Chốt mốc khởi công Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng trong quý I/2024

Ông Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn yêu cầu cho các cơ quan liên quan tại địa phương này phải khởi công Dự án PPP tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng ngay trong quý I/2024.

Phối cảnh Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Thông điệp rất quan trọng này được Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn đưa ra trong cuộc họp lãnh đạo chủ chốt của tỉnh về việc thúc đẩy tiến độ triển khai Dự án PPP tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng diễn ra vào chiều 16/1.

Cuộc họp này còn có sự tham gia của nhóm các nhà đầu tư cùng tham gia đề xuất dự án là Tập đoàn Đèo Cả, Ngân hàng TP Bank, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)…

Theo Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn, Dự án PPP tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng là công trình được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp chủ trì thúc đẩy công tác công tác triển khai Dự án. Bản thân tỉnh Lạng Sơn cũng trông đợi từng ngày từng giờ đưa Dự án PPP tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng vào triển khai thi công.

“Không chỉ tỉnh Lạng Sơn mong mà phía Cao Bằng cũng muốn chúng tôi sớm triển khai tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng nhằm tạo ra sự đồng bộ đường cao tốc kết nối tiếp từ cửa khẩu Tân Thanh đến cửa khẩu Trà Lĩnh, qua đó góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông từ Hà Nội lên các tỉnh biên giới phía Bắc”, ông Nguyễn Quốc Đoàn nhấn mạnh.

Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn cũng đánh giá rất cao việc liên danh nhà đầu tư đã đề xuất phương án huy động nguồn lực để thực hiện Dự án PPP tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có tính khả thi cao và chỉ đạo các sở ban ngành thực hiện các công việc liên quan để tổ chức đấu thầu khởi công công trình trong quý I/2024.

Để làm được một khối lượng công việc khổng lồ trong khoảng thời gian từ nay đến mốc khởi công Dự án vào cuối tháng 3/2024, Bí thư Nguyễn Quốc Đoàn giao Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ phê duyệt điều chỉnh thẩm định dự án, hoàn thành công tác lựa chọn, ký hợp đồng nhà đầu tư trước 27/3/2024.

Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh - Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, đại diện cho liên danh nhà đầu tư đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn sớm triển khai công tác giải phóng mặt bằng và có kế hoạch bố trí ngân sách địa phương là 2.000 tỷ đồng đảm bảo tiến độ.

Phần vốn còn lại trị giá khoảng 5.529 tỷ đồng đã được các nhà đầu tư chuẩn bị sẵn sàng, trong đó có khoảng 2.500 tỷ đồng từ ngân hàng TP Bank đã cam kết cho vay theo biên bản ngày 10/1/2024. Bên cạnh đó, Tập đoàn Đèo Cả cũng đã đề nghị SCIC phát hành 1.923 tỷ đồng trái phiếu cho Dự án và sớm có văn bản phản hồi trước ngày 31/1/2024.

Theo ông Đinh Việt Tùng - Phó tổng giám SCIC, đơn vị này đã xem xét và thấy rằng tính khả thi Dự án PPP tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng còn cao hơn cả Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Nếu tập trung làm thì mức độ thành công cao và SCIC sẵn sàng đầu tư vốn theo yêu cầu của Tập đoàn Đèo Cả.

Vào ngày 19/12/2023, HĐND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Nghị quyết số 58/NQ-HĐND (Nghị quyết số 58) ngày 19/12/2023 điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Cụ thể, HĐND tỉnh Lạng Sơn quyết nghị điều chỉnh khoản 3, Điều 1, Nghị quyết số 41 về dự kiến thời gian thực hiện Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Theo đó, thời gian thực hiện Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng giai đoạn phân kỳ là từ năm 2023 đến 2026.

Hai là, Nghị quyết số 58 điều chỉnh khoản 6, Điều 1, Nghị quyết số 41 về sơ bộ tổng mức đầu tư (giai đoạn phân kỳ). Cụ thể, Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư mới là 11.029 tỷ đồng, tăng khoảng 409 tỷ đồng so với Nghị quyết số 41 (10.620 tỷ đồng).

Ba là, Nghị quyết số 58 điều chỉnh điểm a và điểm b, khoản 7, Điều 1, Nghị quyết số 41 về sơ bộ phương án tài chính của Dự án (giai đoạn phân kỳ), trong đó vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 5.529 tỷ đồng (chiếm 50,13% tổng mức đầu tư); vốn nhà nước khoảng 5.500 tỷ đồng (chiếm 49,87% tổng mức đầu tư), trong đó vốn ngân sách trung ương 3.500 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 2.000 tỷ đồng.

Dự kiến, giá trị phần vốn nhà nước được bố trí cho bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khoảng 1.728 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng công trình tạm và xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khoảng 3.772 tỷ đồng.

Trước đó, tại Quyết định số 2104//QĐ-UBND, tổng mức đầu tư Dự án được xác định là 11.179 tỷ đồng, trong đó, vốn do nhà đầu tư có trách nhiệm huy động là 6.179 tỷ đồng (chiếm 55,27% tổng mức đầu tư); vốn nhà nước khoảng 5.000 tỷ đồng (chiếm 44,73% tổng mức đầu tư).

Nhà đầu tư sử dụng vốn chủ sở hữu và vốn huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư dự án, được hoàn vốn bằng thu phí kín trên toàn tuyến cao tốc; giá vé với hình thức thu phí kín, năm cơ sở 2026 với 5 nhóm phương tiện lần lượt là 2.100 - 3.000 - 3.700 - 6.000 - 8.100 (đồng/km), định kỳ 3 năm điều chỉnh tăng 15%/lần; thời gian thu phí, hoàn vốn khoảng 29 năm 6 tháng.

Bảo Như

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chot-moc-khoi-cong-du-an-cao-toc-huu-nghi---chi-lang-trong-quy-i2024-d207413.html