Châu Âu: Khủng hoảng thúc đẩy chuyển đổi năng lượng

Theo kết quả của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (HSS), cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu có thể giáng một đòn ngắn hạn vào quá trình chuyển đổi năng lượng của châu Âu khởi nhiên liệu hóa thạch, hưng sự gián đoạn hiện tại và trọng tâm mới của châu Âu nhằm đảm bảo an ninh năng lượng có thể thực sự đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của châu lục trong dài hạn.

Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu - bắt nguồn từ cả sự gián đoạn trên thị trường năng lượng do cuộc chiến tranh ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga - đã làm đảo lộn nhiều giả định được sử dụng trong các dự báo về quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của khu vực.

Trước cuộc khủng hoảng, châu Âu đã lên kế hoạch tăng giá carbon và đưa ra cơ chế điều chỉnh biên giới đối với carbon nhằm khuyến khích các công ty sử dụng năng lượng sạch. Khí đốt tự nhiên được kỳ vọng sẽ thay thế than đá trong nhiều hoạt động và mặc dù tổng mức tiêu thụ khí đốt được dự báo sẽ giảm khoảng 5% vào cuối năm 2030, giả định là nhập khẩu khí đốt từ Nga qua đường ống sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong mức tiêu thụ này. Do cuộc khủng hoảng Ukraine nên lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống của châu Âu giảm đáng kể và khu vực này nhập khẩu nhiều khí hóa lỏng (LNG) hơn. Hơn nữa, do giá khí đốt tăng, quá trình chuyển đổi khỏi than đá đã chậm lại và việc thúc đẩy định giá carbon cao hơn đã mất đi động lực.

Tuy nhiên, châu Âu vẫn đang tiến nhanh hơn sang sử dụng năng lượng tái tạo, bất chấp việc chính phủ các nước thắt chặt ngân sách và chi phí ngày càng tăng của một số công nghệ xanh. Khi xem xét trên từng lĩnh vực, có vẻ như tác động tổng thể của cuộc khủng hoảng trên thực tế có thể là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.

Chi phí nhiên liệu hóa thạch cao hơn đã khiến năng lượng sạch trở nên cạnh tranh hơn.

Chi phí nhiên liệu hóa thạch cao hơn đã khiến năng lượng sạch trở nên cạnh tranh hơn.

Khí đốt tự nhiên

Cuộc khủng hoảng năng lượng đã thúc đẩy một loạt khoản đầu tư nhằm mở rộng khả năng nhập khẩu LNG của lục địa này để thay thế khí đốt của Nga. Những khoản đầu tư như vậy sẽ khiến châu Âu có thể dễ dàng có mức tiêu thụ LNG cao hơn và đi chệch hướng khỏi mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0, bất chấp vai trò của khí đốt để thay thế than có mức độ ô nhiễm cao.

Hầu hết các khoản đầu tư mới được công bố của châu Âu là vào các cơ sở lưu trữ và LNG nổi (FSRU), giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt khí đốt trong dài hạn. Từ năm 2022 đến 2025, tỷ lệ công suất nhập khẩu LNG của châu Âu sử dụng FSRU sẽ tăng từ 5% lên 30%.

Khí hydro

Trong nỗ lực lớn hơn nữa đến khiến các khoản đầu tư LNG mới tương thích với các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của châu Âu, Ủy ban châu Âu, Chính phủ Đức và các quốc gia khác đã kêu gọi điều chỉnh cơ sở hạ tầng LNG mới để “sẵn sàng cho việc chuyển sang sử dụng hydro”. Hydro sạch dự kiến sẽ trở thành nguồn năng lượng quan trọng trong tương lai, đặc biệt là cho ngành công nghiệp, thay cho than và khí đốt. Ngoài ra, nó còn là động lực để châu Âu theo đuổi mục tiêu “hydro xanh lá” - sản xuất từ năng lượng tái tạo, thay vì “hydro xanh lam” - sản xuất từ khí tự nhiên.

Than đá

Tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên đã dẫn đến sự hồi sinh của than đá ở châu Âu, gây thiệt hại cho các mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Các chính phủ ở Áo, Đức, Hà Lan, Anh và một số nước đã tạm dừng việc ngưng hoạt động các nhà máy nhiệt điện than, để tiếp tục vận hành chúng toàn thời gian hoặc sử dụng như một nguồn năng lượng thay thế dự phòng cho khí đốt tự nhiên.

Tương tự, một số nhà máy điện dự định chuyển từ sử dụng than sang khí đốt đã hoãn kế hoạch chuyển đổi, chẳng hạn như nhà máy của Volkswagen ở Wolfsburg. Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp tạm thời và với việc EU cấm nhập khẩu than của Nga, chi phí sản xuất điện từ than ngày càng tăng đồng nghĩa với việc than đá sẽ biến mất khỏi cơ cấu năng lượng của châu Âu trong nay mai.

Điện hạt nhân

Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng có tác động tích cực trong ngắn hạn đối với ngành điện hạt nhân. Bỉ, Đức, Hungary đã kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân hiện có. Công hòa Czech, Ba Lan, Slovakia và Anh đều đã tìm cách tăng tốc đầu tư vào các nhà máy mới sẽ đi vào hoạt động những năm 2030 và cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy thảo luận về khả năng xây dựng các nhà máy hạt nhân mới ở các nước châu Âu khác, đặc biệt là những nước hiện đang sử dụng khí đốt để phát triển.

Năng lượng tái tạo

Đáng chú ý là cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến các chính phủ trên khắp châu Âu thúc đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo bằng cách xúc tiến quá trình phê duyệt đối với các dự án và cung cấp thêm vốn. Điều này sẽ làm giảm sự phụ thuộc của châu lục vào nhập khẩu năng lượng. Khi những thay đổi đã được thực hiện, một làn sóng lớn hơn các dự án năng lượng mặt trời và gió có thể sẽ xuất hiện.

Cuộc khủng hoảng hiện nay được cho là cũng tạo ra áp lực chi phí đáng kể cho việc triển khai năng lượng tái tạo. Các nhà sản xuất năng lượng mặt trời và gió phải đối mặt với chi phí sản xuất và vật liệu tăng cao. Chẳng hạn như giá thép và nhôm đã tăng rõ rệt khi các nhà cung cấp hư Arcelor Mittal cắt giảm sản xuất để giảm tiêu thụ năng lượng. Do đó, các nhà sản xuất turbin gió lớn như General Electric, Siemens Gamesa và Vestas phải đối mặt với lợi nhuận giảm và số lượng đơn đặt hàng của họ từ đầu năm 2022 đến nay thấp hơn so với năm 2021. Pháp có thể phải đối mặt với khả năng từ bỏ từ 6 đến 7 gigawatt năng lượng mặt trời mới và 5 đến 6 gigawatt điện gió mới do chi phí tăng cao, khiến chính phủ cho phép các nhà phát triển thu hồi chi phí bằng cách bán điện với giá cao hơn, cùng với các biện pháp khác.

Nhìn chung, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại của châu Âu đã nhấn mạnh những lợi thế của năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân trong việc giúp châu Âu độc lập hơn về năng lượng, đồng thời chi phí nhiên liệu hóa thạch cao hơn đã khiến năng lượng sạch trở nên cạnh tranh hơn.

Huy Thông (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/chau-au-khung-hoang-thuc-day-chuyen-doi-nang-luong-i680326/