Chính phủ giao Bộ Công an ngăn chặn 'tín dụng đen', siết nợ, đòi nợ thuê

Mới đây, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về phiên họp thường kỳ tháng 9/2018, trong đó có nội dung quan trọng về việc chỉ đạo Bộ Công an phải ngăn chặn hoạt động 'tín dụng đen', siết nợ, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN, sắp tới sẽ kiến nghị để có giải pháp quản lý hoạt động tín dụng. Ảnh: TL

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an phải triển khai các biện pháp ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”, siết nợ, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi. Trước đó, để chấn chỉnh và quản lý chặt chẽ loại dịch vụ này, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh. Lý do được đưa ra là quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế, khi có tranh chấp hợp đồng các bên tham gia tự thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật...

Theo quan điểm của TPHCM, dịch vụ đòi nợ thuê là một trong những hoạt động kinh doanh phức tạp, có liên quan nhiều đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, dễ bị phần tử xấu lợi dụng để hoạt động kiểu xã hội đen. Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại... là cơ quan có thẩm quyền thi hành. Trường hợp, không đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành những quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động này.

Cũng về vấn đề cho vay trực tuyến, tín dụng đen, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 như sau: “Trong quá trình tổ chức điều hành hoạt động của hệ thống ngân hàng, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước liên tục rà soát, chỉnh sửa và bổ sung những quy định về cho vay, trong đó có những văn bản quy định về cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng thực hiện theo thông tư 39, và có ban hành một văn bản riêng đối với tín dụng tiêu dùng của các công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính. Việc phát triển và mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty này sẽ giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn từ các kênh chính thức, hạn chế và không phải tiếp cận tín dụng từ nguồn tín dụng đen”. Cùng đó, NHNN cũng tăng cường mở rộng mạng lưới hoạt động của hệ thống ngân hàng, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, phát triển tài chính vi mô cũng như mở rộng mạng lưới của ngân hàng chính sách xã hội. Đây là kênh tín dụng đối với người dân nghèo, người thu nhập thấp và ở vùng sâu vùng xa.

Trong điều hành hằng năm, NHNN luôn có chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải thực hiện, chấn chỉnh các hoạt động cho vay tiêu dùng. Với cách thức, giải pháp như thế này cũng sẽ góp phần hạn chế được tín dụng đen. Trong quy định của pháp luật, NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng cũng như hoạt động của các ngân hàng khác đối với các tổ chức tín dụng; còn đối với tín dụng đen không thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của NHNN nhưng cũng liên quan đến mảng quản lý trật tự an toàn xã hội và vi phạm pháp luật. Do đó, trong thời gian qua, NHNN đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nắm bắt tình trạng của tín dụng đen và cũng đã có báo cáo Chính phủ, kiến nghị để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành có giải pháp quản lý chung đối với hoạt động tín dụng, tránh hiện tượng tín dụng đen tràn lan.

Minh Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chinh-phu-giao-bo-cong-an-ngan-chan-tin-dung-den-siet-no-doi-no-thue-20181009100147533.htm