Chiều tháng Bảy thoảng mùi khói hương…

Mỗi ngôi mộ, một cuộc đời, một câu chuyện chưa kể... Họ đều là những người lính tuổi mười tám đôi mươi, hăm hở ra trận quyết tâm phụng sự và bảo vệ Tổ quốc.

Ra đi theo tiếng gọi Tổ quốc

Men theo quốc lộ 39A, tôi tìm về thôn Quảng Uyên, xã Minh Châu, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Con đường làng dài hun hút đưa tôi về tới nhà ông Nguyễn Văn Hiệu và bà Phan Thị Diến. Ngôi nhà của hai ông bà đơn sơ, giản dị và vô cùng gọn gàng, ngăn nắp.

Thắp nén hương lên bàn thờ, nơi có một tấm ảnh chân dung một chiến sĩ trong màu áo xanh, bà Diến chậm rãi kể: "Đây là con trai tôi – Nguyễn Văn Nguyện. Nguyện sinh năm 1960. Sau khi lấy nhau, chúng tôi sinh được 7 người con: 5 trai, 2 gái. Nguyện là con trai thứ hai".

Từ khi xin ra chiến trường cho tới tận bây giờ, ông bà vẫn chưa khi nào quên những kí ức về người con hiếu thảo. Bà Diến rớm nước mắt: "Khi anh Tình (con trai cả) đi bộ đội, thì Nguyện ở nhà vun vén lo lắng cho bố mẹ. Lúc mẹ sinh nở, Nguyện ngày nào cũng đi tát vét, kiếm con tôm con tép về tẩm bổ cho mẹ. Thuở ấy, không có gạo ăn, Nguyện chắt bóp từng hào mong mua cho mẹ nắm gạo nấu cháo".

Liệt sĩ Nguyễn Văn Nguyện là con trai thứ hai trong gia đình.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Nguyện là con trai thứ hai trong gia đình.

"Tôi nhớ như in có lần mình ốm nằm trên giường, Nguyện bảo tôi: Mẹ ơi, mẹ đừng chết, con sẽ chăm sóc cho mẹ. Rồi ngày trước khi ra trận, Nguyện nói: Con đi rồi sẽ về, con sẽ lấy vợ và sẽ nuôi mẹ!" - nói đến đây, bà rơi nước mắt: "Giờ con nuôi được cả bố cả mẹ rồi phải không".

Ngày chàng trai trẻ Nguyễn Văn Nguyện ra đi, bà Diến cũng biết, chiến tranh ác liệt, lần này có ngày đi những chưa chắc có ngày trở về, nhưng vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người mẹ lại nuốt nước mắt vào trong, để con yên tâm lên đường ra trận.

Từ khi ra đi, chưa một lần nào chiến sĩ Nguyễn Văn Nguyện trở về thăm nhà. Lần trở về đầu tiên cũng là lần anh về với đất mẹ, về trong vòng tay và sự tiếc thương vô bờ của bà con làng xã. Liệt sĩ Nguyễn Văn Nguyện mất ngày 29/1/1979, và là một trong sáu liệt sĩ thời kỳ chiến tranh bảo vệ biên giới và thực hiện nghĩa vụ quốc tế của xã Minh Châu.

Thông tin về liệt sĩ Nguyễn Văn Nguyện.

Thông tin về liệt sĩ Nguyễn Văn Nguyện.

Ngày đơn vị gửi giấy báo tử về địa phương, ông bà như sụp đổ. Ấy là khi bà vừa sinh cô con gái út được vài năm và hôm đó là ngày mùng 2 Tết.

Chị Nguyễn Thị Phê, con út của bà Diến tâm sự:"Ngày người ta gửi giấy báo tử về, tôi được gần 3 tuổi. Anh ra trận khi tôi chưa sinh ra đời, nhưng ngày gia đình nhận tin anh hy sinh, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh ngày đó, gia đình, anh em đã khóc thương rất nhiều. Thương anh vì tuổi đời còn quá trẻ, và cũng thương anh vì những lời hứa dang dở năm xưa" .

Sau khi nhận tin dữ, bà Diến tìm hỏi mọi tin tức về con trai từ những người cùng ra trận đợt đó trở về, bà nghẹn giọng: "Người ta bảo Nguyện chưa hy sinh ngay tại chiến trận, mà bị thương được đưa về nhưng đã hy sinh, thân xác vẫn còn, người ta đã chôn cất ở nghĩa trang Tân Hội".

Nén nỗi đau để tiếp tục chăm sóc các con, nhưng bà Diến vẫn ấp ủ hy vọng đi tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Nguyện.

Ông bà nhớ như in câu chuyện về con trai thời trẻ.

Ông bà nhớ như in câu chuyện về con trai thời trẻ.

Tìm thấy con nơi nghĩa trang bạt ngàn

Bao nhiêu năm chưa đưa được thi hài của con về quê hương là ngần ấy năm bà rơi nước mắt. Ngày ấy từ Bắc vào Nam không dễ dàng như bây giờ, cho tới tận năm 1996, khi có dịp vào thăm con gái đầu tiên sinh con, bà quyết định phải đi tìm bằng được anh Nguyện.

Việc tìm kiếm gần như chỉ có một manh mối duy nhất đó là cái tên "nghĩa trang Tân Hội". Bà nói: "Từ Biên Hòa, Đồng Nai, nhà con gái tôi, tôi cùng với một ông em bắt xe đi đến nghĩa trang Tân Hội. Đường sá xa xôi, không tiện như bây giờ, tôi cũng không nhớ rõ địa phận tỉnh nơi có nghĩa trang ấy, chỉ biết tên là Tân Hội và có rất nhiều mộ liệt sĩ nằm đây".

Sau khi đến được Tân Hội, nghĩ là sẽ tìm được con, bà mừng mừng tủi tủi. Tới khi gặp người trông coi nghĩa trang, họ nói, những liệt sĩ thuộc đơn vị con bà đã được dồn về nghĩa trang Tân Biên. Bà Diến hụt hẫng vô cùng. Nhưng mong muốn tìm con của bà đã thúc đẩy người mẹ già khăn gói tới nghĩa trang Tân Biên.

Bà nhớ rõ khi ấy, đường về Tân Biên xa và gập ghềnh. Bốn bề là núi rừng, chỉ có một con đường đất đỏ độc đá sỏi, xung quanh tối om không có lấy một ánh đèn. Nghĩa trang Tân Biên hiện ra, bạt ngàn những mộ liệt sĩ.

Tới đây, giọng bà nhẹ lại: "Tôi đi tiếp thì tìm thấy một ngôi nhà nhỏ, gọi cửa thì có một chị cao lớn chạy ra, thấy giọng tôi miền Bắc, chị ấy còn hỏi "Bác từ ngoài Bắc vào à?". Sau đó trong nhà có một người đàn ông chống nạng, chân đã mất một bên, đi ra hỏi chuyện tôi. Biết là người trông coi nghĩa trang, tôi vội hỏi ngay, có anh Nguyễn Văn Nguyện ở Hưng Yên không chú?".

Người chống nạng đó đi vào một chiếc tủ và tìm kiếm. Trong trí nhớ của bà, chiếc tủ ấy cao to và có nhiều ngăn nhỏ giống như chiếc tủ mà người ta bán thuốc bắc. Tìm kiếm rất lâu, cuối cùng người đó nói "có anh Nguyện".

Tới lúc này trái tim người mẹ như vỡ òa. Vậy là bà sắp tìm thấy con rồi!

Theo lời chỉ dẫn của người đó, bà tìm đến khán đài E, nơi có vô vàn những ngôi mộ. Nơi nghĩa trang bạt ngàn, người mẹ cuối cùng đã tìm thấy mộ con… Chẳng thể nào nói hết được sự xúc động của bà Diến khi đã tìm thấy con sau 17 năm mong nhớ đằng đẵng.

Nỗi đau kìm nén bao năm giờ như tràn ra ngoài lồng ngực, ngày đưa hài cốt lên tàu về quê hương, bà ốm kiệt sức không thể về cùng, chỉ có người con rể đưa anh về trong vòng tay của làng xóm. Chính quyền và bà con làng xã đã cùng nhau đón đứa con của mẹ về và trân trọng đặt tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.

Nghĩa trang xã Minh Châu.

Nghĩa trang xã Minh Châu.

Năm nào cũng vậy, cứ đến 28 Tết, ông bà cùng các con cháu sẽ thắp hương tưởng nhớ và làm đám giỗ cho liệt sĩ Nguyễn Văn Nguyện.

27/7 - tri ân và tưởng nhớ

Những ngày này, các ban ngành đoàn thể địa phương, các trường học… thường xuyên tổ chức thăm hỏi động viên gia đình, gặp gỡ và nghe ông bà kể những câu chuyện về người con trai hiếu thảo, dũng cảm – liệt sĩ Nguyễn Văn Nguyện.

Ban ngành địa phương và các trường học thăm hỏi gia đình liệt sĩ.

Ban ngành địa phương và các trường học thăm hỏi gia đình liệt sĩ.

Trước ngày 27/7, bà Diến cũng thường đưa các cháu đến nghĩa trang xã Minh Châu để dọn dẹp phần mộ, thắp hương tưởng nhớ người bác đã không quên thân mình hy sinh cho đất nước.

Mỗi ngôi mộ, một cuộc đời, một câu chuyện chưa kể. Họ đều là những người lính tuổi mười tám đôi mươi, hăm hở ra trận quyết tâm phụng sự và bảo vệ Tổ quốc.

Đêm thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ xã Minh Châu.

Đêm thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ xã Minh Châu.

Quê hương Minh Châu cũng như những quê hương khác trên dải đất hình chữ S, nơi nào cũng có một nghĩa trang liệt sĩ. Trong đó, còn bao nhiêu liệt sĩ chưa được tìm thấy, chưa được rõ tên, đã nằm xuống cùng đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng câu chuyện của những người chiến sĩ đã hiến dâng cả thanh xuân, tuổi trẻ để bảo vệ từng tấc đất quê hương vẫn còn đó khiến lòng tôi dâng lên một niềm thương khó tả. Chiều tháng Bảy hôm nay làng quê nhỏ thoáng mùi khói hương…

Phan Ngân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chieu-thang-bay-thoang-mui-khoi-huong-169240727123657338.htm