Chính trị - Xã hội Xây dựng Đảng Nơi ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Quảng Điền
TTH - Niêm Phò, tên Nôm là Kẻ Lừ, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, một làng quê hiền hòa nằm bên dòng sông Bồ mát ngọt phù sa. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều nhân vật yêu nước nổi tiếng như Trần Thúc Nhẫn, Nguyễn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh), Nguyễn Dĩnh, Nguyễn Húng,…
Vào những năm 1930, phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã lan rộng. Năm 1935, tại Quảng Điền bắt đầu xuất hiện những nhóm thanh niên cảm tình Đảng, như nhóm ở Niêm Phò, ở Hạ Lang và ở vùng Sịa. Nhóm Niêm Phò có Nguyễn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh), Trần Bá Song, Nguyễn Húng, Nguyễn Dĩnh, Nguyễn Bật, Nguyễn Đãi, Trần Mạch.
Từ năm 1936, quần chúng Quảng Điền đã chịu sự tác động trực tiếp của các nhóm cảm tình Đảng và đã hăng hái tham gia vào phong trào chung. Các nhóm yêu nước ở Quảng Điền tìm cách bắt liên lạc với nhóm Thanh niên yêu nước Sông Bồ của Phong Điền, nhóm Bao Vinh của Hương Trà và các nhóm Huế.
Đầu năm 1937, Tỉnh ủy Thừa Thiên phát động phong trào đón Gô – đa (Godart - Đặc sứ của Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp sang điều tra tình hình Đông Dương) diễn ra sôi nổi khắp trong toàn tỉnh, qua đó phát động quần chúng đấu tranh vạch mặt bọn thực dân phong kiến và đám tay chân phản động. Ở Niêm Phò, các đồng chí Nguyễn Vịnh, Trần Bá Song, Nguyễn Húng tích cực vận động quần chúng đi đón Gô – đa, để bảo đảm thắng lợi, các đồng chí đã tỏ thái độ kiên quyết với bộ máy cai trị ở địa phương nên bọn chúng không dám ngăn cản. Có hàng ngàn người hưởng ứng đi đò, xe, đi bộ kéo lên Huế tạo thành một lực lượng quần chúng cố kết hùng hậu theo chủ trương của Tỉnh ủy và Xứ ủy Trung Kỳ. Từ sau các hoạt động tiêu biểu này, nhiều thanh niên yêu nước ở Quảng Điền được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đầu mùa thu năm 1937, tổ chức cơ sở cách mạng ở Quảng Điền đã có bước tiến mới, hội đủ điều kiện, nhu cầu cần thiết của một tổ chức Đảng ra đời đã chín muồi: Chi bộ Đảng huyện Quảng Điền được thành lập tại Niêm Phò, tổng Phước Yên. Lúc đầu Chi bộ chỉ có 4 đảng viên gồm Nguyễn Vịnh, Trần Bá Song, Nguyễn Húng, Nguyễn Dĩnh, do đồng chí Trần Bá Song làm Bí thư.
Là Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Quảng Điền ra đời tại làng Niêm Phò và cũng vì đa số đảng viên là người Niêm Phò nên thường được gọi là Chi bộ Niêm Phò, lại lấy Niêm Phò làm nơi đóng trụ sở để liên lạc trực tiếp với Tỉnh ủy. Qua cuộc vận động Đại hội Đông Dương và cuộc đón Gô – đa, phong trào quần chúng ngày càng lên cao, ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Đông Dương ngày một rộng rãi.
Để thống nhất phong trào cách mạng trong toàn tỉnh, giữa mùa thu năm 1937, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Phan Đăng Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời được tổ chức trên một chiếc đò neo ở dòng sông Hương, phía sau khu hội chợ Huế; Chi bộ Niêm Phò được coi như một đảng bộ huyện lâm thời nên Tỉnh ủy đã triệu tập hai đồng chí Nguyễn Vịnh và Nguyễn Húng tham dự.
Sau hội nghị này, đồng chí Nguyễn Vịnh được cử vào Tỉnh ủy lâm thời (Tỉnh ủy do đồng chí Trần Công Xứng, Xứ ủy viên dự khuyết Trung Kỳ làm Bí thư, lúc này trụ sở Tỉnh ủy đóng tại nhà số 15 An Cựu cho đến tháng 8 năm 1938). Chính vì vậy mà ngày ra đời Chi bộ Đảng Niêm Phò cũng được xem là ngày thành lập Đảng bộ huyện Quảng Điền.
Đầu năm 1938, Chi bộ Niêm Phò phát triển thêm nhiều đảng viên mới, gồm các đồng chí: Đặng Thược, Nguyễn Bật (ở Hạ Lang), Trần Bá Cử, Nguyễn Bật (ở Niêm Phò), Lê Thanh Hinh (Niêm Phò). Tuy chỉ là hình thức tổ chức cơ sở Đảng, song vai trò và chức năng của Chi bộ Niêm Phò được coi như một Huyện ủy lâm thời, không chỉ hoạt động bó hẹp trong phạm vi một tổng mà có mối liên hệ tỏa rộng ra với Phong Điền, Hương Trà và Huế.
Chi bộ Niêm Phò lúc mới thành lập do đồng chí Trần Bá Song phụ trách, khi đồng chí bị địch bắt thì đồng chí Nguyễn Húng thay thế. Từ Chi bộ Niêm Phò, giữa cuối năm 1937, đồng chí Nguyễn Vịnh được cử vào Tỉnh ủy lâm thời, thì không còn trực tiếp sinh hoạt với Chi bộ Niêm Phò nữa. Cuối mùa xuân năm 1938, đồng chí Nguyễn Vịnh được cử làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên.
Giữa năm 1938, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Vịnh bị địch bắt, án xử 6 tháng, nhưng không đủ chứng cứ buộc chúng phải thả. Đến giữa tháng 7 năm 1939, đồng chí lại bị bắt giam ở lao Thừa Phủ. Cùng thời gian này, ở Quảng Điền, các đồng chí Trần Bá Song, Nguyễn Húng, Đặng Thược, Nguyễn Bật, Trần Mạch, Nguyễn Đãi, Trần Muống… cũng lần lượt sa vào tay giặc. Chi bộ Đảng Quảng Điền chỉ còn một mình đồng chí Nguyễn Dĩnh chèo chống phong trào cách mạng trước các cuộc đàn áp của giặc.
Trưởng thành từ Chi bộ Niêm Phò, qua năm tháng hoạt động cách mạng, mặc dù bị địch bắt giam cầm nhưng các đồng chí đã một lòng trung kiên, một dạ đi theo Đảng, theo Bác Hồ… Do công lao hoạt động và phẩm chất cách mạng, trách nhiệm của người cộng sản, từ sau Cách mạng tháng 8/1945, các đồng chí đảng viên của Chi bộ Niêm Phò đều được Đảng tin tưởng cử giữ những chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và quân đội, như đồng chí Nguyễn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh) là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy, Chủ nhiệm Việt Minh Trung Bộ; đồng chí Nguyễn Dĩnh là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên (năm 1947 được Trung ương cử vào làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận); đồng chí Nguyễn Húng là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy (năm 1951 làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên về sau làm Phó Bí thư Khu ủy Trị Thiên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Trị Thiên); đồng chí Trần Bá Song là Bí thư Huyện ủy, Chủ nhiệm Việt Minh, Chủ tịch ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời huyện Quảng Điền; đồng chí Lê Thanh Hinh, từ năm 1959 là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phong Điền phụ trách Quảng Điền…
Chỉ tính riêng gia đình của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Vịnh – Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có 1 Ủy viên Bộ Chính trị mang quân hàm Đại tướng, 1 Ủy viên Trung ương mang quân hàm Thượng tướng và có tới 5 người làm đến chức Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thứ trưởng, Cục trưởng…
Dương Phước Thu
Nguồn Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền, xb 2016 và cuốn Truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân xã Quảng Thọ, 1987