Chính sách mở đường để khơi nguồn 'dòng chảy Nghi Sơn'

Được ví như một 'cửa ngõ' hướng ra biển, do đó sự ra đời của cảng biển được xem là yêu cầu tất yếu khách quan, nhằm tạo trợ lực thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế biển nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung trong bối cảnh hội nhập và giao lưu quốc tế diễn ra sôi động như hiện nay.

Toàn cảnh khu vực Cảng nước sâu Nghi Sơn. Ảnh: Lê Dung

Chính sách đi trước mở đường

Nắm bắt được vai trò, vị thế động lực của cảng biển đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời dựa vào lợi thế so sánh của một tỉnh ven biển, từ những năm đầu của thế kỷ XIX, Thanh Hóa đã khởi động dự án xây dựng Cảng biển Nghi Sơn. Sau khoảng 2 thập kỷ vừa xây dựng, vừa vận hành, khai thác, đến nay diện mạo Cảng Nghi Sơn đã cơ bản được định hình. Theo điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn thì hệ thống Cảng biển Nghi Sơn gồm có 64 bến (12 bến container, 20 bến tổng hợp, còn lại là các bến chuyên dụng), hiện 21 bến đã đi vào hoạt động. Cảng Nghi Sơn có khả năng đón tàu có trọng tải đến 70.000 DWT - 100.000 DWT, năng lực xếp dỡ hàng trăm triệu tấn/năm. Song song với đó là việc hoàn thiện đồng bộ và ngày càng hiện đại hệ thống hạ tầng giao thông kết nối nội – ngoại tỉnh với Nghi Sơn, nhờ vậy, Cảng biển Nghi Sơn đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống hạ tầng kinh tế thiết yếu của Thanh Hóa.

Song, hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại mới là điều kiện cần. Bởi thực tế, nhiều cảng biển lớn có lịch sử khai thác sớm hơn, lại nằm ở những vị trí đắc địa như Hải Phòng, Dung Quất, Sài Gòn, Cần Thơ... đã tạo dựng được vị thế, uy tín, thương hiệu trên hệ thống cảng biển quan trọng quốc gia. Chính vì lẽ đó, Cảng Nghi Sơn dù ra đời sau lại cần “đi trước một bước”, thậm chí phải “đi tắt đón đầu” bằng các cơ chế, chính sách kích cầu hấp dẫn, nhằm thu hút và giữ chân các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước và nước ngoài. Xuất phát từ yêu cầu thực tế đó, ngày 4-4-2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 166/2019/NQ-HĐND về hỗ trợ các hãng tàu mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế tại Cảng Nghi Sơn; Nghị quyết số 338/2020/NQ-HĐND ngày 6-12-2020 về hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn; Nghị quyết số 115/2021/NQ-HĐND về việc ban hành trình tự, thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn.

Sau 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, những kết quả bước đầu đạt được là rất khả quan. Cụ thể, Nghị quyết số 166/2019/NQ-HĐND đưa ra chính sách hỗ trợ các hãng tàu mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua Cảng Nghi Sơn với mức 200.000.000 đồng/chuyến. Tính đến hết ngày 31-12-2021, cảng đã thu hút được 91 chuyến tàu vận chuyển container đi quốc tế (trong đó số chuyến đủ điều kiện được hỗ trợ là 89 chuyến, với tổng số tiền là 17,8 tỷ đồng); đã có 86 chuyến tàu được hỗ trợ, với kinh phí là 17,2 tỷ đồng; 3 chuyến chưa được hỗ trợ với kinh phí 0,6 tỷ đồng, do hãng tàu chưa hoàn thiện hồ sơ trong năm 2021; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 1.180 tỷ đồng. Còn Nghị quyết số 338/2020/NQ-HĐND đưa ra chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container, cụ thể: loại container 20feet được hỗ trợ 700.000 đồng và loại 40feet được hỗ trợ 1.000.000 đồng. Từ khi nghị quyết có hiệu lực thi hành (ngày 16-12-2020) đến nay, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đối với 1.545 container (loại 20feet là 777 container và loại 40feet là 768 container), với tổng số tiền hỗ trợ là trên 1,311 tỷ đồng; số chưa được hỗ trợ là 370 container của Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn do công ty chưa hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ trong năm 2021.

Theo đánh giá của Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, kích cầu đã góp phần thúc đẩy lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng container qua Cảng Nghi Sơn tăng lên. Điển hình, năm 2021, tổng kim ngạch hàng hóa xuất, nhập khẩu đạt 6,96 tỷ USD, bằng 129% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 1,9 tỷ USD, bằng 162% năm 2020; kim ngạch nhập khẩu là 5,06 tỷ USD, bằng 120% năm 2020); trọng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu đạt 23,8 triệu tấn, bằng 94% năm 2020 (trong đó, xuất khẩu đạt 11,8 triệu tấn, bằng 85% năm 2020; nhập khẩu đạt 12 triệu tấn, bằng 102% năm 2020); thu ngân sách Nhà nước từ hàng hóa xuất, nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn đạt 11.309 tỷ đồng, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2020... Qua đó, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương; đồng thời, tạo môi trường thu hút đầu tư và thúc đẩy các dịch vụ khác phát triển.

“Nút thắt”

Không thể phủ nhận, những kết quả bước đầu đạt được từ việc triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh tại Cảng Nghi Sơn. Tuy nhiên, nhìn vào vị trí và năng lực của cảng nước sâu này, thiết nghĩ, phần lợi ích mang lại mới chỉ là một phần của “tiềm năng”, “lợi thế”. Một ví dụ minh chứng cho điều đó là trong vài năm trở lại đây, mặc dù đã có nhiều hãng tàu nghiên cứu mở tuyến vận chuyển bằng container đi quốc tế qua Cảng Nghi Sơn (Công ty CP CMA-CGM Việt Nam, Công ty TNHH SITC Việt Nam và Công ty CP Vận tải và Thuê tàu Đà Nẵng). Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ có duy nhất hãng tàu CMA-CGM Việt Nam đầu tư khai thác, thế nhưng tần suất số chuyến còn thấp và chưa đa dạng tuyến (chủ yếu là tuyến Trung Quốc). Đáng nói hơn, kể từ tháng 10-2021 đến nay, không có chuyến tàu nào cập Cảng Nghi Sơn từ chính hãng tàu CMA-CGM.

Theo Nghị quyết số 166/2019/NQ-HĐND thì con số thu ngân sách Nhà nước khoảng 1.180 tỷ đồng, so với số kinh phí 17,2 tỷ đồng hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua Cảng Nghi Sơn, đã phần nào phản ánh chính sách hỗ trợ đã đáp ứng “đúng” và “trúng” yêu cầu doanh nghiệp. Tuy nhiên, thay vì vận động theo chiều hướng “thuận” năm sau cao hơn năm trước; thì con số đảo chiều lại khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. Cụ thể, năm 2019 có 31 chuyến qua Cảng Nghi Sơn, thu ngân sách Nhà nước khoảng 600 tỷ đồng; năm 2020, số chuyến là 35, ngân sách thu về hơn 350 tỷ đồng; sang năm 2021, số chuyến giảm còn 25, thu ngân sách đạt khoảng 230 tỷ đồng. Điều này phải chăng xuất phát từ các nguyên nhân khách quan đã được nhiều cấp, ngành chỉ ra, như giá cước container tăng cao từ 5 - 10 lần so với năm 2019; do yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 nên một số quốc gia tạm thời đóng cửa, siết chặt xuất, nhập khẩu hàng hóa dẫn đến thời gian giải phóng hàng chậm; việc thiếu vỏ container, tàu chậm chuyến cũng khiến hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng container giảm mạnh...

Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố khách quan tác động, thiết nghĩ cũng cần nhìn nhận rõ các yếu tố rào cản mang tính chủ quan. Đó là Cảng Nghi Sơn chưa có cảng container chuyên dụng để có thể thu hút container trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận Ninh Bình, Nghệ An... Trong khi, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kho bãi, trang thiết bị tại cảng còn chậm, vừa thiếu lại vừa yếu, nên chưa đáp ứng được nhu cầu của hãng tàu và khách hàng. Bên cạnh đó, dịch vụ vận tải đường bộ vận chuyển hàng container chưa được nhiều doanh nghiệp đầu tư, lại thiếu tính chuyên nghiệp. Mặc dù nằm ở vị trí hết sức thuận lợi để đón “luồng hàng” xuất, nhập khẩu lớn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Nghệ An, song thực tế, lượng hàng “chảy” qua Cảng Nghi Sơn mới chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Cụ thể như năm 2021, Thanh Hóa có 57.256 container, Ninh Bình có 244.131 container, Nghệ An có 40.492 container. Tuy nhiên, số container xuất, nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn mới có khoảng 3.492 container. Điều này được lý giải một phần do cước vận tải của hãng tàu, kho bãi và các dịch vụ khác tại Cảng Nghi Sơn cao hơn so với các cảng khác. Do đó, dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa bằng container qua cảng nước sâu này thì vẫn chưa thể bù đắp được các chi phí chênh lệch khi thông quan tại Cảng Nghi Sơn...

Có thể nói, dù xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng việc chưa thu hút được nhiều hãng tàu, doanh nghiệp, khách hàng vào khai thác Cảng Nghi Sơn cũng đồng nghĩa với việc Thanh Hóa vẫn chưa thể khai thác hiệu quả dư địa phát triển của cảng nước sâu Nghi Sơn, nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho tỉnh trong việc thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn; đồng thời, từng bước khẳng định vị thế của Cảng Nghi Sơn trên bản đồ kinh tế cảng biển Việt Nam.

“Làm mới” chính sách để tiệm cận yêu cầu thực tế

Cần thống nhất một nhận thức rằng, một chính sách ra đời ở một thời điểm ví như lời giải cho bài toán khó đặt ra từ thực tiễn. Thế nhưng, thực tiễn luôn luôn vận động và những bất cập phát sinh là tất yếu, cho nên độ sự “vênh” giữa chính sách với thực tiễn cũng là điều khó tránh. Chính vì lẽ đó, thay đổi hay “làm mới” để chính sách tiệm cận yêu cầu thực tiễn, hay phù hợp và giải quyết những vấn đề phát sinh cũng là đòi hỏi tất yếu.

Với nhận thức đó và với lợi thế, tiềm năng sẵn có làm cơ sở, để tạo bước đột phá thu hút các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu bằng container qua Cảng Nghi Sơn, thì việc sửa đổi chính sách hỗ trợ đã có và xây dựng các chính sách mới phù hợp với thực tiễn, là yêu cầu đang được đặt ra cho tỉnh Thanh Hóa lúc này. Theo đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành “Chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa”, thay thế Nghị quyết số 166/2019/HĐÐND ngày 4-4-2019 và Nghị quyết số 338/2020/NQ-HĐND ngày 6-12-2020.

Cụ thể, hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa bằng container qua Cảng Nghi Sơn: đối với các hãng tàu mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua Cảng Nghi Sơn, sẽ được hỗ trợ mức 200 triệu đồng/chuyến, thời gian thực hiện chính sách đến hết ngày 31-12-2026; đối với các phương tiện vận tải biển nội địa bằng container qua Cảng Nghi Sơn, sẽ được hỗ trợ mức 150 triệu đồng/chuyến, thời gian thực hiện chính sách đến hết 31-12-2026. Hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn được áp dụng cho cả hàng hóa mở tờ khai và không mở tờ khai tại Cục Hải quan Thanh Hóa. Cụ thể: đối với loại container mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa, loại container 20feet hỗ trợ 1.500.000 đồng/cont, loại container 40feet hỗ trợ 2.000.000 đồng/cont; đối với loại container không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa, loại container 20 feet hỗ trợ 700.000 đồng/cont; loại container 40 feet hỗ trợ 1.000.000 đồng/cont; thời gian thực hiện chính sách đến hết 31-12-2026.

Theo đánh giá của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, thì việc triển khai các chính sách hỗ trợ mới, với đối tượng áp dụng được mở rộng và mức hỗ trợ được nâng lên sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cả về mặt kinh tế lẫn xã hội. Về kinh tế, sẽ tăng thu ngân sách của tỉnh từ nguồn thu thuế xuất, nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng; đồng thời, tác động gián tiếp từ việc hình thành các tuyến vận tải hàng hóa bằng container và tạo ra các khoản thu dịch vụ tại cảng cho các đơn vị kinh doanh khai thác cảng và các đơn vị vận tải nội địa, logistics... Trong khi đó về xã hội, hiện nhiều nhà đầu tư lớn đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, đòi hỏi phải có chuyến vận tải biển bằng container để phục vụ xuất, nhập khẩu nguyên liệu và vận chuyển hàng hóa. Do đó, khi chính sách hỗ trợ được triển khai hiệu quả, hình thành được phương thức vận tải biển, sẽ tăng sức hấp dẫn và thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp. Còn trong dài hạn sẽ nâng được quy mô thị trường khi nhiều dự án được triển khai trong khu vực. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa, góp phần giảm chi phí, thúc đẩy sản xuất và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển dịch vụ hậu cảng tại khu vực Cảng Nghi Sơn, tạo tiền đề phát triển Cảng Nghi Sơn trong giai đoạn tới. Đặc biệt, hiệu quả chính sách sẽ góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu của Cảng Nghi Sơn nói riêng và Khu Kinh tế Nghi Sơn nói chung.

Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 3-2-2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: xây dựng, phát triển Cảng Nghi Sơn trở thành cảng 1A, trong đó có cảng container chuyên dụng ngang tầm khu vực. Đây vừa là căn cứ, vừa là mục tiêu để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung đầu tư và đẩy mạnh kêu gọi các nguồn lực đầu tư, nhằm hoàn thiện hệ thống Cảng Nghi Sơn. Cùng với đó, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khơi thông “dòng chảy Nghi Sơn”. Trên tinh thần đó, ngày 31-5, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến vào việc thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh trong Khu Kinh tế Nghi Sơn; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải quốc tế và nội địa. Kết luận về vấn đề này, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Muốn vượt trội thì chính sách phải vượt trội. Theo đó, để tăng sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp, Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất nâng mức hỗ trợ lên 500 triệu đồng/chuyến đối với các hãng tàu mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua Cảng Nghi Sơn; 300 triệu đồng/chuyến đối với các phương tiện vận tải biển nội địa bằng container qua Cảng Nghi Sơn; đối với loại container mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa, mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/cont với loại container 20feet và 3 triệu đồng/cont với loại container 40feet; riêng loại container không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa, thống nhất giữ nguyên mức hỗ trợ theo đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh. Nhấn mạnh, chính sách hấp dẫn song vẫn chỉ là công cụ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng cần thêm nhiều yếu tố để tạo trợ lực thúc đẩy Cảng Nghi Sơn phát triển trở thành một cảng đặc biệt, với dịch vụ logistics là chủ đạo. Đó là chú trọng quảng bá tiềm năng, lợi thế của Khu Kinh tế Nghi Sơn và Cảng Nghi Sơn; đẩy nhanh công tác phê duyệt quy hoạch cảng biển Thanh Hóa; đẩy mạnh cải cách hành chính và đặc biệt chú trọng nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ thực thi nhiệm vụ tại Cảng Nghi Sơn. Bởi chính sách tốt chỉ có thể mang lại hiệu quả khi người thực thi chính sách đáp ứng như kỳ vọng!

Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/chinh-sach-mo-duong-de-khoi-nguon-dong-chay-nghi-son/160202.htm