Cho thuê phòng thừa trong nhà đang ở thì có thuộc diện quản lý PCCC không?

Hiện nay, do nhu cầu thuê trọ tại các thành phố lớn tăng cao, nhiều hộ dân đã tận dụng các phòng thừa trong nhà đang ở để cho thuê. Các trường hợp cho thuê phòng này có thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà trọ không?

Cho thuê 2 phòng thừa thì có thuộc diện quản lý phòng cháy, chữa cháy không?

Một công dân hỏi: "Hiện tại gia đình tôi đang có 2 phòng ở không dùng đến, mỗi phòng diện tích 30m2 trong thửa đất diện tích 120m2. Tôi có nhu cầu cho công nhân trong khu vực thuê ở trọ tại 2 phòng này.

Tôi muốn hỏi sau khi tôi cho thuê 2 phòng trọ này thì nhà tôi có thuộc diện cơ sở phải quản lý về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) theo Phụ lục 4 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định nhà trọ, cơ sở lưu trú được thành lập theo Luật Du lịch cao dưới 3 tầng không? Nhà tôi có cần làm các thủ tục về quản lý PCCC khác hay không?".

Giải đáp vấn đề trên, Bộ Công an cho biết: Theo quy định mục 7 Phụ lục 4 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ, nhà trọ chiều cao dưới 3 tầng hoặc khối tích dưới 1.000m3 do UBND cấp xã quản lý (nay được quy định tại mục 7 Phụ lục 4 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhà trọ cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích của các khối nhà phục vụ lưu trú dưới 2.500m3 do UBND cấp xã quản lý), khi cho thuê 2 phòng làm phòng trọ thì nhà của ông/bà thuộc diện quản lý về PCCC.

Do đó, ông/bà phải thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong việc bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 136/2020 và lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 149/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và Nghị định số 136/2020.

Nhiều nhà dân ở TP Hà Nội đang cho thuê phòng trọ.

Nhiều nhà dân ở TP Hà Nội đang cho thuê phòng trọ.

Phân loại nhà trọ thuộc diện quản lý về PCCC

Để đảm bảo an toàn, các cơ sở cho thuê nhà trọ, phòng trọ đều phải đảm bảo các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Việc người cho thuê nhà trọ có cần xin giấy phép PCCC hay không sẽ phụ thuộc vào quy mô của công trình. Khái niệm xin giấy phép PCCC được hiểu là làm thủ tục xin thẩm duyệt thiết kế PCCC của cơ quan chức năng.

Nếu công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế PCCC như quy định tại Nghị định số 136/2020 được sửa đổi bởi Nghị định số 50/2024 thì người chủ sở hữu phải hoàn thành thủ tục này trước khi tiến hành hoạt động cho thuê nhà trọ, phòng trọ.

Người dân muốn biết công trình của mình thuộc diện quản lý về PCCC như thế nào thì có thể tra cứu các phụ lục kèm theo Nghị định số 50/2024.

Cụ thể, mục 7 Phụ lục 1 quy định nhà trọ là cơ sở thuộc Danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy.

Mục 7 Phụ lục 2 quy định nhà trọ cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích các khối nhà phục vụ lưu trú từ 10.000m3 trở lên là cơ sở thuộc Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

Mục 7 Phụ lục 3 quy định nhà trọ cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các khối nhà phục vụ lưu trú từ 2.500m3 trở lên là cơ sở thuộc Danh mục cơ sở do cơ quan công an quản lý.

Mục 7 Phụ lục 4 quy định nhà trọ cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích của các khối nhà phục vụ lưu trú dưới 2.500m3 là cơ sở thuộc Danh mục cơ sở do UBND cấp xã quản lý.

Điều kiện an toàn về PCCC đối với nhà trọ dưới 5 tầng

Khoản 2 Điều 5 Nghị định 136/2020 quy định điều kiện an toàn về PCCC đối với nhà trọ dưới 5 tầng và có tổng khối tích của các khối nhà phục vụ lưu trú dưới 2.500m3 như sau:

Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;

Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;

Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC;

Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy, chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an.

Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy. Người làm nhiệm vụ PCCC phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cho-thue-phong-thua-trong-nha-dang-o-thi-co-thuoc-dien-quan-ly-pccc-khong-2333982.html