Chiếc địu của người Tày
Từ bao đời này, hình ảnh những người mẹ địu con trên lưng làm tất cả mọi việc trở thành hình ảnh đẹp không chỉ trong đời sống mà còn trong thơ ca. Đối với người Tày, chiếc địu là phong tục, là nét đẹp văn hóa đã được gìn giữ, phát huy.
Phụ nữ người Tày từ xa xưa đã gắn bó với nghề dệt vải. Các sản phẩm được làm ra vô cùng phong phú như chăn, màn, quần, áo, túi, địu... Dệt ra những sản phẩm đẹp mắt được coi là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm hạnh, sự khéo léo, cần mẫn của người phụ nữ. Trong những sản phẩm đó, chiếc địu là vật không thể thiếu đối với mỗi gia đình người Tày. Cùng việc thường xuyên phải lên rẫy làm nương, làm ruộng vất vả, với sự khéo léo của mình, những người phụ nữ Tày sáng tạo ra những chiếc địu và trở thành giải pháp giúp các mẹ vừa có thể trông con vừa yên tâm làm việc.
Chiếc địu của người Tày rất đẹp, gồm 2 phần là dây địu và thân địu. Thân địu được may bằng thổ cẩm đủ sắc màu rực rỡ của quê hương, núi rừng, hoa lá, chim muông... với nhiều màu sắc đen, đỏ, vàng, xanh… Các họa tiết trang trí, hoa văn trên thổ cẩm được các mẹ dệt tỉ mỉ, tinh tế bởi đây là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm của mẹ dành cho những đứa con của mình với mong muốn chiếc địu sẽ bảo vệ, nâng đỡ đứa trẻ khi chào đời. Địu truyền thống có hai dây là dây trên và dây dưới, được may bằng vải chàm màu xanh. Trẻ nằm trong địu như nằm trong thế giới thu nhỏ của mình, đây là nơi an toàn nhất, được tình yêu của người mẹ ôm ấp trong lòng.
Khi địu trẻ con, trước tiên người ta buộc dây dưới quanh bụng, thắt phía trước bụng rồi đặt đứa trẻ lên lưng, úp lưng vào người mẹ, hai chân để sang hai bên lưng. Khi trời se lạnh, để giữ ấm cho đứa trẻ, lúc địu các mẹ cho chăn phủ lên mình đứa trẻ và quấn chặt chân cho đứa trẻ luôn ấm. Dây trên địu sẽ vòng qua hai vai người địu, vắt chéo phía trước người, rồi vòng qua sau mông đứa trẻ và buộc lại. Đối với những đứa trẻ còn quá nhỏ, người mẹ sẽ để trẻ nằm chéo trong địu phía sau lưng. Ngoài ra, trong một vài trường hợp đứa trẻ sẽ được địu trước ngực.
Trước đây, phụ nữ Tày địu con sau lưng ở mọi lúc, mọi nơi, khi làm việc nhà, đi chợ, làm nương rẫy, trẩy hội... Ngay từ lúc mới sinh ra cho đến khi biết bò, biết đi, chạy nhảy hầu như đứa trẻ nào cũng được các bà, các mẹ, các chị địu sau lưng. Đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương, ấm áp của mọi người mang theo niềm hy vọng tương lai sau này con sẽ trở thành một người hiếu thảo, có ích cho cộng đồng, xã hội.
Chị Nông Thị Nguyệt, xóm Bằng Ca, xã Lý Quốc (Hạ Lang) cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên gắn liền với những câu hát ru à ơi của mẹ và những giấc ngủ ngon trong chiếc địu yên bình theo bà, theo mẹ lên nương làm rẫy, đi chợ, làm việc nhà... Đến nay, con tôi, cháu tôi vẫn được nằm trong chiếc địu truyền thống với tình yêu thương của gia đình từng ngày lớn lên. Chiếc địu trở thành vật gần gũi, thân thiết gắn với đời sống sinh hoạt của người Tày.
Ngoài ra, trong dịp đầy tháng của cháu, cùng với gà, gạo nếp, quần áo... thì chiếc địu còn là món quà của bà ngoại tặng cháu của mình. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, người bà cũng có thể tặng địu hoặc một tấm vải thổ cẩm đẹp để con gái tự cắt may. Món quà được bà ngoại tỉ mỉ lựa chọn từ tấm vải, những họa tiết thổ cẩm... thể hiện niềm vui như tình cảm đong đầy của bà ngoại dành cho cháu của mình khi mới chào đời.
Ngày nay, đã xuất hiện nhiều loại địu được cải tiến với nhiều mẫu mã bắt mắt, tiện lợi. Tuy nhiên, đối với người Tày, những chiếc địu truyền thống vẫn được gìn giữ, việc may địu, tặng địu cho đứa trẻ trở thành nét đẹp bao đời nay.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/chiec-diu-cua-nguoi-tay-3171654.html