Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau vượt khó

Trong năm 2023, Chính phủ và các Bộ, ngành đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, như hạ lãi suất cho vay; miễn, giảm, gia hạn một số loại thuế, phí nhằm giảm áp lực dòng tiền cho doanh nghiệp.

Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau vượt khó

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), bất chấp các tác động xấu từ thế giới, kinh tế Việt Nam đang từng bước hồi phục. Các chỉ số kinh tế qua các tháng, các quý đều chuyển biến tích cực.

Nếu trong quý I/2023, GDP Việt Nam chỉ tăng “khiêm tốn” 3,28%, thì sang quý II và quý III, GDP tăng đều lần lượt là 4,05% và 5,33%. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, GDP Việt Nam ghi nhận mức 4,24% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Báo cáo của GSO cũng cho thấy, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thương trường vẫn duy trì ở mức đáng báo động. Cụ thể, trong 9 tháng qua, cả nước có khoảng 75.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, cả nước đã có 46.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9% so với năm ngoái và 13.200 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3%.

Trước tình hình đó, Chính phủ và các Bộ, ngành đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, như hạ lãi suất cho vay; miễn, giảm, gia hạn một số loại thuế, phí nhằm giảm áp lực dòng tiền cho doanh nghiệp.

Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã tham mưu các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, trong tháng 9, cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 9 khoảng 152.500 tỷ đồng. Trong đó, miễn, giảm khoảng 49.600 tỷ đồng; gia hạn khoảng 102.900 tỷ đồng.

Ông Trương Bá Tuấn nhấn mạnh, hiện tại, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang có đánh giá tổng thể việc thực hiện để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội các giải pháp tới đây nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và nghiên cứu trình Quốc hội tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) vào năm 2024.

Nhận định về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, từ đầu năm đến nay, Chính phủ và Quốc hội đã thực thi, ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cả về thể chế và tiền, các giải pháp này nhìn chung đã mang lại nhiều điểm tích cực cho nền kinh tế.

Trong đó, ông Hiếu đánh giá rất cao việc Chính phủ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thông qua các chính sách như giảm thuế, miễn thuế, gia hạn hoặc kéo dài các nghĩa vụ về tài chính khoảng 150.000 tỷ đồng.

Để đạt được kết quả phát triển kinh tế như vậy là nhờ những nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã đóng góp lớn để giảm bớt khó khăn, ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiếu, khi tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp rất ý thức trong nỗ lực khắc phục khó khăn và tìm ra giải pháp, không ỷ lại vào Chính phủ. Thành công này có sự đóng góp rất lớn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, cũng ghi nhận những đóng góp rất tích cực của các địa phương.

Nhiều địa phương mặc dù bối cảnh khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân, thu ngân sách, tăng trưởng phát triển kinh tế vẫn đạt được kết quả rất đáng ghi nhận” - ông Hiếu cho biết.

Hiếm khi nào giải ngân vốn đầu tư công cao như năm 2023

Trên thực tế, từ cuối năm 2022, hầu hết các dự báo đều nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ rất khó khăn trong năm 2023. Bởi, Việt Nam là nền kinh tế có kim ngạch xuất khẩu rất cao. Tuy nhiên, các xung đột địa chính trị, lạm phát và suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng tới sức mua toàn cầu. Từ đó, ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam.

Trước những khó khăn đã được dự báo từ trước, các tổ chức nghiên cứu kinh tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF),... đều kỳ vọng đầu tư công sẽ là động lực cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2023.

Ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, rà soát, có đánh giá tổng thể việc thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội trong thời gian tới.

Đơn cử, vào tháng 4/2023, đại diện của ADB nhấn mạnh, đầu tư công sẽ là động lực then chốt khác cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024, giúp thúc đẩy ngành xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan khác.

Bởi lẽ, đầu tư công không chỉ đóng góp trực tiếp vào GDP mà còn tạo ra những hiệu ứng tích cực thúc đẩy đầu tư tư nhân phát triển thông qua hệ thống cơ sở hạ tầng, hay định hướng phát triển ngành thông qua việc ưu tiên đầu tư vào ngành trọng điểm.

Bằng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải thiện đường giao thông và các hoạt động đầu tư cho giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực, đầu tư công đã thể hiện vai trò cấp thiết của mình đối với nền kinh tế.

Có thể thấy, trong năm 2023, Việt Nam đã cải thiện rất tốt việc giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Ông Đỗ Thành Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiết lộ: Giải ngân vốn đầu tư công sau 9 tháng của năm 2023 đạt 51%, đây là kết quả rất đáng khích lệ.

Trong rất nhiều năm qua, hiếm có năm nào sau 9 tháng kết quả giải ngân đạt được trên 50%, bởi thường dồn giải ngân vào những tháng cuối năm. Với bối cảnh thế giới nhiều biến động thì đất nước đã đạt nhiều kết quả rất tốt về đối ngoại. Đây là nội dung rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý III/2023 theo giá hiện hành ước đạt 902.500 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 2,26 triệu tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 634.300 tỷ đồng, chiếm 28,1% tổng vốn và tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1,25 triệu tỷ đồng, chiếm 55,3% và tăng 2,3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 375.500 tỷ đồng, chiếm 16,6% và tăng 3,9%.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2023 ước đạt 415.500 tỷ đồng, bằng 57,4% kế hoạch năm và tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 56% và tăng 20,3%).

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-phu-va-cong-dong-doanh-nghiep-cung-nhau-vuot-kho-post268274.html