Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội 'Cầu nối' giúp thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

TTH - Thời gian qua, Thị đoàn Hương Trà đã có nhiều hoạt động tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, khuyến khích hỗ trợ, 'tiếp lửa' cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp (KNLN).

Hỗ trợ 50 triệu đồng vốn vay với lãi suất 0% cho anh Nguyễn Quốc Triều. Ảnh: Thị đoàn Hương Trà cung cấp

Mô hình hay, cách làm tốt

Cách đường chính hơn 3km, men theo con đường rừng với địa hình hiểm trở, chúng tôi đến thăm trang trại tổng hợp ở vùng gò đồi của anh Nguyễn Quốc Triều, xã Bình Tiến. Trên khu vực đất đồi rộng lớn, những hàng cam, bưởi, chôm chôm sai quả, sầu riêng sắp cho thu hoạch… được trồng ngay hàng thẳng lối.

Sau thời gian đầu tư trồng rừng, cao su trên diện tích đất mà Nhà nước giao canh tác nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao, anh Triều mạnh dạn đổi hướng sản xuất. Tận dụng các diện tích có độ dốc ít, gần nguồn nước, anh trồng gần 3ha các loại cây ăn quả như: cam, thanh trà, bưởi da xanh, sầu riêng, ổi; làm ao hồ nuôi cá và chăn nuôi gia súc.

Anh Triều chia sẻ, anh trồng xen canh giữa cây ăn quả ngắn ngày và cây lâu năm và hiện nhiều loại cây ăn quả đã cho thu nhập ổn định. Chuyển sang làm trang trại tổng hợp mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và dự kiến những năm tới, thu nhập của gia đình có thể đạt gần 300 triệu đồng/năm.

Xác định đây là mô hình (MH) kinh tế của thanh niên có hiệu quả, có thể đầu tư phát triển và phổ biến để ĐVTN địa phương học tập kinh nghiệm, Ban Thường vụ Thị đoàn, Ngân hàng Chính sách xã hội (NH CSXH) thị xã đã tham quan thực tế và tư vấn một số kênh vay vốn thông qua NH để gia đình anh có thể tiếp cận; Đoàn cũng hỗ trợ giới thiệu và kết nối các kênh tiêu thụ sản phẩm… Tỉnh đoàn hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn thanh niên khởi nghiệp, với lãi suất 0%, vay trong 3 năm.

Mới đây, dưới sự động viên, hỗ trợ của Thị đoàn Hương Trà, Nguyễn Quốc Triều mạnh dạn tham dự “Cuộc thi thanh niên khởi nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021” với dự án “Phát triển kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm” và xuất sắc giành giải Nhì chung cuộc.

Nguyễn Quốc Triều bày tỏ, trang trại là ước mơ mà anh ấp ủ, dù đang còn trong giai đoạn kiến thiết, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, quyết tâm làm giàu, hy vọng dự án sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, mở ra hướng đi mới để các ĐVTN học tập làm theo, góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong ĐVTN của thị xã.

Tại Hương Trà, cùng với mô hình trồng cây ăn quả có múi, trồng rừng trên vùng gò đồi (ở Bình Thành, Hương Bình, Bình Tiến), nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo (ở Hương Bình) được các bạn TN triển khai đem lại giá trị kinh tế cao; ở các xã, phường đồng bằng có các MH nuôi gà đẻ trứng (Hương Văn), nuôi cá lồng (Hương Xuân), mở xưởng cơ khí quy mô lớn… cũng đem lại thu nhập cao cho nhiều ĐVTN địa phương. Qua đó, một số MH đã tiếp cận được nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NH CSXH thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn do Đoàn quản lý. Một số đã được vay vốn với mức vay 100 triệu đồng/trường hợp, Thị đoàn Hương Trà cũng đang hỗ trợ các MH phát triển vườn cây ăn trái ở vùng gò đồi, MH nuôi gà đẻ trứng, nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo…

Đồng hành

Tư vấn, hỗ trợ thông tin, kết nối ý tưởng, nguồn lực… là những hoạt động thiết thực mà Thị đoàn Hương Trà triển khai để đồng hành cùng ĐVTN trên con đường KNLN. Qua đó, nhiều ĐVTN trên địa bàn đã mạnh dạn khởi nghiệp, góp sức vào sự phát triển kinh tế của thị xã.

“Đồng hành thiết thực nhất là hỗ trợ thanh niên tiếp cận các kênh vốn vay”, Bí thư Thị đoàn Hương Trà - Phạm Thị Ngọc Huế nói. Nếu các bạn có ý tưởng, muốn phát triển nhưng chưa biết “đi” như nào, hãy liên hệ với Đoàn để được hỗ trợ tiếp cận các kênh có thể vay vốn hay kết nối chuyên gia để được tư vấn.

“Chúng tôi đang đẩy mạnh việc tiếp nhận các tổ tiết kiệm vay vốn để giao cho Đoàn quản lý. Hiện 7/9 xã, phường đã có tổ kiết kiệm vay vốn của Đoàn, thông qua các tổ này, ĐVTN có thể được tiếp cận nguồn vốn vay nhiều hơn. Mỗi tổ tiết kiệm có nguồn vốn từ 600 triệu đến trên 1 tỷ đồng. Đến nay, tổng dư nợ của 7 tổ là hơn 9 tỷ đồng và các tổ tiết kiệm của Đoàn hoạt động rất tốt, chưa có tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn, khó đòi”. Bà Huế khẳng định.

Bên cạnh đó, Thị đoàn còn phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp, mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho thanh niên bị ảnh hưởng do dịch COVID-19; tư vấn xuất khẩu lao động cho thanh niên…

“Thời gian tới, Thị đoàn tiếp tục chú trọng hoạt động hỗ trợ thanh niên KNLN, dành nguồn kinh phí, kết nối các dự án để hỗ trợ TN. Nghiên cứu kiến nghị các chế độ chính sách ưu đãi cho ĐVTN để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tổ chức các chương trình tư vấn hỗ trợ về kiến thức chuyên môn cho các MH, dự án mà thanh niên có nhu cầu, có định hướng”, bà Phạm Thị Ngọc Huế cho hay.

LIÊN MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/cau-noi-giup-thanh-nien-khoi-nghiep-lap-nghiep-a111281.html