Chính thức khai hội Đình Chèm năm 2024

Ngày 19/6, quận Bắc Từ Liêm tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống Đình Chèm năm 2024. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ 19 - 21/6 (14-16/5 Âm lịch), nhằm tri ân công đức của Đức Thánh Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng - nhà ngoại giao đầu tiên của dân tộc và là người có công dẹp giặc ngoại xâm cứu nước.

Phát biểu khai mạc Lễ hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên nhấn mạnh: Từ ngàn năm nay, Đình Chèm vẫn là nơi thờ cúng tín ngưỡng của nhân dân 3 làng gồm: làng Chèm (phường Thụy Phương), làng Hoàng và làng Mạc (nay là tổ dân phố Hoàng Xá và Hoàng Liên, phường Liên Mạc). Lễ hội truyền thống Đình Chèm, còn gọi là Pháp hội được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 5 Âm lịch hằng năm nhằm tri ân và tưởng niệm những chiến binh đã hy sinh vì đất nước.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên phát biểu khai mạc Lễ hội Đình Chèm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên phát biểu khai mạc Lễ hội Đình Chèm.

Lễ hội là sự kết hợp chặt chẽ giữ tín ngưỡng thờ thành hoàng làng với tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp. Chính vì vậy, Lễ hội Đình Chèm giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân ba làng Chèm, Hoàng, Mạc nói riêng và nhân dân quận Bắc Từ Liêm nói chung; là sản phẩm sáng tạo thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Bản sắc văn hóa trong lễ hội Đình Chèm đã và đang được duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa của nhân dân trên địa bàn.

Lễ hội truyền thống Đình Chèm năm 2024 được tổ chức với quy mô cấp quận, diễn ra trong 3 ngày, từ 19 - 21/6. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ có các hoạt động tiêu biểu như: Rước nước trên sông Hồng, rước văn, lễ mộc dục, lễ phóng điểu (thả chim câu); các hội thi nấu chè kho, hội thi bơi, cờ người, tổ tôm điếm. Tham dự lễ hội nhân dân và du khách còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật Đình Chèm “Dấu thiêng miền đất cổ”; giao lưu văn nghệ quần chúng chào mừng lễ hội…

Lễ rước nước đường thủy tại Lễ hội.

Lễ rước nước đường thủy tại Lễ hội.

Để lễ hội diễn ra an toàn, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm đề nghị lãnh đạo các phường Thụy Phương, Liên Mạc và Ban tổ chức lễ hội làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về lễ hội. Bố trí sắp xếp hàng quán, bãi trông xe, dịch vụ gọn gàng, khoa học, bảo đảm tính thẩm mỹ, thuận tiện cho nhân dân, bảo đảm an ninh trật tự, không để xảy ra mê tín dị đoan, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng, chống cháy nổ…

Là một người con phường Thụy Phương, anh Đinh Văn Công hiện đang làm việc tại Hải Phòng chia sẻ: Dù làm ăn ở xa nhưng cứ tới ngày 14/5 Âm lịch anh đều sắp xếp đưa vợ con về quê dự Lễ hội Đình Chèm. Đây là lễ hội quan trọng nhất trong năm đối với bản thân anh cũng như người dân phường Thụy Phương. "Việc tham gia Lễ hội không chỉ đơn thuần là để cầu bình an, may mắn cho gia đình, dòng họ mà còn là dịp để tôi kể cho con cháu về lịch sử truyền thống quê hương, cho con chứng kiến nét đẹp văn hóa nơi quê cha, đất tổ", anh Công nói.

Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà đánh trống khai mạc Lễ hội.

Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà đánh trống khai mạc Lễ hội.

Nằm bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, Đình Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm (còn gọi là đền Chèm, đền Lý Hiệu Úy, Thụy Hương từ) đã trải qua thăng trầm mấy ngàn năm lịch sử. Đình Chèm thờ chính Đức Hy Khang thiên vương Lý Ông Trọng, cùng Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung. Đức Hy Khang thiên vương Lý Ông Trọng sinh vào thời Hùng Duệ Vương, chí dũng song toàn, thông minh xuất chúng, được phong chức Chỉ huy sứ thống lĩnh quân đội.

Hùng Duệ Vương phong chức Chỉ huy sứ thống lĩnh quân đội. Khi Thục Phán An Dương Vương dựng nước Âu Lạc, Ngài đã hết lòng phò tá Thục Phán lãnh đạo quân dân Âu Lạc đánh bại hàng chục vạn quân Tần sang xâm lược nước ta.

Để giữ tình hòa hiếu giữa hai nước, Ngài được An Dương Vương cử đi sứ nhà Tần và trở thành nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam. Khi ấy biên giới phía Bắc nước Tần bị quân Hung Nô uy hiếp. Tần Thủy Hoàng phong Ngài chức Tư Lệ Hiệu Ủy thống lĩnh 10 vạn quân trấn ải Lâm Thao, uy danh chấn động đất Hung Nô. Vua Tần cảm phục phong tước Phụ Tín Hầu và gả công chúa Bạch Tịnh Cung cho Ngài.

Sau khi trở về nước, Ngài giúp dân diệt trừ thủy quái, khuyến khích nông tang (nghề làm ruộng và trồng dâu nuôi tằm), đem lại cuộc sống bình an cho nhân dân. Sau khi mất, Ngài được nhân dân tôn thờ là Đức Thánh Chèm và lập đền thờ tại quê nhà.

Đoàn rước kiệu tại lễ hội.

Đoàn rước kiệu tại lễ hội.

Năm 1990 Đình Chèm đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Lễ hội truyền thống Đình Chèm được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2016. Với những giá trị đặc sắc về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, Đình Chèm vinh dự đón bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2017.

Lễ hội truyền thống Đình Chèm được tổ chức cũng nhằm cụ thể hóa Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025"; Nghị quyết 09-NQ/TU Hà Nội 2022 về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025; định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045".

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chinh-thuc-khai-hoi-dinh-chem-nam-2024-172411.html