Chủ động, linh hoạt, khắc phục bất cập trong công tác tuyển quân

Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hằng năm của các địa phương.

Tính chất nhiệm vụ cùng những khó khăn, bất cập của công tác này đã tạo ra áp lực nhất định, đòi hỏi đội ngũ cán bộ tuyển quân phải nắm chắc Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) và rất chủ động, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ.

Để hoàn thành chỉ tiêu, nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, hằng năm, các địa phương thành lập Hội đồng NVQS với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể. Điều này đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác tuyển quân.

Cơ quan quân sự các cấp phát huy tốt vai trò nòng cốt, chủ động rà soát, nắm nguồn công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS; chú trọng tổ chức rút kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tuyển quân; phối hợp thực hiện chặt chẽ các khâu, bước sơ tuyển, khám tuyển.

Các địa phương thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2024.

Tuy nhiên, những năm gần đây, công tác tuyển quân gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ thanh niên thuộc diện tạm hoãn thực hiện NVQS liên tục tăng cao. Điển hình như ở tỉnh Hải Dương, năm 2023, tỷ lệ này chiếm 76,01%, các địa phương khác ở Quân khu 3 cũng trung bình khoảng 60% tổng số thanh niên trong độ tuổi tham gia NVQS.

Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tạm hoãn NVQS cao là do số thanh niên trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học, đi xuất khẩu lao động ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, tỷ lệ công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ có xu hướng giảm dần theo điều kiện phát triển dân số tự nhiên; một bộ phận thanh niên, nhất là vùng nông thôn đi làm ăn xa, dài ngày, gây khó khăn cho việc đăng ký, quản lý nguồn và triệu tập khám tuyển.

Tìm hiểu tại một số địa phương đang triển khai khám sơ tuyển NVQS, chúng tôi nhận thấy, tỷ lệ công dân sức khỏe không bảo đảm theo luật định cũng cao, nhất là mắc tật khúc xạ về mắt và có diện tích hình xăm lớn trên cơ thể. Điều này dẫn đến việc các địa phương tuy gọi khám nhiều nhưng số thanh niên đủ điều kiện lại ít. Thậm chí có địa phương nguy cơ thiếu chỉ tiêu, nhất là ở vùng thành thị.

Trung tá Nguyễn Thế Phúc, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) cho biết: “Việc triệu tập thanh niên tham gia khám tuyển được Hội đồng NVQS các cấp thực hiện theo quy định của Luật NVQS năm 2015 và các văn bản liên quan. Tuy nhiên, một bộ phận người dân không nắm rõ luật nên ở một số nơi có dư luận “tại sao tuyển ít, gọi nhiều”, tạo ra những tin đồn tiêu cực, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cơ quan quân sự địa phương”.

Các địa phương thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2024.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, hiện nay, các gia đình cơ bản chỉ có từ một đến hai con, nhiều gia đình có con trong độ tuổi nhập ngũ là con trai duy nhất nên tâm lý bố mẹ ngại cho con vào bộ đội vì sợ vất vả; một số thanh niên làm việc tại địa phương có công việc, thu nhập ổn định cũng không muốn nhập ngũ.

Trung tá Đặng Xuân Bình, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: “Những năm trước tổ chức khám tuyển, chúng tôi phát hiện một số thanh niên cố tình xăm hình diện tích lớn lên cơ thể để trốn NVQS. Đối với những trường hợp này, chúng tôi sẽ gặp gỡ trực tiếp vận động và sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để thanh niên tự xóa hình xăm. Trường hợp cố tình trốn tránh, chúng tôi sẽ đề nghị xử lý nghiêm theo luật định”.

Còn Trung tá Lưu Xuân Tựu, Trợ lý Tham mưu Ban CHQS huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) thông tin thêm: “Trước đây, địa phương có những trường hợp thanh niên lợi dụng giấy báo đỗ cao đẳng, đại học xin di chuyển NVQS nhưng sau đó không nhập học. Một số thanh niên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhưng không di chuyển NVQS về địa phương. Rút kinh nghiệm, từ năm 2022, chúng tôi có công văn phối hợp gửi các nhà trường để chứng thực việc nhập học và tốt nghiệp của thanh niên, bảo đảm không bỏ sót nguồn”.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tuyển quân, để tạo được sự đồng thuận, người dân tự giác, hăng hái tham gia thực hiện NVQS thì quan trọng nhất là khi tiến hành các bước tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, Hội đồng NVQS các cấp phải thực sự công khai, công bằng, minh bạch và đúng luật.

Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự các cấp cũng cần quan tâm thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương Quân đội, giới thiệu việc làm cho quân nhân sau khi hoàn thành NVQS; có chính sách đãi ngộ, tạo nguồn cán bộ cho địa phương đối với những quân nhân rèn luyện tốt, được kết nạp vào Đảng trong thời gian tại ngũ. Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp các địa phương tiến hành công tác tuyển quân được thuận tiện, dễ dàng hơn; bảo đảm chỉ tiêu với chất lượng ngày càng nâng lên trong thời gian tới.

Theo quy định của Luật NVQS năm 2015 và các quyết định, thông tư, hướng dẫn, quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được tiến hành theo các bước sau: 1/ Rà soát công dân thực hiện NVQS. 2/ Sơ tuyển công dân thực hiện NVQS. 3/ Xét duyệt và bình cử gọi công dân khám sức khỏe NVQS.4/ Khám sức khỏe NVQS. 5/ Phúc tra các tiêu chuẩn và bình cử gọi công dân nhập ngũ. 6/ Quy trình các bước hoàn thiện, thẩm tra hồ sơ; nghiên cứu, chốt quân số, bàn giao hồ sơ. 7/ Phát lệnh gọi công dân nhập ngũ. 8/ Giao nhận quân. 9/ Bù đổi.

Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu rõ các khâu, các bước trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ nên có thể hiểu nhầm, cho rằng cơ quan quân sự địa phương “tuyển ít, gọi nhiều” nhằm “rung, dọa”. Tất nhiên, không thể phủ nhận tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh" vẫn còn. Ngoài ra, công tác tham mưu của cơ quan quân sự một số địa phương còn hạn chế, do ngại va chạm. Nếu tham mưu tốt sẽ giúp người đứng đầu địa phương có chỉ đạo hay ban hành nghị quyết, văn bản nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp trong công tác tuyển quân, nhất là với đội ngũ cán bộ thì chắc chắn sẽ hạn chế được những tiêu cực.

Xuất phát từ vấn đề này, Hội đồng NVQS các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động tuyên truyền cần được triển khai đa dạng cả về hình thức, nội dung, nhất là về độ tuổi, tiêu chuẩn, quyền lợi được hưởng, thời gian tại ngũ, xuất ngũ, các trường hợp miễn, hoãn và chế tài xử phạt nếu trốn NVQS; các mốc thời gian đăng ký, khám tuyển...

Đồng thời, làm tốt việc biểu dương đối với những thanh niên tình nguyện viết đơn nhập ngũ và xử phạt nghiêm các trường hợp trốn tránh.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG

---------

Thông tin kỹ quy trình, các bước tuyển quân

Giống nhiều địa phương trên cả nước, hiện nay, do điều kiện, hoàn cảnh gia đình, một bộ phận công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ (kể cả số công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng) có hộ khẩu thường trú ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ly hương đi làm ăn xa, rất ít khi có mặt ở nhà, gây khó khăn trong công tác quản lý, nắm nguồn.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật về công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ đã xuất hiện một số bất cập, hạn chế, tạo kẽ hở để một số công dân lợi dụng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS).

Hội đồng Nghĩa vụ quân sự xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột tặng hoa các công dân có đơn tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2024. Ảnh: THUẬN AN

Ngoài ra, do mặt trái của cơ chế thị trường, một bộ phận thanh niên của địa phương có biểu hiện lười lao động, thích hưởng thụ, sa vào các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý của thanh niên, đặc biệt là số công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ có tỷ lệ mắc các bệnh về mắt (cận thị, loạn thị), tim mạch, béo phì khá lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả triển khai thực hiện công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Cá biệt, khi lực lượng chức năng gặp gỡ, tiếp xúc, rà soát nắm nguồn, sàng lọc, lập hồ sơ các đối tượng thuộc diện tạm miễn, tạm hoãn, gọi khám tuyển, có người dân do nhận thức còn hạn chế, không nắm chắc quy trình các bước tuyển quân đã truyền tai nhau rằng cán bộ đang tìm cách "rung dọa" để bà con lo sợ, tìm cách gặp gỡ, xin xỏ...

Trước thực tế đó, chúng tôi thường xuyên tham mưu cho Hội đồng NVQS, Ban CHQS thành phố và các xã, phường phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng, ban giám hiệu các trường trung học phổ thông, các cựu chiến binh, đảng viên, thanh niên xuất ngũ, già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của bà con về Luật NVQS năm 2015 và quy trình, các bước của công tác thâm nhập, tuyển quân; về những quyền lợi mà thanh niên sẽ được hưởng trong thời gian tại ngũ, sau khi xuất ngũ.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, quy trình thâm nhập tuyển quân, danh sách tạm miễn, tạm hoãn đều được thông báo công khai, kịp thời để nhân dân có thể kiểm tra, giám sát một cách dễ dàng, thuận lợi. Những trường hợp cố tình trốn tránh, vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh và thông tin, tuyên truyền rộng rãi.

Trung tá QNCN PHẠM VĂN THẮNG, Trợ lý Quân lực, Ban CHQS TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

----------

Dân chủ, minh bạch

Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Tiền Giang đang tổ chức sơ tuyển công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS), thời gian từ ngày 1-11 đến 15-12-2023.

Trong những năm qua, công tác bình nghị, xét duyệt luôn bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ cấp huyện đến cấp xã thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội; chăm lo đời sống, kịp thời giúp đỡ những gia đình quân nhân tại ngũ, nhất là những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn để thanh niên yên tâm thực hiện NVQS, nghĩa vụ công an; kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân lợi dụng chức trách, quyền hạn được giao gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong tuyển quân và những công dân vi phạm pháp luật về NVQS; giải quyết kịp thời những kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo ngay tại cơ sở.

Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang tổ chức khám sức khỏe chuẩn bị cho công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2024. Ảnh: THANH LÂM

Từ việc hoàn thành tốt công tác tuyên truyền, quy trình tuyển quân, phát huy tốt vai trò của các cấp, các ngành, đoàn thể và của các thành viên Hội đồng NVQS... nên những năm qua, địa bàn tỉnh Tiền Giang không có trường hợp thanh niên trốn, chống thực hiện NVQS, không xảy ra tiêu cực trong công tác tuyển quân.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyển quân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thời gian tới, cơ quan quân sự các cấp mạnh dạn tham mưu, không ngại va chạm để cấp ủy, chính quyền, Hội đồng NVQS cấp mình thực hiện tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng, đúng pháp luật và được sự đồng thuận của nhân dân. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền; đăng ký, phúc tra, quản lý nguồn công dân sẵn sàng nhập ngũ; quan tâm thực hiện tốt công tác chính sách đối với quân nhân hoàn thành NVQS trở về địa phương.

Thượng tá DƯƠNG VĂN VÂN, Trưởng ban Quân lực, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang

----------

Xử lý nghiêm các vi phạm

Hiện nay, cơ quan quân sự cấp phường thuộc quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội đang tiến hành bước sơ tuyển, trong đó tập trung vào sơ tuyển tiêu chuẩn về tuổi đời, chính trị, văn hóa.

Kinh nghiệm của Ban CHQS quận Hai Bà Trưng những năm qua là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Nhờ thế, quá trình triển khai, chúng tôi luôn tạo được sự đồng thuận, thống nhất và sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả các cấp, các ngành.

Đồng thời, đề cao vai trò trách nhiệm của từng bộ phận, nhất là ban CHQS các cấp trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) trong công tác tuyển quân sát với đặc điểm, tình hình thực tiễn của địa phương.

Mạnh dạn tham mưu để cấp ủy, chính quyền, Hội đồng NVQS quận ban hành các văn bản, chỉ đạo ngăn chặn can thiệp vào công tác tuyển quân. Chúng tôi cũng kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển quân như: Lợi dụng chức trách, quyền hạn được giao gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực và xử lý nghiêm minh những công dân vi phạm pháp luật về NVQS theo Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 6-6-2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thượng tá PHẠM HỒNG CHUNG, Chỉ huy trưởng Ban CHQS quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chu-dong-linh-hoat-khac-phuc-bat-cap-trong-cong-tac-tuyen-quan-750141