hè nhưng thời tiết ở khắp các tỉnh thành miền Trung, trong đó có Quảng Trị xảy ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Chính khí hậu oi bức cùng với mức nhiệt thường xuyên duy trì 37, 38 độ, có nơi trên 40 độ đã gây nên cảm giác mệt mỏi, say nắng, suy nhược cơ thể… Thậm chí, khi nhiệt độ ngoài trời và trong nhà có sự chênh lệch lớn cũng làm gia tăng nguy cơ bị đột quỵ.
Cùng với đó, thời tiết mùa hè nóng ẩm, sự giao lưu đi lại của người dân tăng cao là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như: sởi, cúm, tay chân miệng, tiêu chảy do vi rút Rota; các bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết, viêm não...
Đặc biệt, mặc dù COVID-19 đang được kiểm soát, nhưng không vì thế mà chúng ta lơ là, chủ quan bởi diễn biến của dịch bệnh là hết sức phức tạp, khó lường và đang có xu hướng quay trở lại trong thời gian gần đây.
Nhằm bảo đảm công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong điều kiện nắng, nóng kéo dài và nguy cơ xảy ra các dịch bệnh trong mùa hè, các đơn vị y tế cần chủ động lập kế hoạch, triển khai phương án phòng chống.
Theo đó, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân biết cách xử lý tại chỗ, ban đầu đối với các trường hợp say nóng, say nắng; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy… Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế...
Song song với đó, các cơ sở y tế, các khu vực có số lượng người bệnh đến khám và điều trị đông thì cần rà soát, bổ sung thêm phương tiện phòng chống nắng nóng, bố trí thời gian khám chữa bệnh hợp lý tại các khu vực có mật độ đông người bệnh.
Thành lập, kiện toàn các tổ, đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu; tổ chức trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung điều trị, có phương án xử lý trong trường hợp bệnh nhân đến đông.
Đồng thời chuẩn bị đầy đủ thuốc, phương tiện, hóa chất, vật tư y tế dự trữ phòng chống dịch bệnh, nhất là các bệnh thường xảy ra trong mùa nắng nóng như tiêu chảy, sốt xuất huyết, chân tay miệng…
Thời tiết nắng nóng kéo dài trong mùa hè chính là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển làm gia tăng nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thức ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, các đơn vị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chú trọng các cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, suất ăn sẵn, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể và các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá… Sau khi xử lý cần công khai các cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm để kịp thời cảnh báo cho người dân. Tuy nhiên, để chủ động phòng ngừa bệnh mùa nắng nóng có hiệu quả, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
Hạn chế đi ra ngoài đường trong thời tiết nắng nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường trong điều kiện thời tiết nắng nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang chống nóng. Uống nhiều nước và nên uống bổ sung nước trái cây hoặc nước pha muối loãng, nước pha oresol… Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, sức đề kháng của cơ thể. Thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, mặt bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, vỏ dừa, vỏ lốp xe cũ...
Đặc biệt, người dân cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo khuyến cáo của ngành y tế để phòng tránh các bệnh giao mùa. Khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh lây lan cho người thân và cộng đồng.