Chọn tổ hợp môn lớp 10 - nhiều cách làm sáng tạo
Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Đối với giai đoạn định hướng nghề nghiệp thì tổ hợp môn lớp 10 có lẽ là một trong những lựa chọn quan trọng nhất, ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp trong tương lai của mỗi học sinh.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp, học sinh phải học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Và các môn học lựa chọn gồm: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Học sinh chọn 4 môn học từ các môn học lựa chọn. Để giúp học sinh lựa chọn được tổ hợp môn học phù hợp, nhiều trường THPT đã có những cách làm sáng tạo.
Năm học 2024-2025, Trường THPT Lê Lợi (Thọ Xuân) có tổng số 1.710 học sinh, trong đó có 616 học sinh lớp 10 được chia thành 14 lớp. Để hướng dẫn, định hướng học sinh lựa chọn được tổ hợp môn học phù hợp ngay từ khi vào lớp 10, Trường THPT Lê Lợi đã dành 3 tuần bổ túc lại kiến thức cho các em học sinh để các em biết được mình thực sự yêu thích, phù hợp với môn học nào. Cùng với đó, căn cứ vào nguồn lực hiện có của trường cũng như nhu cầu của xã hội, nhà trường đã dự kiến 4 tổ hợp chính và 3 tổ hợp phụ để tư vấn cho phụ huynh, học sinh.
Để phụ huynh hiểu rõ được những điểm mới khác biệt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ đó đồng hành cùng nhà trường trong việc tư vấn, định hướng cho học sinh lựa chọn được tổ hợp môn học phù hợp, nhà trường đã tổ chức một buổi hội thảo, trong đó mời toàn bộ phụ huynh lớp 10 tham dự. Từ đó, cung cấp tới phụ huynh học sinh những thông tin bổ ích như: Phương án tổ chức thi tốt nghiệp từ năm 2025, phương án xét tuyển đại học của các trường đại học trong những năm gần đây, xu thế nhu cầu của các ngành nghề trong xã hội...
Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi Đỗ Thị Hồng Hạ, cho biết: Những năm trước, học sinh thường có xu thế đổ dồn vào lựa chọn học và thi tổ hợp các môn xã hội dẫn đến số học sinh đăng ký học Tổ hợp khoa học tự nhiên ít. Để giúp các em học sinh tự tin lựa chọn các môn học Khoa học tự nhiên, nhà trường đã động viên các thầy, cô giáo dạy bổ túc miễn phí cho các em học sinh dựa trên đăng ký môn học của học sinh sau khi trúng tuyển vào lớp 10.
Sở dĩ làm như vậy theo cô Hồng Hạnh lý giải là do ở bậc học THCS, học sinh học liên môn Khoa học tự nhiên và các môn Lịch sử, Địa lý chứ không học tách bạch các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý riêng như ở bậc THPT, do đó, học sinh không hiểu rõ được năng lực, thế mạnh của mình là gì và chưa nắm được phương pháp học tập dẫn đến không tự tin lựa chọn các môn Khoa học tự nhiên.
Theo cô Hạnh, nước ta đang đẩy mạnh CNH, HĐH, nguồn nhân lực của ngành bán dẫn, các khối ngành kỹ thuật... đang rất thiếu. Học sinh không thể theo học các ngành nghề này nếu các em lựa chọn các môn tổ hợp Khoa học xã hội. Do đó, việc bồi dưỡng miễn phí cho học sinh khi các em vào lớp 10 trên tinh thần tự nguyện đăng ký và chỉ dạy lại kiến thức THCS, cung cấp phương pháp học tập bộ môn trên cơ sở dạy tách bạch riêng từng môn học giúp các em khám phá năng lực bản thân, hiểu rõ được mình thực sự mong muốn theo học môn học gì? Định hướng nghề nghiệp tương lai của mình là gì?... Sau 3 tuần bổ túc, học sinh sẽ được đăng ký tổ hợp tự chọn mà mình muốn theo đuổi. Với cách làm này, các thầy, cô giáo thực sự rất vui mừng vì tỷ lệ học sinh đăng ký các môn tự nhiên và xã hội đã cân bằng.
Tại Trường THPT Tô Hiến Thành (TP Thanh Hóa), căn cứ vào những điểm mới trong cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025, phương án xét tuyển của các trường đại học, nhà trường đã đẩy mạnh truyền thông tới phụ huynh, học sinh về các tổ hợp môn tự chọn mà nhà trường đã xây dựng, tăng cường tư vấn, hướng dẫn học sinh lựa chọn được tổ hợp phù hợp nhất với năng lực học sinh.
Cô Nguyễn Thị Lệ, bí thư chi bộ, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ thi 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn. Vì vậy việc lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp ngay từ lớp 10 sẽ tạo thuận lợi trong quá trình học tập và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nhà trường căn cứ vào nguồn lực hiện có để xây dựng các tổ hợp tự chọn, thông báo trên bảng tin, fanpage, tư vấn trực tiếp cho phụ huynh, học sinh để các em có lựa chọn phù hợp nhất.
Có thể nói được tự lựa chọn môn học là một lợi thế rất lớn đối với học sinh, tuy nhiên, lựa chọn được tổ hợp môn phù hợp để theo đuổi là điều không dễ dàng với các em học sinh. Các em cần được sự định hướng từ phía nhà trường, phụ huynh... thậm chí cần được định hướng từ bậc THCS.
Thầy giáo Chu Hồng Văn, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Học sinh có thể thay đổi nguyện vọng nếu các em cảm thấy lựa chọn của mình lúc đầu là chưa phù hợp. Nhà trường sẽ giao trách nhiệm cho những giáo viên có chuyện môn tốt nhất phụ đạo phần kiến thức bị “bỏ lỡ” cho học sinh để các em “bắt kịp” các bạn. Đồng thời lên thời khóa biểu “đặc biệt” riêng để các em có điều kiện học tập tốt nhất.
Sau 2 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với bậc THPT, các nhà trường đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng tổ hợp tự chọn và cụm chuyên đề học tập cho học sinh lớp 10 phù hợp, từ đó giúp các em học sinh được theo đuổi đam mê, có lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chon-to-hop-mon-lop-10-nhieu-cach-lam-sang-tao-223834.htm