Chọn nghề bằng trái tim: Hành trình vượt định kiến của thầy giáo từng bị hỏi 'Con trai học Văn làm được gì?'

Không ai sống mãi với danh hiệu. Điều quan trọng là bạn có đang sống đúng với bản thân, làm việc bằng cả trái tim và cảm thấy bình an mỗi ngày hay không. Giữa mùa điều chỉnh nguyện vọng, khi hàng ngàn bạn trẻ đang loay hoay chọn ngành, chọn trường, câu chuyện của thầy giáo trẻ Mai Tuấn Anh không chỉ là hành trình vượt định kiến để theo đuổi nghề giáo, mà còn là lời nhắn nhủ chân thành: hãy lắng nghe trái tim và thấu hiểu chính mình trước khi đưa ra lựa chọn quan trọng của cuộc đời.

Từ một nam sinh từng đối diện với hoài nghi và áp lực khi chọn Sư phạm Ngữ văn – một con đường “khác số đông”, đến thủ khoa kép và người thầy truyền cảm hứng tại một hệ thống giáo dục hàng đầu, Mai Tuấn Anh đã chứng minh rằng: chọn nghề không chỉ cần lý trí, mà còn cần lý tưởng và lòng can đảm để dấn thân.

 Thầy giáo trẻ Mai Tuấn Anh đang giảng dạy tại Trường PTLC Vinschool Imperia (Hải Phòng).

Thầy giáo trẻ Mai Tuấn Anh đang giảng dạy tại Trường PTLC Vinschool Imperia (Hải Phòng).

Từng trải qua cảm giác hoài nghi, áp lực và mâu thuẫn nội tâm khi đứng giữa ngã ba lựa chọn, thầy Tuấn Anh không chọn con đường “an toàn”, không chọn ngành học theo xu hướng hay mong muốn của người khác. Anh chọn nghề giáo – một lựa chọn đối mặt với không ít định kiến, đặc biệt là với một nam sinh chuyên khối xã hội ở thời điểm lúc bây giờ.

“Con trai học Văn làm được gì?”, “Học Sư phạm sau này ra trường xin việc khó lắm!”, “Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm”… là những lời phán xét, bàn luận tiêu cực mà anh từng phải nghe. Điều đau lòng hơn là có những lời ấy đến từ người thân trong gia đình, họ hàng.

Tuấn Anh không phản ứng dữ dội. Anh chọn cách lắng nghe bản thân. Trong suốt quá trình chọn ngành, chọn nghề, anh không để cảm xúc bốc đồng dẫn lối, mà chọn ngồi lại thật lâu với chính mình để trả lời ba câu hỏi cốt lõi: Mình thích gì? Mình giỏi gì? Mình muốn sống cuộc đời như thế nào?

Và điều may mắn là anh đã nhận được sự tin tưởng từ bố mẹ. Trước ngày anh Tuấn Anh lên Hà Nội để nhập học, mẹ anh đã nói: “Bố mẹ đồng ý và tôn trọng lựa chọn nghề nghiệp và định hướng tương lai của con không phải vì bố mẹ muốn con thành giáo viên, bố mẹ chỉ muốn con học ở Hải Phòng nhưng bố mẹ tôn trọng và tin tưởng rằng con sẽ trưởng thành hơn ở Hà Nội. Bố mẹ không ngăn cản, bố mẹ tôn trọng quyết định và con đường con lựa chọn. Sau này, sướng hay khổ, thành hay bại nằm ở bản thân con, đã lựa chọn thì phải tự chịu trách nhiệm. Bố mẹ không chờ ngày hái quả, chỉ mong niềm tin hôm nay không khiến bố mẹ sau này phải hối hận.” Chính sự tin tưởng đó tiếp thêm sức mạnh để Tuấn Anh đặt chân đến Hà Nội, theo đuổi con đường Sư phạm Ngữ văn với tất cả tình yêu và bản lĩnh; và trở thành niềm tự hào của gia đình với những thành tích học tập vô cùng xuất sắc và trở thành giáo viên Ngữ văn của Hệ thống Giáo dục Vinschool - Một trong những hệ thống giáo dục uy tín hàng đầu Việt Nam.

Bước chân vào giảng đường đại học là một cú sốc không nhỏ. “Cảm giác chán nản, lạc lõng, hụt hẫng vì thực tại không đẹp như mơ” là điều mà không chỉ Tuấn Anh mà rất nhiều sinh viên từng đối mặt. Nhưng thay vì bỏ cuộc, anh nhắc bản thân nhớ về lý do mình bắt đầu. Đó chính là nguồn động lực để anh kiên trì học tập, rèn luyện và từng bước khẳng định bản thân. Điều quan trọng, hãy cân bằng giữa việc học - tham gia các hoạt động, sự kiện, CLB - đi làm thêm - các vấn đề cá nhân; và việc quan trọng nhất vẫn là đầu tư cho việc học, đó là con đường ngắn nhất và dễ dàng nhất để trau dồi chuyên môn và khẳng định thương hiệu nghề nghiệp và định vị bản thân.

Danh hiệu thủ khoa đầu vào và thủ khoa tốt nghiệp chính là kết quả xứng đáng cho những năm tháng miệt mài ấy. Nhưng điều đáng quý ở Tuấn Anh không chỉ là thành tích, mà là quan điểm đầy tỉnh táo: “Danh hiệu là bước khởi đầu chứ không phải đích đến. Nó mở cánh cửa, nhưng chính mình phải là người bước qua cánh cửa ấy bằng năng lực và tâm huyết thật sự.”; “chẳng có điểm số hay danh hiệu nào đủ lớn lao và vĩ đại đến mức chúng ta cứ mãi kiêu hãnh và vẻ vang suốt cả cuộc đời”; “Mình không phủ nhận công sức hay thành tích vượt trội của những cá nhân xuất, và thành quả đó là hoàn toàn xứng đáng với họ ở thời điểm đó. Nhưng với những trải nghiệm nghề nghiệp sau khi ra trường, mình chiêm nghiệm rất rõ, danh hiệu không phải là yếu tố để đánh giá năng lực và hiệu quả làm việc, cũng không ai quan tâm bạn thi đại học là thủ khoa, hay 29, 30 điểm; bạn phải chứng minh được năng lực của bản thân, trong chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần làm việc và những giá trị bạn mang lại.

Ra trường, Tuấn Anh đối mặt với một thử thách mới về thị trường lao động. Tuy nhiên, với những thành tích học tập xuất sắc cũng những kĩ năng mềm tích lũy trong quá trình học đại học, cùng những tiềm năng sư phạm mà anh thể hiện, anh đã được nhà tuyển dụng tin tưởng và trao cơ hội việc làm trước thời hạn anh Tốt nghiệp. “Đối với một giáo viên mới tốt nghiệp, thiếu kinh nghiệm giảng dạy thực tiễn là một bất lợi lớn” - Anh không né tránh điều đó. Anh chọn bắt đầu từ việc dạy tại các trường Quốc tế Song ngữ (Hà Nội) - nơi có áp lực cao nhưng cũng là môi trường lý tưởng để rèn giũa năng lực, đổi mới phương pháp và phát huy cá tính sư phạm. Anh cũng chia sẻ và gửi lời khuyên đến các bạn sinh viên sư phạm sắp tốt nghiệp hoặc mới ra trường: “Giữa việc tin tưởng và trao cơ hội việc làm cho 1 ứng viên chưa từng có kinh nghiệm thực tiễn đầy rủi ro thì việc tuyển dụng một ứng viên đã có kinh nghiệm giảng dạy sẽ là lựa chọn an toàn hơn. Đó là một bất lợi với những giáo viên mới ra trường. Tuy nhiên, hãy tìm hiểu các thông tin về nhà trường trước khi tham gia tuyển dụng, hãy tìm những điểm phù hợp giữa bản thân và nhà trường và luôn thể hiện tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, sẵn sàng thay đổi cùng sự chân thành, chính trực. Các nhà tuyển dụng họ mong muốn tìm kiếm những giáo viên có tiềm năng để đào tạo phát triển chuyên môn và phù hợp với văn hóa môi trường, định hướng phát triển. Vì vậy, cơ hội sẽ luôn dành cho tất cả chúng ta, quan trọng vẫn là sự chủ động, tinh thần thái độ làm việc và tiềm năng - năng lực chuyên môn”.

Hiện nay, thầy Tuấn Anh đang giảng dạy tại Trường PTLC Vinschool Imperia (Hải Phòng) - là trường đạt chứng nhận quốc tế toàn diện của CIS, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng giáo dục, chương trình học, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và quản lý; cung cấp một môi trường học tập quốc tế chất lượng cao, giúp học sinh phát triển toàn diện và sẵn sàng hội nhập toàn cầu. Với những yêu cầu cao đối với giáo viên trong các hoạt động chuyên môn, không ngừng học hỏi, sáng tạo và đổi mới, cùng những yêu cầu - quy định riêng của người Vins. Mặc dù trước đó đã từng giảng dạy trên Hà Nội, Thầy cũng chia sẻ rằng: Vinschool là một môi trường làm việc chuyên nghiệp, đòi hỏi cường độ làm việc cao, luôn đề cao tính minh bạch, công bằng. Chính vì thế mà ai đến với Vinschool cũng đều có được rất nhiều những bài học quý giá, những trải nghiệm ý nghĩa trong hành trình làm nghề cũng như đồng hành cùng Vinschool.

“Hòa nhập là chưa đủ. Hãy tạo dấu ấn. Trong môi trường giáo dục hiện đại, chỉ khi bạn chủ động học lại từ phản hồi, từ thực tiễn thì bạn mới có thể tồn tại và phát triển”, thầy giáo trẻ tâm tư.

“Dạy Văn không nên chỉ là dạy để hiểu tác phẩm, mà là cùng học sinh trò chuyện với tác phẩm, và soi chiếu chính mình trong đó.” Với triết lý đó, thầy Tuấn Anh đã có những đổi mới táo bạo trong dạy học như Hướng dẫn học sinh làm podcast, dựng video phân tích tác phẩm; Đặt câu hỏi mở như “Nếu em là nhân vật ấy, em sẽ làm gì?”; Kết hợp các nền tảng số và ứng dụng AI trong giảng dạy nhưng không để học sinh lạm dụng mà giúp các em rèn kỹ năng viết có chiều sâu.

Thầy giáo trẻ luôn nhấn mạnh: “Công nghệ là bạn đồng hành, không phải là người thay thế. Tư duy cảm thụ và ngôn ngữ vẫn là cốt lõi của môn Ngữ văn.”

Một điểm đáng chú ý trong chia sẻ của Tuấn Anh là cách nhìn rộng mở về cơ hội nghề nghiệp từ ngành Ngữ văn. Theo thầy, sinh viên ngành Văn không chỉ giỏi ngôn ngữ, mà còn có tư duy phân tích, cảm thụ sâu, lập luận chặt chẽ những kỹ năng quan trọng trong nhiều lĩnh vực hiện đại như: Báo chí, truyền thông; Viết lách sáng tạo, biên tập nội dung; Quan hệ công chúng, nhân sự; Giáo dục kỹ năng, huấn luyện phát triển bản thân; Các tổ chức phi chính phủ, dự án cộng đồng…. Nếu biết khai thác đúng, sinh viên Văn không chỉ tránh thất nghiệp mà còn có thể thành công ở nhiều lĩnh vực thời thượng.

Thầy Tuấn Anh thừa nhận có những lúc anh thấy áp lực vì danh hiệu thủ khoa, thậm chí cảm thấy hụt hẫng khi nhìn bạn bè thành công sớm. Nhưng rồi anh nhận ra: không ai sống mãi với danh hiệu. Điều quan trọng là bạn có đang sống đúng với bản thân, làm việc bằng cả trái tim, và cảm thấy bình an mỗi ngày hay không.

Thầy bộc bạch, có lần mình đã mất đi một người bạn thân đồng hành suốt 14 năm. Sự mất mát ấy khiến mình nhận ra: có những điều còn quan trọng hơn mọi thành tích. Đó là sức khỏe, sự bình an và những người yêu thương ta thật lòng.

Với tất cả những trải nghiệm đã qua, Thầy Tuấn Anh nhắn nhủ đến các bạn học sinh lớp 12 đang chọn ngành, chọn nghề: “Đừng chọn ngành để ‘hợp thời’, mà hãy chọn điều khiến bạn thực sự muốn dấn thân, dù khó khăn. Vì chỉ khi yêu thích công việc, bạn mới có nội lực để vượt qua những cú sốc, những thử thách tưởng chừng không thể. Dù có chọn sai, bạn vẫn có quyền sửa sai. Nhưng nếu không dám thử, bạn sẽ mãi nuối tiếc.”

Thầy giáo trẻ Mai Tuấn Anh luôn đặt sự chân thành và tử tế làm nền tảng. Không chỉ dạy Ngữ văn, anh còn dạy học trò cách tin vào chính mình, sống có lý tưởng và không ngại bước đi trên con đường mình chọn dù con đường ấy ít người đi.

“Không nghề nào là tuyệt đối an toàn, không công việc nào là dễ dàng mãi mãi. Nhưng khi bạn chọn đúng điều khiến bạn say mê, bạn sẽ có đủ lý do để cố gắng mỗi ngày. Và điều đó, đáng giá hơn bất kỳ danh hiệu hay thành tựu nào”

- Thầy giáo Mai Tuấn Anh -

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/chon-nghe-bang-trai-tim-hanh-trinh-vuot-dinh-kien-cua-thay-giao-tung-bi-hoi-con-trai-hoc-van-lam-duoc-gi-post1763835.tpo