Nhạc sĩ Văn An và những ca khúc được nhiều người yêu mến
Là một nhạc sĩ, biên tập viên công tác ở VOV từ ngày đầu thành lập Phòng Phát thanh quân đội (1958) đến lúc nghỉ hưu, nhạc sĩ Văn An đã dành trọn sự nghiệp của mình cho người lính.
Với chức năng của một biên tập, thời ấy, để có một chương trình phát thanh, ông phải thực hiện tất cả các bước từ khâu dàn dựng, thu thanh, biên tập, pha âm nhưng với Văn An điều thú vị nhất là những bài ca, điệu nhạc viết về người chiến sĩ qua tay ông lại được vang lên làn sóng tới những người mà tác phẩm hướng tới. Còn nhớ thời chiến dịch Khe Sanh - Đường 9 - Tây Nguyên mở ra, Văn An lập tức lao ngay vào việc biên tập, thu thanh, sửa bài của các nhạc sĩ từ chiến trường gửi ra để kịp thời phản ánh lên sóng dù việc dàn dựng hồi ấy thường đơn giản đôi khi chỉ bằng cây đàn Bangzo Alto hay cây ghita.
Niềm vui và những kinh nghiệm của một biên tập viên lại hỗ trợ Văn An trong việc sáng tác của một nhạc sĩ, dễ dàng nắm bắt suy nghĩ, tình cảm của người lính nên hầu hết các tác phẩm của ông đều viết về quân đội hoặc đôi khi không phải trực tiếp về quân đội nhưng vẫn mang dáng dấp của bộ đội, của những chiến sĩ dân quân, tự vệ. Đó là những tác phẩm chiến sĩ thông tin trong “Đường dây ai rải”; chiến sĩ đảo Cồn Cỏ - Anh hùng Thái Văn A trong “Thái Văn A đứng đó”; những người lính công binh trong “Nhịp cầu nối những bờ vui” (thơ Phan Văn Từ); hay về những người chiến sĩ nói chung: “Đường lên Tây Bắc”; “Rẽ sóng ra khơi”; “Tiếng nói Hà Nội”; “Ta ra trận hôm nay”… Bên cạnh đó ông còn viết nhiều ở những đề tài khác nhau nhưng vẫn thành công dù đó là những đề tài tưởng chừng khó viết. Nhìn chung, những sáng tác của Văn An dù ở hình thức nào, ngay cả những ca khúc khỏe khoắn cũng đều rất trữ tình và mang màu sắc dân gian.
Đường lên Tây Bắc ai cũng biết thật gian nan và sự gian nan này có thể thấy trong những ca khúc như: “Đường lên Tây Bắc” (nhạc sĩ An Thuyên); “Qua miền Tây Bắc” (nhạc sĩ Nguyễn Thành)… nhưng với Văn An dường như tất cả bị đẩy lùi trước vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc. “Đường lên Tây Bắc” của ông chỉ có “nếp nhà sàn thấp thoáng, đằng xa tiếng hát dân quân, tiếng reo lưng đồi nương…” trên nền một giai điệu chậm rãi, bằng phẳng.
Đường lên Tây Bắc - NSƯT Tố Uyên
Góp phần tạo nên tính trữ tình trong những sáng tác của Văn An phải kể tới cách sử dụng tiết tấu. Nếu ai có dịp tìm hiểu ca khúc của Văn An sẽ thấy xuất hiện nhịp 2/4, một loại nhịp mà nói đến ta thường nghĩ ngay đến nhịp hành khúc. Nhưng Văn An đã làm mất “tính đi” bằng cách khi thì chia nhỏ và đều các nốt trong một giai điệu bình ổn và vừa phải; khi thì sử dụng lối đảo phách nhẹ làm bài hát trở nên mềm mại uyển chuyển. Tôi nhớ ai đó đã kể rằng từng chứng kiến hình ảnh người nghe cứ đong đưa theo giai điệu bài “Đường lên Tây Bắc”.
Trong cụm 5 tác phẩm mang lại Giải thưởng nhà nước cho nhạc sĩ Văn An phải kể tới ca khúc “Đôi dép Bác Hồ”. Trong dịp trò chuyện cùng nhà thơ Tạ Hữu Yên, nhà thơ đã chia sẻ với người viết bài: “cho tới lúc này (nhà thơ 87 tuổi) thì đã có 186 bài thơ được phổ nhạc, trong đó có 3 bài “Đôi dép Bác Hồ”; “Đất nước”; “ Cảm xúc tháng 10” đã được thu đĩa; đồng thời một số bản nữa trong đó có bài về Bác Hồ với các văn nghệ sĩ …trong đó có hơn 10 bài đạt Huy chương vàng.
Còn sự bén duyên với âm nhạc thì ông vốn là người yêu cuộc sống, yêu thơ, yêu dân ca; cho nên khi nói đến yêu cuộc sống, yêu dân ca, yêu thơ thì người ta thường nói đến âm nhạc. Trong những lời thơ ông viết thường xuất phát từ điểm này. Cuộc sống phong phú đa dạng lắm, chọn trong những cái phong phú đa dạng ấy những nét gì mình tâm đắc nhất để rút ra cho cuộc đời mình, cho cuộc đời sáng tác của mình, như vậy tức là lấy cái tâm đắc nhất, những điều cốt lõi nhất trong cuộc sống… thế thì chọn những điều tâm đắc nhất thì trước hết là chọn Bác Hồ, chọn đôi dép Bác Hồ là mở đầu, còn đất nước là bài thứ ba và sau cùng.
Khi chọn “Đôi dép Bác Hồ” là bài ông chọn theo thể dân ca nhất, gần gũi nhất, bình dân nhất. Ca ngợi sự bình yên, sự tin yêu của quần chúng với Bác Hồ cho nên phải mở đầu là “Đôi dép đơn sơ/Đôi dép Bác Hồ/Bác đi từ ở chiến khu Bác về…”. Dường như nhà thơ và nhạc sĩ đã cùng gặp nhau từ ý tưởng chủ đề nên rất nhanh trên nền giai điệu mang âm hưởng dân ca khu 4 (có lẽ bắt đầu từ bài: Đường dây ai rải), ở “Đôi dép Bác Hồ” giai điệu thấm đẫm chất dân ca này đến với người nghe một cách tự nhiên trong một ca từ không mạnh mẽ, không lên gân mà thật mượt mà đằm thắm. Bài hát không trực tiếp ca ngợi sự vĩ đại, lớn lao của Bác nhưng khi nó được cất lên, ta như thấy chân dung Bác hiện ra rực rỡ sáng ngời mà vẫn thật bình dị.
Đôi dép Bác Hồ.
Cùng với những bài hát viết về Bác Hồ của các nhạc sĩ như: “Những bông hoa trong vườn Bác” (nhạc sĩ Văn Dung); “Bác Hồ một tình yêu bao la” (nhạc sĩ Thuận Yến); “Lời ca dâng Bác” (nhạc sĩ Trọng Loan); “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” (nhạc sĩ Huy Thục)… “Đôi dép Bác Hồ” của nhạc sĩ Văn An xứng đáng được chọn một trong những bài hát hay về Bác.
Vẫn biết rằng nhiều hay ít tác phẩm đối với một nhạc sĩ là điều không quan trọng, khi viết một tác phẩm các nhạc sĩ không nghĩ đến quyền lợi, danh vị mang lại cho mình. Điều quan trọng là những tác phẩm in dấu trong lòng người yêu nhạc nhưng Giải thưởng nhà nước trao tặng chắc chắn là sự ghi nhận những công lao của nhạc sĩ Văn An cùng sự nghiệp sáng tác của ông.