Chính phủ Nhật Bản sẽ chuyển trọng tâm viện trợ nước ngoài vào công nghệ
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản sẽ sớm chuyển trọng tâm viện trợ nước ngoài sang công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử, đồng thời giảm dần viện trợ cho phát triển cơ sở hạ tầng.
Một nhóm chuyên gia đệ trình đề xuất sửa đổi chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lên Bộ trưởng Ngoại giao Yoko Kamikawa vào ngày 16/5. Bộ Ngoại giao sẽ đưa các điều khoản này vào yêu cầu ngân sách tài khóa 2025.
Hội đồng chuyên gia cho rằng Nhật Bản nên giúp các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển giải quyết các vấn đề bền vững thông qua việc sử dụng khoa học và công nghệ. Đầu tiên, Chính phủ Nhật Bản sẽ dẫn đầu nỗ lực hợp lý hóa việc tiếp cận chương trình nghiên cứu hợp tác do Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản quản lý. Đã có những lời kêu gọi đơn giản hóa quy trình, bao gồm nhiều bước sàng lọc sơ bộ trước khi các nhà nghiên cứu từ Nhật Bản và các nước đang phát triển có thể tham gia nghiên cứu chung.
Thông qua ODA khoa học và công nghệ, công việc sẽ được thực hiện trong các lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, vấn đề môi trường, phòng chống thiên tai, phát triển không gian, xây dựng hòa bình.... Để ứng phó với thảm họa, công nghệ lượng tử của Nhật Bản sẽ được triển khai để mô phỏng động đất nhằm giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các xã hội già hóa cũng bắt đầu ảnh hưởng đến các nền kinh tế Đông Nam Á. Nhật Bản đã phát triển các công nghệ tiết kiệm lao động để ứng phó với tình trạng dân số già đi, ngày càng thu hẹp và chính phủ coi đây là cơ hội để đưa chuyên môn của mình ra nước ngoài.
Phần lớn ODA của Nhật Bản cho đến nay được hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng như đường và cầu. Trong bối cảnh nhu cầu hỗ trợ như vậy hiện chững lại khi các nước trở nên phát triển hơn, Nhật Bản đang chuyển hướng ODA sang khoa học và công nghệ. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết: “Cách tiếp cận hiện tại chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng sẽ không thúc đẩy công nghệ ở các nước mới nổi và đang phát triển”.
Nhật Bản đang chuyển sang sử dụng ODA dựa trên ưu đãi, tiếp cận các quốc gia bằng viện trợ nước ngoài phù hợp với nhu cầu của họ thay vì chờ đợi yêu cầu. Các ưu đãi sẽ dựa trên sự minh bạch và cam kết thiện chí. Tuy nhiên, Nhật Bản có thể sẽ gặp bất lợi về quy mô viện trợ. Ngân sách ban đầu trong tài khóa 2024 dành 565 tỷ yen (3,63 tỷ USD) cho ODA, giảm so với mức cao nhất 1.160 tỷ yen trong ngân sách tài khóa năm 1997.