Chó, mèo 'lành' có thực sự lành?

Theo thông tin từ Bộ Y tế, 9 tháng đầu năm 2022, có 40 người chết vì bệnh dại. Người bị mèo cắn, cào, chó lành cắn vẫn có nguy cơ mắc bệnh dại.

Nhiều người tử vong vì bị chó, mèo cắn

Ngày 7/10, người đàn ông 49 tuổi, ở Bình Thuận, chết vì bệnh dại. Trước đó hơn 1 tháng, ông bị chó chạy rông cắn, nhưng không tiêm vaccine và kháng huyết thanh chống dại. 1 tháng sau, đau đầu, mệt mỏi, ho, ói, ông mới đi khám và được chẩn đoán dương tính virus dại, đã lên cơn. Dại đã lên cơn thì hiện y học vô phương cứu chữa. Đây là ca tử vong thứ 2 vì dại ở Bình Thuận năm nay.

Rất nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra. Do chó không có biểu hiện phát dại cắn, người bị cắn cho là chó "lành" nên không tiêm phòng, cho dù cơ sở y tế đã yêu cầu tiêm! Tình trạng thiếu hiểu biết về bệnh dại như thế này phổ biến trong cả nước, dẫn đến hậu quả đau thương.

Nhiều người cũng cho rằng mèo cắn, cào không mắc bệnh dại do không thấy loài này phát dại. Bé trai 11 tuổi, ở Tuyên Quang bị mèo cào vào lưng và tay nhưng không nói với gia đình. Hơn 3 tháng sau, bé tử vong vì dại sau 1 ngày nhập bệnh viện tỉnh Tuyên Quang.

Mèo phát dại.

Ông P.V.T, 65 tuổi, ở Long An, bị mèo hàng xóm cào, cắn vào chân trái. Cổ chân sưng tấy, đau nhưng ông tự mua thuốc uống. Khoảng 4 tháng sau ông bỏ ăn, mệt mỏi, trở nên hung tợn (thể bệnh dại cuồng) rồi lơ mơ, khó thở, sợ ánh sáng, vật vã. Đến viện đã tụt huyết áp, lạnh run, chảy nhiều dớt dãi, liên tục trừng mắt, suy hô hấp, tử vong chưa đầy 24 giờ sau.

Ở Việt Nam, chó là "ổ" chứa 96 - 97% virus dại, mèo chỉ 3 - 4%, chưa có điều tra cơ bản vật lành mang trùng, nhưng thực tế rất nhiều chó "lành" gây dại cho người.

Không chủ quan khi bị chó, mèo cắn, cào

Vì thế những khi bị mèo cào, cắn; chó được cho là "lành" (nhất là chó nhà) cắn phải theo dõi sát, không được đánh chết hoặc giết. Sau 15 ngày con vật vẫn bình thường thì không cần tiêm phòng dại; vật đi mất, chết, bị giết trước 15 ngày phải tiêm kháng huyết thanh và vaccine chống dại (vì thời gian ủ bệnh dại ở vật nuôi trung bình khoảng 10 ngày).

Virus dại (Rabies virus), giống Lyssavirus, họ Rhabdoviridae, bản chất di truyền ARN sợi đơn, bản chất ái thần kinh; gây viêm não. Khi vào cơ thể người virus xâm nhập các dây thần kinh gần vết cắn nhất để "tiến" về tủy sống, về não với tốc độ khoảng 12 - 24mm mỗi ngày. Vì thế vết cào, cắn càng gần đầu càng nguy hiểm vì virus nhanh tới não hơn để nhân lên, hủy hoại mô não. Trường hợp hy hữu, cô gái 18 tuổi ở Cao Bằng, tử vong tháng 10 năm ngoái, phát dại sau khi chó cắn 2 năm.

Nghi ngờ nhiễm virus dại phải tiêm một liều kháng huyết thanh (chứa kháng thể diệt virus dại) cùng mũi vaccine phòng dại đầu tiên. Kháng huyết thanh diệt hoặc làm chậm tốc độ tiến của virus, bảo vệ được người nhiễm cho tới có khi kháng thể do tác dụng của vaccine.

Nhiễm virus dại không tiêm kháng huyết thanh và vaccine sẽ lên cơn và chắc chắn chết 100%, không có thuốc gì chữa được. Vì thế tuyệt đối không mắc 2 sai lầm chết người là chữa bằng đông dược và cho rằng mèo cào, cắn không mắc dại hoặc chó nhà là lành nên không tiêm phòng.

Khi con vật đã phát dại mà người bị cắn chưa phát bệnh, đi tiêm ngay vẫn còn cơ hội sống sót vì thời gian ủ bệnh ở động vật ngắn hơn ở người.

Đến viện ngay khi thấy con vật cắn, cào mình biểu hiện bất thường: hoặc hung dữ, chạy lung tung, tru như tiếng sói, sùi bọt mép, chảy nhiều dớt dãi hoặc nằm im lìm lâu trong xó tối (thể dại liệt) hoặc chết.

Tiêm vaccine sớm hay muộn đều phải đủ 5 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28, tiêm thiếu mũi không có tác dụng.

Chó, mèo nhà lây nhiều bệnh cho người

Ít ngày sau khi du lịch Cộng hòa Dominica, bà Marie Trainer bị đau lưng, nôn ói, sốt dao động, rồi mê sảng, phải đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện hạt Stark, Ohio, Mỹ. Ngay sau đó, bà hôn mê, da chuyển nhanh thành màu đỏ tía rồi hoại tử, thêm rối loạn đông máu… Tỉnh lại, bà bàng hoàng thấy hai bàn tay, hai chân và chóp mũi của mình đã bị cắt.

Các bác sĩ cho bà biết, bà nhiễm vi khuẩn Capnocytophaga canimorsus, do bị chó cưng liếm vết thương hở của bà. Đây là loại vi khuẩn cư trú ở miệng chó, mèo và vào cơ thể người qua vết cắn hoặc chó mèo liếm vết thương, sây sát da, thậm chí qua cả da lành. Bà Trainer phải qua 8 cuộc phẫu thuật và học cách thích ứng với các bộ phận chi giả.

Ông Greg Manteufel.

Ông Greg Manteufel, 49 tuổi, người Mỹ, phải cắt bỏ tứ chi, mũi và phần nhỏ môi trên với 7 lần phẫu thuật do nhiễm vi khuẩn Capnocytophaga canimorsus mặc dù ông không có vết thương nào trên da.

Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí nội khoa châu Âu, Capnocytophaga canimorsus lây qua cả da lành.

Ở Mỹ, hàng năm không hiếm những vụ việc tương tự. Capnocytophaga canimorsus là loại vi khuẩn commensal (cộng sinh, như E.Coli ở người, vật chủ không có kháng thể chống lại chúng) ở chó và mèo, không gây bệnh cho chó, mèo nhưng gây bệnh cho người.

Người nhiễm vi khuẩn này thường không có biểu hiện gì cho tới khi tình trạng đột ngột nặng.

Một nghiên cứu năm 2014 tại Nhật Bản cho thấy Capnocytophaga canimorsus có trong nước bọt ở 69% chó lành và 54% mèo lành. Theo Cục kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, khoảng 30% người nhiễm Capnocytophaga canimorsus tử vong.

Ông H.V.M, 53 tuổi, ở thành phố Hồ Chí Minh, đột ngột sốt 39 - 40oC, rét run liên tục 5 ngày; mắt đỏ; da toàn thân đỏ và phát ban màu đỏ; đau cơ, nhất là bắp chân và vùng thắt lưng; đau tự nhiên, tăng lên khi sờ; đau đầu dữ dội, vật vã, mê sảng, cứng gáy;... Ông được chẩn đoán mắc bệnh Weil do nhiễm soắn khuẩn Leptospira từ chó nhà.

Bệnh này tử vong đến 70% do các biến chứng suy thận; viêm cơ tim, trụy tim mạch; phù phổi cấp; chảy máu phủ tạng và đông máu rải rác nội mạch; ngoài ra còn liệt, viêm mống mắt - thể mi, viêm thị thần kinh. Tuy nguồn nhiễm cho người chủ yếu từ chuột nhưng chó, mèo là nguồn lây nhiễm lớn thứ hai.

Bé 2 tuổi, ở Nghệ An, viêm màng bụng, nhiễm trùng - độc do khoảng 50 lỗ thủng ruột non đoạn cuối hồi tràng (gần đại tràng), rất nguy kịch, phải cắt 30cm ruột thủng, làm hậu môn nhân tạo… Nguyên nhân do giun tròn (Angiostrongylus cantonensis) lây từ chó nhà, loại giun này cư trú ở chuột, ốc sên và không hiếm ở chó, mèo, thường tạo ra các "khối u" trong tạng đặc, thủng ruột non hiếm gặp. Bé may mắn được chữa khỏi.

Đó là chưa kể hàng tá bệnh khác từ chó như giun tim, móc, lươn; sán dây chó; dị ứng; viêm da; hắc lào; bọ chó nâu truyền vi khuẩn Rickettsia (gây sốt; đau đầu; phát ban da; gan, lách to); vi khuẩn Chlamydia (gây bệnh mắt hột, viêm kết mạc mắt, viêm tiết niệu sinh dục (một nguyên nhân vô sinh và chửa ngoài dạ con), viêm hạch bạch huyết, vi khuẩn Mycoplasma gây viêm tiết niệu - sinh dục, viêm phổi...

Năm ngoái, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ thông báo, 30 người ở 13 tiểu bang đã nhiễm vị khuẩn Campylobacter jejuni đa kháng thuốc từ thú cưng.

Nuôi chó, mèo cần phải chú ý giữ vệ sinh, nếu không dễ mang họa. Người bị chó, mèo cắn, cào phải đi tiêm, tuyệt đối nghe truyền miệng phản khoa học như tiêm vaccine dại làm suy giảm trí nhớ, thậm chí giảm tuổi thọ; trẻ em chậm lớn, còi cọc…

Những loại vaccine cũ (trong đó có vaccine sống giảm độc lực cổ điển của Louis Pasteur - điều chế năm 1885) hiện nay không dùng vì những tai biến viêm não dị ứng (với mô não vật nuôi cấy virus dùng cho điều chế chưa được tinh lọc), sốc phản vệ…

Vaccine hiện nay rất an toàn, nhưng nên nhớ không có loại vaccine nào tuyệt đối an toàn, chẳng hạn tác dụng phụ có thể xảy ra với cơ địa phản ứng miễn dịch đặc biệt (rất hiếm gặp). Trước chuyện sinh mệnh phải sáng suốt!

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn//cho-meo-lanh-co-thuc-su-lanh-179221017154437629.htm