Chi tiết ba phân kỳ đầu tư đường sắt đô thị Hà Nội

Hướng tới mục tiêu đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) vào năm 2045, Hà Nội đã đề xuất '1 kế hoạch, 3 phân kỳ' với tổng nguồn vốn lên đến 55,4 tỷ đô la.

Hơn 600km đường ray, 4.165 toa xe

Sau thành công của tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội đã đặt mục tiêu rất lớn, hoàn thành xây dựng hệ thống ĐSĐT gồm 15 tuyến với hơn 600km vào năm 2045.

Trưởng ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Nguyễn Cao Minh chia sẻ, nhằm đảm bảo mục tiêu nêu trên, kịch bản đầu tư hệ thống ĐSĐT Hà Nội được nghiên cứu trên cơ sở 5 nguyên tắc.

Đó là: xây dựng kịch bản đầu tư bao gồm cả các tuyến dự kiến điều chỉnh, bổ sung; đảm bảo mục tiêu đặt ra theo lộ trình phù hợp với khả năng bố trí nguồn vốn của TP, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư; tập trung nguồn lực ưu tiên các tuyến tại khu vực đô thị trung tâm, đặc biệt là những tuyến đã có nghiên cứu, chuẩn bị chi tiết.

Ưu tiên một số tuyến ĐSĐT kết nối các đầu mối giao thông như: sân bay, ga đường sắt quốc gia đầu mối, các khu đô thị tập trung dân cư.... Đầu tư hệ thống ĐSĐT gắn liền với quá trình tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tính kế thừa và hiệu quả đầu tư. Dựa trên 5 nguyên tắc đó, Ban Quản lý ĐSĐT đã đề xuất một kế hoạch với ba phân kỳ đầu tư rõ nét.

Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2030 dự kiến hoàn thành thi công xây dựng 96,8km ĐSĐT gồm các tuyến: số 2, số 3.1, số 5. Chuẩn bị đầu tư 301km gồm các tuyến: số 1, số 2A kéo dài đến Xuân Mai, số 4, số 6, số 7, số 8, tuyến vệ tinh: Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai.

Đoạn trên cao tuyến ĐSĐT số 3 chuẩn bị đưa vào khai thác thương mại trong năm nay.

Đoạn trên cao tuyến ĐSĐT số 3 chuẩn bị đưa vào khai thác thương mại trong năm nay.

Trong phân kỳ này sơ bộ diện tích sử dụng đất vào khoảng 196ha; tổng mức đầu tư dự kiến: khoảng 16,208 tỷ USD; đưa vào vận hành khoảng 680 toa xe. Phấn đấu đến năm 2030, ĐSĐT đảm nhận 7 - 8% lượng hành khách công cộng và có thể vận chuyển được 2,2 - 2,6 triệu chuyến đi/ngày đêm.

Giai đoạn 2 từ 2030 - 2035 đặt mục tiêu hoàn thành đầu tư xây dựng 301km; tổng mức đầu tư dự kiến: khoảng 20,966 tỷ USD, sơ bộ diện tích sử dụng đất khoảng 796ha; đưa vào vận hành khoảng 2.110 toa xe. Phấn đấu đến sau năm 2035, ĐSĐT đảm nhận từ 35 - 40% lượng hành khách công cộng, và có thể vận chuyển được 9,7 triệu - 11,8 triệu chuyến đi/ngày đêm.

Giai đoạn 3 từ năm 2035 - 2045 đặt mục tiêu hoàn thành đầu tư xây dựng 196,2km; tổng mức đầu tư dự kiến: khoảng 18,268 tỷ USD, sơ bộ diện tích sử dụng đất khoảng 47ha; đưa vào vận hành khoảng 1.375 toa xe.

Dự kiến đến năm 2045 Hà Nội sẽ có 15 tuyến ĐSĐT gồm:

Tuyến số 1: Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh

Tuyến số 1A: Ngọc Hồi - Sân bay thứ 2 phía Nam

Tuyến số 2: Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi

Tuyến số 2A: Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai

Tuyến số 3: Trôi - Nhổn - Yên Sở

Tuyến số 4: Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà

Tuyến số 5: Văn Cao - Hòa Lạc

Tuyến số 6: Nội Bài - Ngọc Hồi

Tuyến số 7: Mê Linh - Hà Đông

Tuyến số 8: Sơn Đồng - Mai Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá

Tuyến số 9: Mê Linh - Cổ Loa - Dương Xá

Tuyến số 10: Cát Linh - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa

Tuyến số 11: Vành đai 2 - Trục phía Nam - Sân bay thứ 2 phía Nam

Tuyến số 12: Xuân Mai - Phú Xuyên

Tuyến vệ tinh: Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai.

Như vậy Hà Nội đã đặt một mục tiêu rất lớn, táo bạo và đầy quyết tâm đến năm 2045 sẽ hoàn thành xây dựng hơn 600km đường ray, đưa vào vận hành 15 tuyến ĐSĐT với 4.165 toa xe.

Huy động vốn từ đâu?

Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, căn cứ trên tình hình và đòi hỏi thực tế trong bối cảnh mới, hệ thống ĐSĐT Hà Nội cần được bổ sung mở rộng hơn nữa so với Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Theo quy hoạch cũ, TP sẽ có 10 tuyến ĐSĐT. Nhưng hiện tại chúng tôi đã để xuất xây dựng 15 tuyến, cùng với đó là tái thiết đô thị theo mô hình TOD - lấy ĐSĐT làm hạt nhân trung tâm” - Trưởng ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Nguyễn Cao Minh chia sẻ.

Sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư cho toàn hệ thống 15 tuyến ĐSĐT vào khoảng 55,442 tỷ USD. Để đáp ứng nguồn vốn khổng lồ đó, đồng thời đảm bảo tiến độ đầu tư, kết cấu hạ tầng đường sắt nói chung, ĐSĐT, Kết luận số 49 - KL/TW đã xác định quan điểm: “Huy động tối đa các nguồn lực, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong đó, xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, lâu dài; ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, tạo đột phá”; và “ưu tiên bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hằng năm, khai thác hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất, nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển giao thông vận tải đường sắt...”.

Hà Nội cũng sẽ rà soát các nguồn vốn đầu tư công bao gồm: ngân sách, vay trái phiếu, vay ODA và các nguồn vốn huy động khác theo quy định hiện hành. Trong đó một số quy định TP đang đề xuất áp dụng theo quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Quy hoạch Thủ đô đang trình Chính phủ phê duyệt.

Hà Nội đã đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng hệ thống ĐSĐT gồm 15 tuyến với hơn 600km vào năm 2045.

Hà Nội đã đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng hệ thống ĐSĐT gồm 15 tuyến với hơn 600km vào năm 2045.

Theo tính toán ban đầu, đến năm 2030 Hà Nội sẽ cân đối được khoảng 11,570/16,208 tỷ đô la. Đến năm 2035 cân đối được khoảng 16,990/20,966 tỷ USD, trong khi nhu cầu là 20,966 tỷ đô la. Đến năm 2040 cân đối được khoảng 29,210/18,268 tỷ đô la.

Như vậy, sau khi cân đối các nguồn vốn, TP cần T.Ư hỗ trợ 8,614 tỷ USD đến năm 2035.

Sau 2035 TP sẽ chủ động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến ĐSĐT bổ sung, không phải vay ODA. Trong quá trình triển khai tiếp theo, sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất cụ thể phương án hỗ trợ của T.Ư cho TP để đầu tư hệ thống ĐSĐT. Hà Nội cũng kỳ vọng, sau năm 2030 có thể thu 6 tỷ đô la từ phát triển mô hình TOD.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mọi tính toán sơ bộ đều có thể thay đổi khi đi vào thực tế. Tuy nhiên, Hà Nội đã có một bài tính rất cụ thể để huy động vốn cho kế hoạch xây dựng hệ thống ĐSĐT. Điều đó cho thấy TP đã đặt quyết tâm, toàn diện tập trung để từng bước hoàn thành kế hoạch đầy tham vọng này.

Ngọc Hải

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chi-tiet-ba-phan-ky-dau-tu-duong-sat-do-thi-ha-noi.html