Chợ Đông Ba (Thừa Thiên Huế): Lan tỏa nét đẹp 'Nhặt được của rơi, trả người đánh mất'
Chợ Đông Ba (Thừa Thiên Huế) không chỉ nổi tiếng bán buôn các nông sản, đặc sản ở đất Cố đô mà còn là nơi trả lại hàng trăm tài sản cho người đánh rơi.
Trải qua 125 năm xây dựng và phát triển, chợ Đông Ba (thành phố Huế, Thừa Thiên Huế) đang thay đổi từng ngày, diện mạo một ngôi chợ mang trong mình đậm chất Huế giờ đây khang trang, sạch đẹp và mến khách. Với sứ mệnh của ngôi chợ truyền thống nằm trong lòng Cố đô Huế, Đông Ba tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, thay đổi phương thức kinh doanh để xứng đáng với thương hiệu “Văn minh - thân thiện là người Đông Ba”.
Bà Hoàng Thị Như Thanh - Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Đông Ba - cho biết, trong ba năm trở lại đây, được sự đoàn kết, hỗ trợ từ viên chức, người lao động, tiểu thương…, diện mạo chợ Đông Ba có sự thay đổi đáng kể. Thay đổi trong nhận thức, trong hành động, kể cả trong lời ăn tiếng nói, cách cư xử… Qua sự thay đổi đó, đã làm “động lòng” bà con tiểu thương - những người chủ thật sự của ngôi chợ, vì vậy, công tác quản lý được nhiều thuận lợi hơn.
"Hiện nay, BQL chợ và bà con tiểu thương giống như trong một nhà, cùng nhau đoàn kết, cố gắng, đồng hành, hưởng ứng thực hiện các phương châm, phong trào đề ra. Hiện nay, 100% bà con tiểu thương sắp xếp hàng hóa gọn gàng và trả lại lối đi nội bộ, để cho chợ thông thoáng, thoải mái cho người dân, du khách khi thăm quan, mua sắm. Trong cách mua bán, bà con luôn thực hiện các phong trào của Ban quản lý đưa ra, đó là “Văn minh, thân thiện là người Đông Ba”, “Ba không Hai có” - Không nói thách, không mi xưa, không chèo kéo; có uy tín và có chất lượng; Xây dựng môi trường Áo dài ngày thứ bảy; Nụ cười Đông Ba. Từ những phong trào đó đã tạo nên thương hiệu chợ Đông Ba thân thiện, văn minh như bây giờ" - Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba Hoàng Thị Như Thanh chia sẻ.
Theo Trưởng BQL chợ Đông Ba, bên cạnh công tác chỉnh trang, kinh doanh buôn bán thì các hoạt động thiện nguyện cũng được bà con tiểu thương, ban quản lý hưởng ứng, đặc biệt là lan tỏa các gương người tốt việc tốt, nhặt được của rơi, trả lại cho người mất.
Theo thống kê, trong 2 năm trở lại đây, BQL chợ Đông Ba đã trả lại hàng trăm tài sản cho người dân, du khách khi đi mua sắm, thăm quan tại chợ không may bị đánh rơi. Các tài sản trả lại gồm tiền bạc, hiện kim, điện thoại di động, giấy tờ… tài sản có giá trị thấp từ vài trăm ngàn đến vài triệu, có trường hợp cả chiếc vòng bằng vàng giá trị lớn hay bọc tiền 45 triệu đồng… đều được xác minh và trả lại cho người mất.
Anh Hồ Văn Đạo - Đội trưởng trật tự BQL chợ Đông Ba - cho biết, việc trả lại tài sản cho người đánh rơi quá nhiều, lên đến hàng trăm vụ việc nên không nhớ hết. Người lượm được tài sản chủ yếu là bà con tiểu thương, anh em bốc vác, dọn vệ sinh khu vực chợ, những người đi chợ… Sau khi phát hiện của rơi, họ đều tìm tới BQL để nộp, trả lại cho người không may bị đánh rơi.
Có trường hợp trích xuất camera, xác minh người rơi tức thì và trả lại ngay sau đó. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người mất vẫn không biết, sau khi tiếp nhận của rơi phải tìm cách liên hệ với khổ chủ để trả lại.
Giữa tháng 8/2024, anh Trần Trọng Anh - làm việc tại Hà Nội sau khi đi du lịch ở Huế, ghé chợ Đông Ba mua sắm, lúc di chuyển tới sân bay Phú Bài trở về nhà thì mới biết mất điện thoại Iphone X. Cứ tưởng là đã mất, tuy nhiêu sau khi về đến Hà Nội thì được ban Quản lý chợ Đông Ba nhắn tin qua zalo, xác minh về việc có người nhặt được điện thoại của anh. Qua công tác xác minh cụ thể, Ban Quản lý chợ Đông Ba gửi trả cho anh.
“BQL chợ Đông Ba làm việc rất nhiệt tình, chuyên nghiệp, tạo điều kiện hết sức cho những người mất tài sản như tôi, tôi rất hài lòng. Tôi đi du lịch ở Huế, vô tình bị mất điện thoại, tuy nhiên việc trả lại tài sản cho người bị mất được người dân ở Huế rất nhiệt tình, công tâm. Tôi thấy rất là vui, có cảm tình vùng đất, con người Thừa Thiên Huế luôn thân thiệt, niềm nở với du khách”, anh Trần Trọng Anh cho biết thêm.
Anh Hồ Văn Đạo - Đội trưởng trật tự BQL chợ Đông Ba - cho biết thêm, có những ngày nhận tới 3-4 thông tin nhặt được của rơi từ tiểu thương, người dân tại khu vực chợ. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp người nhặt được của rơi tại các khu vực khác những vẫn đem tới BQL chợ nhờ xác minh và trả lại cho người mất. Có chị nhặt được của rơi bên đường Lê Lợi (cách chợ khoảng 500 mét) nhưng chị ấy mang qua BQL nộp và nhờ thông báo trả lại cho người mất, anh Hồ Văn Đạo kể.
Theo anh Đạo, sau khi trả lại tài sản cho người bị mất, họ rất mừng, thậm chí là cho tiền để cảm ơn, tuy nhiên anh chưa bao giờ nhận. “Có trường hợp, chị mua trái cây ở đường Chương Dương - chợ Đông Ba sau khi mua xong không may mất ví. Sau đó, có người lượm và nhờ BQL trả lại. Khi được trả lại, chị rất mừng, trong ví lúc đó có khoảng hơn 1 triệu và nhiều giấy tờ, chị lấy hết tiền ra cho chỉ giữ lại những giấy tờ quan trọng, tuy nhiên chúng tôi không lấy. Nói mãi không được, chị ấy xin bắt tay tôi để thay lời cảm ơn với nụ cười thân thiện”, anh Đạo chia sẻ.
Ông Lê Văn Nam - bốc xếp hàng hóa cổng trước chợ Đông Ba - cho biết, bản thân đã nhiều lần nhặt được của rơi, trả lại cho người mất. Theo ông Nam, mặc dù còn nhiều khó khăn, lao động vất vả, tuy nhiên, khi nhặt được của rơi đều tìm cách trả lại cho người mất, vì nhận thấy, cũng giống như mình, khi mất mà tìm lại tài sản, giấy tờ thì rất mừng.
Trưởng BQL chợ Đông Hoàng Thị Như Thanh cho biết, hiện nay BQL mời các giảng viên tại các Trường đại học, các chuyên gia tập huấn, mở nhiều lớp học, giảng dạy nâng cao kiến thức cho các tiểu thương, qua đó tạo cảm hứng trong buôn bán, tạo môi trường hạnh phúc trong kinh doanh.
“Nhặt được của rơi, trả lại cho người bị mất là một trong những hình ảnh đẹp, lan tỏa của BQL chợ Đông Ba. Những thông tin nhặt được của rơi luôn được cập nhật liên tục, nhanh nhất có thể để lan tỏa tình yêu thương, nhất là trong ngôi chợ có truyền thống 125 năm xây dựng và phát triển. Qua đó, phát huy những giá trị đặc sắc của Huế, xứng đáng là ngôi chợ cho những điểm đến thu hút du khách khi đến với Cố đô Huế”, bà Hoàng Thị Như Thanh cho biết thêm.