Châu Âu 'tắt đèn, bớt tắm'
Các nước châu Âu tìm mọi biện pháp tiết kiệm năng lượng, từ tắt bớt đèn, giảm nhiệt độ bể bơi đến khuyến khích rút ngắn thời gian tắm trước nguy cơ đối mặt khủng hoảng năng lượng.
Đèn chiếu sáng tại nhiều đài tưởng niệm ở Berlin sắp tắt. Các quan chức Hà Lan khuyến cáo người dân rút gọn thời gian tắm. Thủ tướng Tây Ban Nha đề xuất bỏ cà vạt để ứng phó với cái nóng mùa hè. Giới hạn về nhiệt độ điều hòa không khí ở Tây Ban Nha có hiệu lực trong tuần này.
Chính quyền các quốc gia trên khắp châu Âu đang nỗ lực tiết kiệm năng lượng khi Nga giảm lượng khí đốt chuyển đến lục địa này nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây. Các hạn chế có tác động sâu rộng đến cuộc sống hàng ngày trên khắp lục địa, với một số hồ bơi công cộng hạ nhiệt độ, trung tâm các thành phố không còn bật điện qua đêm và các đài phun nước trơ đáy.
Các chính sách cho đến nay mới chỉ tập trung vào không gian công cộng nhằm tiết kiệm năng lượng và đảm bảo nguồn dự trữ, cũng như để gửi thông điệp tới người dân.
Những chính sách này có thể sẽ thắt chặt hơn nữa trong những tháng tới, khi các quốc gia phụ thuộc vào khí đốt từ Nga chuẩn bị cho mùa đông ở phía trước và nguy cơ Nga ngừng cung cấp hoàn toàn nguồn cung, theo Wall Street Journal.
"Mỗi kilowatt tiết kiệm trong mùa hè sẽ dành cho mùa đông"
27 chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu đã đồng thuận bước đi chiến lược mới. Khối đồng ý kế hoạch hạn chế mức tiêu thụ khí đốt 15% trong vòng 8 tháng, đồng thời đặt ra các ưu tiên để xác định lĩnh vực công nghiệp nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
“Mỗi kilowatt giờ mà chúng ta tiết kiệm được ngay bây giờ sẽ dành cho mùa đông”, Belit Onay - Thị trưởng Hanover, Đức - cho biết. Thành phố này đang cố gắng cắt giảm 15% mức sử dụng năng lượng thông qua kế hoạch công bố vào cuối tháng 7.
Thành phố miền Bắc nước Đức giảm nhiệt độ ở các hồ bơi công cộng và phòng tập thể dục, bên cạnh kế hoạch giảm hệ thống sưởi cho các tòa nhà trong thành phố khi thời tiết lạnh hơn. Ông Onay hy vọng các biện pháp này của chính quyền thành phố sẽ làm gương cho hơn 500.000 cư dân.
Ông Onay cảnh báo sự ủng hộ của công chúng đối với những quy định tiết kiệm năng lượng có thể suy giảm theo thời gian nếu như xung đột Ukraine và gián đoạn năng lượng kéo dài tới tận năm sau.
Tại Berlin, các quan chức cho biết họ sẽ tắt khoảng 1.400 đèn xung quanh không gian công cộng và địa danh, như Cột Chiến thắng, Cung điện Charlottenburg và Bảo tàng Do Thái. Potsdam gần đó hạ nhiệt độ nước trong các hồ bơi công cộng và phòng tắm hơi.
Munich tắt nước nóng tại các văn phòng thành phố và hầu hết đài phun nước trong thành phố đều trơ đáy vào ban đêm. Khoảng một nửa số đèn giao thông của thành phố bị tắt trong thời gian thấp điểm. Phát ngôn viên của Munich cho biết các lều tại Lễ hội Oktoberfest năm nay sẽ không sưởi ấm vườn bia bằng gas trong năm nay.
Đầu hè, bộ trưởng Kinh tế Đức nói rằng ông đã rút ngắn thời gian tắm để tiết kiệm năng lượng.
“Khi mùa đông đến gần, các hộ gia đình - dùng hơn 1/3 lượng khí đốt của Đức - sẽ phải thay đổi lối sống hoặc chấp nhận mức giá cao hơn”, tiến sĩ Veronika Grimm - thành viên Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức - cho biết. “Đây quả là một thử thách thật sự”.
Khuyến khích tắm dưới 5 phút
Chính phủ trên khắp châu Âu cũng có sáng kiến của riêng họ. Các quan chức Hà Lan trong những tháng gần đây khuyến khích người dân tắm dưới 5 phút như một phần của chiến dịch tiết kiệm năng lượng. Italy giới hạn nhiệt độ điều hòa không khí trong các tòa nhà công cộng không được thấp hơn 25 độ C, còn nhiệt độ sưởi khoảng 21,1 độ C.
Tuần này, Tây Ban Nha thực hiện theo nghị định của chính phủ, trong đó hạn chế nhiệt độ điều hòa trong không gian công cộng và thương mại, khi điều hòa không để thấp hơn mức 27,2 độ C, còn sưởi để tối đa 19 độ C đến năm 2023. Nước này yêu cầu lắp đặt cửa tự động để đảm bảo không khí không lọt ra ngoài. Chính phủ ước tính những thay đổi có thể làm giảm 5% nhu cầu năng lượng trong ngắn hạn.
Người đứng đầu khu vực Madrid cho biết cộng đồng của bà sẽ không tuân thủ những quy tắc này bởi các hạn chế sẽ gây mất an ninh và làm tổn hại đến lĩnh vực du lịch.
Pere Alemany, thành viên ban điều hành Phòng Thương mại Barcelona, cho biết trong khi các biện pháp này là điều tích cực, Tây Ban Nha cần thời gian để thực thi chúng. Ông cũng nhận định việc chính phủ trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ tuân thủ các quy định sẽ là điều rất hữu ích.
Tuy nhiên, theo Georg Zachmann - thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels, để bù đắp lượng khí đốt của Nga, các nước cần tăng sản xuất năng lượng, trong khi các ngành công nghiệp và hộ gia đình phải cắt giảm tiêu thụ.
Ông cho rằng các quy định hạn chế nhiệt độ điều hòa không khí và hệ thống sưởi có thể sẽ hữu ích. Những biện pháp khác, như giảm ánh sáng đèn, chỉ tiết kiệm được phần rất nhỏ, nhưng lại là tín hiệu cho người dân thấy đây là vấn đề nghiêm trọng và đã đến lúc họ cũng phải hành động, ông Zachmann nói.
Tại Berlin, nhiều đèn chiếu sáng khắp trung tâm thành phố đã tắt. Anna Soler - 31 tuổi, sinh viên từ Barcelona - cho biết cô rất vui khi nhà thờ lớn nhất Berlin tắt gần như mọi đèn chiếu sáng.
"Thật tuyệt khi mọi người nhận thức được lượng điện mà chúng ta đã lãng phí và tiêu thụ", cô nói.
Cô Soler và một nhóm người đi dạo về phía công viên cạnh nhà thờ Berlin vào hôm 8/8 khi nhạc sĩ Vincent Sala, 42 tuổi, chơi các bài hát của nhóm nhạc The Beatles. Ông Sala cho biết bóng tối không khiến ông phiền lòng, mà ông lo ngại về những khoản cắt giảm bổ sung khác.
Ông Sala hy vọng chính phủ sẽ cung cấp viện trợ khi giá cả có thể tăng vọt trong những tháng tới. Ông nói nếu không có hỗ trợ, các hóa đơn tăng cao sẽ thúc đẩy chi phí sinh hoạt và gây áp lực lên cấu trúc xã hội của Berlin.
“Đó là lý do mọi người yêu thích Berlin", ông nói, đề cập tới chi phí hợp lý và văn hóa của thành phố. "Nếu những thứ này biến mất, thì hệ quả sẽ rõ ràng ngay".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chau-au-tat-den-bot-tam-post1344637.html