Chính trị - Xã hội Pháp luật - Cuộc sống Ngăn chặn nạn 'tín dụng đen' trong khu công nghiệp
TTH - Tưởng chừng 'tín dụng đen' chỉ 'len lỏi' trong khu dân cư, xóm trọ, nay đã xuất hiện tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn nạn 'tín dụng đen' trong công nhân lao động (CNLĐ) đang làm việc tại các công ty, nhà máy ở KCN là vấn đề đặt ra.
Công nhân cho “công nhân” vay “cắt cổ”
Người dân tổ dân phố Vĩnh Nguyên, thị trấn Phong Điền bất ngờ khi mới đây, Công an huyện Phong Điền bắt giữ một nam thanh niên tên Võ Trọng Tiến (SN 1982) trú tại địa phương, vì hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Vĩnh Nguyên là vùng quê yên bình. Thanh niên nam nữ đến tuổi lao động được “may mắn” vào làm công nhân trong các công ty, nhà máy tại KCN Phong Điền. Tích cực, chịu khó lao động, nhiều thanh niên đảm bảo sống nhờ công việc ổn định. Bất ngờ, cơn lốc “tín dụng đen” đã làm xao động cả một vùng quê yên bình như Vĩnh Nguyên và các địa phương lân cận.
Thượng tá Võ Hồng Quang, Trưởng Công an huyện Phong Điền tâm sự, đây là chuyên án đầu tiên có liên quan đến “tín dụng đen” xảy ra trong KCN. Bước đầu xác định, Võ Trọng Tiến là công nhân làm ở bộ phận tổ máy của một công ty may mặc đóng tại KCN Phong Điền.
Võ Trọng Tiến khai, biết nhiều công nhân trong công ty cần vay vốn nhanh, nên Tiến đã chủ động đứng ra tổ chức cho vay tiền với lãi suất cao. Từ tháng 2 đến tháng 7/2022, Tiến đã cho vay lãi nặng trên 30 người, với tổng số tiền hơn 332 triệu đồng.
Điều đáng nói, trong số 30 người đó, có nhiều người là đồng nghiệp của Tiến, cùng làm công nhân với nhau, thế nhưng, y vẫn cố tình cho vay với mức lãi suất 121,67%/năm để thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng. Hiện, Công an huyện Phong Điền đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Võ Trọng Tiến, củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Từ vụ việc của Võ Trọng Tiến, nhiều bậc phụ huynh có con em, người thân đang làm công nhân trong các KCN, khu kinh tế (KKT) trên địa bàn tỉnh bày tỏ sự băn khoăn, ở KCN Phong Điền có “tín dụng đen” thì ở các KCN, KKT khác trên địa bàn tỉnh thì thế nào?
Họ băn khoăn, trăn trở cũng là điều dễ hiểu. Vì lâu nay, người dân chỉ biết “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi thông thường giữa người dân với một số đối tượng, nhất là ngoài Bắc vào, chứ trong KCN, KKT thì chưa hề xảy ra. Thế mà nay, tại KCN Phong Điền đã xuất hiện “tín dụng đen”, làm họ vô cùng hoang mang, lo lắng.
“Tôi có người thân làm công nhân may tại một công ty ở KCN Phú Bài. Biết ở KCN Phong Điền, “tín dụng đen” đã “len lỏi”, xâm nhập vào CNLĐ ở đây, nên tôi rất lo lắng. Chỉ mong, ngành chức năng rà soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm nếu có tình trạng CNLĐ vay “nóng” tại các KCN, KKT; đảm bảo môi trường làm việc cho người lao động”, một người dân ở phường Phú Thượng, TP. Huế tâm sự.
Công đoàn – đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Trước vấn nạn này, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) từ tỉnh đến huyện và tổ chức công đoàn (CĐ) các cấp trong tỉnh nhận được công văn chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn nạn “tín dụng đen” trong CNLĐ.
Ông Lê Minh Nhân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Để bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, CNLĐ, bảo vệ cán bộ CĐ, yên tâm lao động sản xuất, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, chúng tôi đề nghị các cấp CĐ chủ động phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”, nhất là ở những nơi có đông CNLĐ. Trong đó, tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để CNLĐ biết, cảnh giác và tố giác; không để “tín dụng đen” tiếp cận CNLĐ.
Bà Hồ Thị Thảo, Chủ tịch LĐLĐ huyện Phong Điền chia sẻ, với những CĐ cơ sở có đông CNLĐ, CĐ cần phối hợp với bộ phận chuyên môn tổ chức những buổi tuyên truyền riêng về chủ đề này, giúp CNLĐ hiểu cặn kẽ về sự nguy hiểm của nạn “tín dụng đen” để chủ động phòng ngừa.
CĐ các cấp cần tăng cường triển khai hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên; quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, CNLĐ; có chính sách hỗ trợ đoàn viên, CNLĐ nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn; trợ cấp khó khăn, hỗ trợ vay vốn ở những kênh chính thống với lãi suất hợp lý để họ không phải tìm đến “tín dụng đen”, không để chúng thâm nhập vào CNLĐ.
Thực tế cho thấy, lợi dụng những khó khăn về tài chính, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19, nạn cho vay lãi nặng hoành hành với những chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi như: dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn…
Hoạt động “tín dụng đen” biến tướng dưới mọi hình thức khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu… với lãi suất cao. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân và CNLĐ.
“CNLĐ đang làm việc tại các KCN, KKT trong toàn tỉnh hết sức lưu ý và cảnh giác. Tuyệt đối không nên nghe theo các đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; các đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”. Nếu thấy biểu hiện trong nội bộ CNLĐ tại các công ty, nhà máy ở các KCN, KKT tỉnh, cần báo cho lãnh đạo công ty hoặc cơ quan công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời”, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định.