Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Trận đánh cuối cùng của Quân đội Mỹ ở Việt Nam - Kỳ 3: Vùi dập Ripcord!

TTH - Đúng thời đoạn khó khăn này, tướng Hennessey nghỉ phép. Sư đoàn 101 Dù do tướng Berry trực tiếp chỉ huy.

Máy bay tải thương của Quân đội Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Do không chiếm được cao điểm 805 nên áp lực ngày mỗi đè nặng xuống Ripcord.

Sáng 17/7, binh sĩ đồn trú ở đây bàng hoàng khi lần đầu tiên chứng kiến những quả đạn 120 ly có sức công phá mạnh phát nổ.

Để đưa những quả đạn cối này ra trận, hàng trăm dân công của A Lưới, bất chấp hiểm nguy của đạn bom, lần đầu tiên họ đã kề vai gánh những quả đạn to nặng ra trận.

Do chỉ có 50 quả đạn 120 ly nên Sư đoàn 324 chỉ “ưu tiên” dùng nguồn hỏa lực này để vùi dập Ripcord!

Đầu giờ chiều 18/7, một thảm họa bất ngờ ập xuống mà nguyên nhân được xác định, trong khi thả những kiện đạn pháo105 ly thì chiếc Chinook do phi công Barrowcliff điều khiển bị trúng đạn và rơi xuống căn cứ, đúng lúc Quân giải phóng nã cối vào Ripcord.

Chiếc Chinook bốc cháy. Biển lửa khổng lồ trùm lên Ripcord, kéo dài trong 3 tiếng làm cho kho đạn 105 ly và phốt pho phát nổ, 6 khẩu cối của khẩu đội 105 ly bị hư hại.

Nhận tin dữ, Lữ đoàn trưởng Harrison và Sư trưởng Berry vội vàng bay tới thị sát xử lý tình hình, trong đó có việc dồn quân và hỏa lực đánh chiếm cao điểm 1.000 nhằm giảm áp lực cho Ripcord như đã đề cập ở trên.

Không chiếm được cao điểm quan trọng này nên Quân giải phóng xiết chặt vòng vây.

Bây giờ Ripcord đang ở trong tầm bắn DKZ, B40, B41 và súng bắn tỉa.

Ngày 22/7, pháo của Quân giải phóng dội xuống Ripcord, 1 máy bay Chinook vừa tiếp đất trúng đạn. Luồng gió từ cánh quạt chiếc máy bay này cuốn theo thuốc súng. Nó chạm lửa và kích nổ. Kho đạn M.79 và kho đạn 155 ly phát nổ. Sức mạnh của căn cứ hỏa lực, đến thời điểm này bị triệt tiêu, dù ở căn cứ 6 khẩu trọng pháo 155 ly vẫn còn nguyên. Tình huống này nằm ngoài trù liệu của Quân đội Mỹ.

Sách của tướng Harrison. Ảnh: Tư liệu

Cập nhật tình hình, ngày 22/7/1970, tướng Berry ghi lại: “Hiện giờ chúng ta đang phải chịu tổn thất không ngừng ở Ripcord từ những viên đạn súng cối đang bay đến… Chúng ta đang phải chịu tổn thất không ngừng ở các đại đội bộ binh đang hoạt động trong những ngọn núi, trong những khu rừng xung quanh Ripcord nhằm cố gắng xác định và phá hủy súng cối và súng máy phòng không của đối phương… ngày ngày hỏa lực pháo binh của chúng ta dần trở nên kém hiệu quả khi đạn cối của đối phương khiến các pháo thủ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc pháo kích…

Ngày hôm qua, chúng ta có thêm hai máy bay trực thăng bị bắn hạ trong cùng khu vực nơi một đại đội bộ binh (Đại đội Delta Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 506) đang trong tình trạng giao tranh quyết liệt. Quân Bắc Việt rất muốn giáng cho các lực lượng Mỹ một thất bại lớn…”.

Việc không chiếm được các cao điểm 1.000 đã biến căn cứ hỏa lực Ripcord trở thành địa ngục.

Sáng 23/7, sau khi phân tích tình hình do các đài quan sát báo về, ở cao điểm 935/Ripcord xuất hiện nhiều đám cháy và tiếng nổ lớn; pháo từ căn cứ này bắn vung vãi vào khu vực xung quanh. Chỉ huy Sư đoàn 324 nhận định có khả năng Mỹ cho bắn hết đạn để tháo chạy nên đã lệnh cho cho đơn vị tập trung hỏa lực, trong đó có cối 120 ly vùi dập Ripcord!

Đạn cối cấp tập dội xuống cũng là lúc hàng chục chiếc máy bay của Tiểu đoàn hàng không 159 nối nhau bay đến Ripcord.

Đúng 6 giờ 32 phút ngày 23/7, khẩu pháo 155 ly đầu tiên được CH-47 chuyển đi.

Để cẩu 5 khẩu pháo còn lại, 3 chiếc CH-47 dù bị trúng đạn nhưng vẫn bay về đến căn cứ Đồng Lâm - Camp Evans.

Mặc dù đã huy động tối đa sức mạnh hỏa lực của không quân và pháo binh bắn phá khu vực xung quanh, nhưng những chuyến bay giải cứu liên tục bị trúng đạn.

7 giờ 35 sáng hôm đó, một chiếc CH-47 khi đang cẩu chiếc xe ủi lại bị bắn rơi đâm thẳng xuống làm cho kho đạn 155 ly phát nổ. 7 chiếc khác bị trúng đạn.

Đang chỉ huy cuộc tháo chạy, Trung tá Lucass thiệt mạng do bị trúng cối 120 ly. Đại tá Harrison cử Thiếu tá King tiếp tục chỉ huy, lúc này 1/2 thiết bị ở Ripcord đã được di tản.

Ripcord mịt mù khói lửa vì chiếc Chinook bốc cháy, vì khói từ các bãi mìn claymo và đạn pháo phốt-pho xung quanh căn cứ được kích nổ. Thêm 4 chiếc Huey đến chở quân bị trúng đạn.

Binh sĩ Mỹ đồn trú ở đây rơi vào tình thế hỗn loạn. Thiếu tá King và 24 binh sĩ cuối cùng tìm cách rời khỏi căn cứ Ripcord. Họ tìm đến một quả đồi khác và được máy bay chuyển đi lúc 12 giờ 14 phút ngày 23/7/1970.

Ripcord hoàn toàn thất thủ.

Tom Marshall là một trong những phi công của Sư đoàn 101 Dù tham gia vận chuyển binh sĩ Mỹ thoát khỏi Ripcord tháng 7/1970.

Sau hàng chục năm im lặng, ngày 30/3/2019 ông đã kể lại “câu chuyện có thật với những bức ảnh từ sổ lưu niệm” của mình.

Theo ghi chép của ông, tính từ tháng 4-7/1970 ở khu vực Ripcord đã có 135 chiếc HU-1A Hueys, 10 chiếc Corbas và 3 chiếc Hughes OH-6a bị trúng đạn nghiêm trọng, không thể bay được.

Một tổn thất quá lớn của không quân Mỹ ở mặt trận Ripcord năm 1970.

Hai bức ảnh: “Ripcord tan hoang sau sự cố kho đạn phát nổ và 2 chiếc Huey bị bắn rơi xuống vực căn cứ Ripcord” lần đầu được công bố là do ông chụp và lưu giữ được. Nó là minh chứng cho thất bại của Sư đoàn 101 Dù Mỹ trong trận đánh cuối cùng ở Việt Nam!

Sau 23 ngày đêm bao vây và tấn công, phía Quân giải phóng ghi nhận đã bắn rơi 45 chiếc máy bay (trong đó riêng khẩu đội 12,7 ly của Đặng Thọ Truật bắn rơi 4 chiếc) và phá hủy 11 khẩu pháo.

Để giữ Ripcord, phía Quân đội Mỹ thừa nhận, họ có gần 500 binh sĩ bị loại khỏi vòng chiến đấu (trong đó có 74 binh sĩ thiệt mạng, số còn lại bị thương); trong khi đó phía Quân giải phóng, cũng theo ghi nhận của Mỹ có 125 binh sĩ thiệt mạng, trong đó có Trung đoàn phó Trung đoàn 3 Phan Hà!

Cuộc tháo chạy của Lữ đoàn 3 tuy cứu được nhiều sinh mạng, nhưng không thể cứu được niềm kiêu hãnh của Sư đoàn Dù 101 Mỹ.

Thất bại ở Ripcord là thất bại về chiến lược, về chiến thuật, về tác chiến trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam của Quân đội Mỹ.

Chiều 23/7, Quân đội Mỹ cho B.52 ném bom hủy diệt căn cứ hỏa lực Ripcord, kết thúc trận chiến lớn cuối cùng mà Quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam.

Mất Ripcord, đúng như Đại tá Lữ đoàn trưởng Harrison nhận định, các căn cứ ở phía trước do quân đội Mỹ tạo lập lần lượt bị Quân giải phóng hạ gục; trong đó nổi bật là trận bao vây, đánh lấn ở căn cứ Cốc Bai vào tháng 10/1970.

Việc để mất hai căn cứ 935/ Ripcord và Cốc Bai - những chốt chặn ở phía tây Thừa Thiên Huế đã làm cho “Chiến dịch đỉnh Chicago – Chicago peak campaign” của đối phương bị phá sản. Thế và lực mới của quân và dân Thừa Thiên Huế hình thành khi “ba vùng chiến lược: rừng núi - đồng bằng - đô thị” không còn bị chia cắt.

Nếu A Bia là nơi bị biến thành Đồi thịt băm thì 935/Ripcord đã trở thành Địa ngục của binh sĩ Mỹ.

“Screaming Eagles - Đại bàng gào thét” là biệt danh của Sư đoàn 101 Airbone, với hai trận bị thua đau, trên thực tế đã “tắt tiếng” ở chiến trường Thừa Thiên Huế bởi trí thông minh và lòng quả cảm của quân và dân Thừa Thiên Huế.

Năm 20022, A Bia/ Hamberger Hill đã được xếp hạng Di tích quốc gia và đã đến lúc cao điểm 935/ Ripcord cần được nhìn nhận để tôn vinh như chính tầm vóc vĩ đại của nó!

Phạm Hữu Thu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tran-danh-cuoi-cung-cua-quan-doi-my-o-viet-nam-ky-3-vui-dap-ripcord--a121588.html