Chế độ ăn không chứa tinh bột kéo dài sẽ có nguy hại gì?
Theo các chuyên gia, chế độ ăn không tinh bột kéo dài sẽ gây ra cho người dân nhiều hệ lụy về sức khỏe.
Tinh bột (carbs) là chất dinh dưỡng cơ bản mà cơ thể mỗi người chuyển hóa thành glucose hoặc đường trong máu để tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động.
TS.Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho hay, cắt giảm toàn bộ tinh bột ra khỏi chế độ ăn cơ thể sẽ phải đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe.
Đầu tiên, cắt tinh bột sẽ làm giảm hiệu suất, thể chất và tinh thần. Theo đó, nguồn nhiên liệu ưa thích của cơ thể cung cấp hầu hết các hoạt động hàng ngày là carbohydrate. Não và các tế bào hồng cầu hầu như chỉ dựa vào carbohydrate để làm nhiên liệu.
Cắt giảm tinh bột khỏi chế độ ăn có thể gây tình trạng mệt mỏi, đau đầu... làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, chế độ ăn không tinh bột sẽ khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng. Việc cắt giảm này cũng đồng nghĩa với việc cơ thể phải loại bỏ khỏi chế độ ăn một số thực phẩm lành mạnh làm hạn chế lượng vitamin, khoáng chất, chất xơ quan trọng đối với sức khỏe.
Ngoài ra, khi cắt giảm toàn bộ tinh bột có thể bị cúm Keto. Việc cắt giảm tinh bột nhất là trong chế độ Ketosis có thể khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi, chóng mặt và đau đầu, khiến cảm thấy giống các triệu chứng của cúm.
Khi cắt hoàn toàn tinh bộ cơ thể cũng đối diện tình trạng sương mù não. Khi ấy mỗi người sẽ cảm thấy hay quên, thiếu tập trung khi lúc này cơ thể đang cố gắng duy trì mức đường huyết bình thường.
Một hệ lụy khác khi cắt giảm toàn bộ tinh bột là cơ thể bị giảm lượng đường huyết. Chế độ ăn kiêng siêu ít carb sẽ làm giảm lượng đường trong máu. Mặc dù điều này có thể hữu ích nếu đó là người bệnh tiểu đường. Nhưng trong quá trình Ketosis có thể dẫn đến hạ đường huyết. Các dấu hiệu hạ đường huyết bao gồm run, chóng mặt, đói, yếu ớt.
Đặc biệt, một hiểu lầm của nhiều người là giảm tinh bột sẽ giảm cân nhanh nhưng sự thật là việc giảm ở đây chủ yếu là giảm lượng nước của cơ thể.
Nghiêm trọng hơn, việc cắt giảm toàn bộ tinh bột có thể làm trầm trọng các vấn đề bệnh thận. Cụ thể, quá trình Ketosis có thể làm tăng nồng độ axit uric, dẫn đến sỏi thận hoặc bệnh gút.
Một tác hại nghiêm trọng khác của chế độ ăn hạn chế tinh bột đối với sức khỏe là dẫn đến tình trạng thiếu hụt tinh bột. Theo đó, thay vì chuyển hóa đường như bình thường, cơ thể sẽ lựa chọn chuyển hóa ketone- các thể được sản xuất ra bởi chất béo.
Điều này có thể gây ra nhiễm ketone máu, khiến bệnh nhân bị hôn mê, thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, những biến chứng này chỉ xảy ra nếu cơ thể bị thiếu hụt tinh bột ở mức độ nghiêm trọng.
Vậy nên thay vì chuyển sang chế độ ăn kiêng rất ít carb để giảm cân, hãy bắt đầu bằng cách cắt giảm lượng carb đã qua chế biến, giảm khẩu phần và tăng lượng rau không chứa tinh bột. Đồng thời kết hợp với các bài tập thể thao phù hợp để giảm cân, khi ấy cân nặng sẽ giảm đáng kể.
Cũng liên quan đến việc tiêu thụ tinh bột, với bệnh nhân tiểu đường, nhiều người nói rằng họ không dùng tinh bột nhưng lượng đường huyết vẫn cao. Vì sao lại như vậy?
Về vấn đề này, TS.Từ Ngữ, Phó Tổng thư ký Hội Dinh Dưỡng Việt Nam cho hay, bình thường chúng ta phải ăn đủ 4 nhóm dưỡng chất: tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Trước kia, mọi người ăn cơm nhiều nhưng không bị đái tháo đường. Hiện nay, cuộc sống hiện đại mọi người ít ăn cơm nhiều tăng cường ăn thịt, trứng, cá, uống sữa nhưng đái tháo đường lại tăng.
Nguyên nhân là do quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Nếu không ăn tinh bột mà đường huyết cao là do bị rối loạn chuyển hóa, cơ thể tự chuyển hóa sang đường.
Đối với trường hợp không ăn tinh bột mà đường huyết đói cao thì nguy cơ đái tháo đường là rất cao. Do vậy, trường hợp này cần phải ăn uống như chế độ của bệnh nhân đái tháo đường.
Theo các chuyên gia nội tiết, đái tháo đường được kiểm soát tốt là khi bạn đạt được kiểm soát đường huyết cùng với việc được tầm soát và phát hiện sớm các tổn thương cơ quan nhằm ngăn chặn và điều trị kịp thời.
Các nghiên cứu về di truyền bệnh đái tháo đường trong gia đình cho thấy trong gia đình, các con cái có khả năng bị di truyền bệnh tiểu đường từ cha mẹ là rất cao, có thể lên tới 75% nếu cả cha và mẹ cùng mắc bệnh này. Nếu trong gia đình chỉ có bố hoặc mẹ mắc bệnh thì xác suất con bị bệnh đái tháo đường là 15 - 20%.
Tiến sĩ Từ Ngữ khuyến cáo, đái tháo đường có thể gây ra các biến chứng về tim mạch (cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim); thận (đạm trong nước tiểu, suy thận); Mắt (đục thủy tinh thể, mù mắt); thần kinh (dị cảm, tê tay chân); nhiễm trùng (da, đường tiểu, lao phổi, bàn chân) thì bệnh mạch máu ngoại vi trong đó hay gặp nhất là bệnh mạch máu chi dưới gây hoại tử và phải cắt cụt chi.
Theo khuyến nghị từ Hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ ADA người trên 45 tuổi và không có những yếu tố nguy cơ của đái tháo đường cần thực hiện xét nghiệm đường huyết trước ăn khoảng 2 - 3 năm 1 lần.
Đối với các trường hợp có yếu tố nguy cơ sau cần phải xét nghiệm đường huyết khi đói 1 năm/lần để phát hiện sớm bệnh: Người có các thành viên trong gia đình mắc phải bệnh lý đái tháo đường type2;
Thai phụ mang thai đang mắc phải đái tháo đường thai kỳ hoặc sinh trẻ có cân nặng lớn hơn 4.000g; người mắc tăng huyết áp; người bị hội chứng buồng trứng đa nang; người có tiền sử mắc phải bệnh lý tim mạch.
Người bệnh mắc phải hội chứng đề kháng insulin hoặc những bệnh lý khác liên quan đến vấn đề kháng insulin cũng cần phải lưu ý xét nghiệm định kỳ.
Đái tháo đường là căn bệnh có diễn biến âm thầm, nhưng hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, kinh tế và làm giảm chất lượng cuộc sống. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường hoặc có các yếu tố nguy cơ có liên quan, cần tiến hành thăm khám tại các cơ sở khám chữa bệnh có uy tín.