Cho vay mua nhà chiếm 15% tổng dư nợ, BIDV khẳng định vẫn cấp vốn cho dự án tốt
Lãnh đạo ngân hàng BIDV nhấn mạnh quan điểm, ngân hàng không thắt chặt tín dụng bất động sản mà vẫn tiếp tục bơm vốn cho các dự án tốt, khả thi. Đồng thời ngân hàng vẫn đang triển khai gói vay 120.000 tỷ đồng.
Sáng 28/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2023, báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022, định hướng kế hoạch kinh doanh năm 2023 cũng như bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027.
"Xu hướng năm nay nợ xấu có nhiều khả năng tăng hơn năm ngoái"
Tại đại hội, HĐQT ngân hàng nhận được câu hỏi của cổ đông liên quan đến Thông tư 02 của NHNN trao quyền chủ động cho các ngân hàng trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng. BIDV có bộ tiêu chí nào trong việc tái cơ cấu nợ, phần nợ dự định tái cơ cấu là bao nhiêu?
Giải đáp thắc mắc của cổ đông, Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú cho biết, thời gian qua, kinh tế thế giới có nhiều vấn đề khiến chính sách của nhiều nước thận trọng hơn. Kinh tế Việt Nam đang dần ổn định nhưng cũng gặp một số vấn đề như doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tổng cầu thấp cả nội địa và quốc tế, tỷ lệ đòn bẩy của các doanh nghiệp lớn, áp lực dòng tiền lớn… Do đó, NHNN bắt buộc có Thông tư 02 để hỗ trợ các doanh nghiệp và ngân hàng.
Theo ông Tú, Thông tư 02 là một trong những hoạt động cho thấy quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ. Từ đó, doanh nghiệp tiếp tục tiếp cận được tín dụng mới để duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, phía ngân hàng cũng giảm áp lực về nợ xấu, áp lực dự phòng rủi ro. Những điều này sẽ hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn.
Đối với BIDV, vị chủ tịch này khẳng định, ngân hàng sẽ theo dõi chặt chẽ, phân loại, các điều kiện cơ cấu, xem xét khả năng, nguyên nhân khách hàng trả nợ. BIDV cũng cho biết, đã hướng dẫn các chi nhánh, thực hiện các điều kiện phân cấp phân quyền thực hiện đúng quy định của Thông tư 02.
Đối với rủi ro tín dụng của ngân hàng trong thời gian tới, Chủ tịch Phan Đức Tú nhìn nhận, xu hướng năm nay nợ xấu có nhiều khả năng tăng hơn năm ngoái. BIDV cũng lường trước kế hoạch này, kế hoạch năm nay là giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4%, con số này vào cuối năm trước là 0,98%.
Ngoài ra, năm 2023, BIDV dự kiến trích dự phòng khoảng 20.000 - 21.000 tỷ đồng. Mức trích lập thấp hơn năm ngoài được đại diện ngân hàng lý giải, năm 2022 nhà băng này đã trích và xử lý xong cơ bản các khoản nợ có vấn đề và đã trích thêm, trích trước cho các khoản nợ ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 2 năm.
BIDV không bỏ rơi mà sẽ cùng đồng hành với bất động sản
Tại đại hội, cổ đông ngân hàng cũng đặc biệt quan tâm đến khẩu vị của BIDV với thị trường bất động sản. Vấn đề này được Chủ tịch Phan Đức Tú lý giải, trong nền kinh tế, có hơn 70 ngành chịu tác động liên đới từ thị trường bất động sản, do đó mức độ ảnh hưởng này là rất đáng lưu tâm, tạo ra khối lượng việc làm rất lớn.
Ông Tú nhìn nhận, hiện tại, khó khăn đối với lĩnh vực bất động sản chủ yếu nằm ở khâu pháp lý. Đầu năm nay, BIDV có cuộc gặp gỡ đối với 15 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu, hơn 70% cho rằng khó khăn nằm ở vấn đề pháp lý, các điều kiện để mở bán, còn lại khoảng 30% là vấn đề vốn. Thậm chí, ngay cả vướng mắc về vốn tại ngân hàng cũng liên quan đến các vấn đề pháp lý.
Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú
Quan điểm của BIDV là cho vay kiểm soát chứ không thắt chặt, tiếp tục tìm kiếm các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng hoàn thành dự án, có thanh khoản. Tiếp tục cho vay người mua nhà đủ điều kiện, khả năng trả nợ.
Đại diện ngân hàng cũng cho hay, về dư nợ bất động sản, mảng kinh doanh này hiện chiếm khoảng hơn 2% tổng dư nợ, cho vay mua nhà đạt 240.000 tỷ, chiếm 15% tổng dư nợ.
BIDV lựa chọn theo phân khúc, doanh nghiệp bất động sản có đủ điều kiện pháp lý, có khả năng trở thành hàng hóa để thanh khoản trên thị trường, đây là điều kiện tiên quyết để cấp vốn. Đồng thời, tiếp tục cho vay người mua nhà. Đồng thời ngân hàng vẫn đang triển khai gói vay 120.000 tỷ đồng cho cả người mua nhà và chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, ông Tú nhấn mạnh.