'Chiếc loa' đưa ý Đảng vào lòng dân: Kỳ I - Bản xa nhưng rất 'gần'
Một buổi sáng tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Du lịch huyện Đồng Văn, 5 thành viên của Tổ tuyên truyền lưu động (TTLĐ) đã có mặt, sẵn sàng cho buổi tuyên truyền lưu động. Mỗi tháng, kế hoạch đi tuyên truyền lại khác nhau, nhưng trung bình thực hiện 15 buổi. Lúc thì tổ chức ở chợ phiên, lúc là chương trình văn nghệ cổ động, khi thì đến từng nhóm hộ dân, tùy theo hoàn cảnh mà linh hoạt nhưng phải đảm bảo theo tiêu chí đã đề ra.
" hideimage="hidedesktop" src="https://baohagiang.vn/file/4028eaa4679b32c401679c0c74382a7e/092024/3_20240925195547.png">
" hideimage="hidemobile" src="https://baohagiang.vn/file/4028eaa4679b32c401679c0c74382a7e/092024/3_20240925195547.png" style="float: center;width: px;">" hideimage="hidemobile" src="https://baohagiang.vn/file/4028eaa4679b32c401679c0c74382a7e/092024/3_20240925195547.png">
Đồ nghề đã được sắp xếp gọn gàng lên xe ô tô lưu động. Theo kế hoạch, hôm nay tổ sẽ đi tuyên truyền ở thôn Nhù Sang, xã Lũng Táo, rồi sau đó đến từng hộ dân ở thôn Sùa Lủng, xã Tả Phìn.
Đầu giờ chiều, bánh xe bắt đầu lăn, từ từ men theo cung đường nhỏ dẫn vào thôn Nhù Sang - nơi giáp biên có 49 hộ người Mông đang sinh sống. Nhà văn hóa kiêm lớp học của lũ trẻ trong thôn hôm nay trở thành điểm hẹn.
Những màn văn nghệ do các em học sinh đi cùng biểu diễn, đan xen với phần tuyên truyền về pháp luật, chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã được dịch ra tiếng Mông. Chị Mai Thị Lan, anh Sùng Mí Phứ và anh Vừ Mí Chá là những người giỏi tiếng Mông nhất trong tổ, chính họ đã sửa soạn nội dung, làm cho những điều khô khan trở nên mềm mại, gần gũi với bà con.
Hôm nay, để tuyên truyền về Luật An ninh mạng, anh Chá lấy những ví dụ về hình ảnh không phù hợp, thông tin sai trái khi đăng tải sẽ vi phạm vào Luật An ninh mạng như thế nào, đồng thời hướng dẫn người dân sử dụng mạng xã hội an toàn, phòng tránh bị lừa đảo.
Buổi tuyên truyền diễn ra trong 2 tiếng. Anh Chá đứng dựa lưng một góc, lấy cái mũ trên đầu quạt tạm cho bớt nóng. Gạt giọt mồ đang trên khuôn mặt, anh liếc mắt nhìn chiếc đồng hồ đeo tay lẩm bẩm: “Tầm ba mươi phút nữa là lên đường đến điểm tiếp theo”.
Thôn Sùa Lủng, xã Tả Phìn có 44 hộ dân chủ yếu là người Mông, sống bằng nghề làm nương, tối về nhà, hiếm khi ra khỏi thôn bản. Không có sóng điện thoại, không internet và không điện thắp sáng, mọi sinh hoạt hằng ngày diễn ra dưới ánh đèn dầu, khấm khá hơn thì có ánh đèn tuýp chạy bằng ắc quy.
“Sân khấu đặc biệt” trên khoảng đất trống nhỏ nằm ngay giữa ngã ba, mộc mạc với hai bóng đèn đấu vào ắc quy, mắc trên thanh tre, một chiếc mic có dây nối với loa kéo. Buổi tuyên truyền diễn ra sớm hơn dự định bởi bà con đã quây quần đông đủ xung quanh cái sân nhỏ. Không khí bỗng ấm cúng lạ thường
Anh Chá, chị Lan và các thành viên trong tổ lại tiếp tục công việc của một tuyên truyền viên.
Những thông tin về chính sách, nghị quyết, pháp luật được chia sẻ, bà con được lắng nghe rồi kể về những nhọc nhằn đời mình. Chẳng biết từ lúc nào, buổi tuyên truyền hóa thành cuộc trò chuyện thân tình, tự nhiên như đã quen thuộc từ lâu.
“Bà con vui thì mình cũng vui. Giúp bà con hiểu mỗi chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mình mong cuộc sống của bà con sẽ tốt đẹp hơn. Nhiều khi muốn ở lại tỉ tê tâm sự, lắng nghe thêm về khó khăn, thành ra có hôm 1-2 giờ sáng mới lóc cóc về tới thị trấn” anh Chá cười hiền, kể lại. Đi tuyên truyền nhiều, có khi gặp lại bà con nhớ mặt, vui vẻ chào đón: “Ơ, cán bộ Chá với đoàn lại về đây à? Xong việc ở lại ăn cơm với gia đình nhé.”
Thực hiện: Nhóm PV báo điện tử