Châu Âu khó 'cai' khí đốt Nga

Các nước châu Âu cần một mùa Đông với khí hậu ôn hòa hơn để tránh kịch bản giá khí đốt leo thang chóng mặt, trong bối cảnh nguồn cung từ Nga tiếp tục giảm.

Liên minh châu Âu (EU) gần đây xác nhận, họ đã lấp đầy hơn 90% kho dự trữ khí đốt chiến lược cho mùa Đông. Tuy nhiên, chừng đó chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu và các nước EU vẫn cần nhập khẩu khí đốt liên tục để phục vụ các hoạt động kinh tế cơ bản, bao gồm nhập khẩu từ Nga, RiaNovosti ngày 26/9 đưa tin.

Các nước châu Âu vẫn chi tiền mua khí đốt của Nga, bất chấp các tuyên bố về việc hạn chế sử dụng năng lượng do Moscow cung cấp. Ảnh: Brugel

Sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra tháng 2/2022, châu Âu công bố các gói giải pháp khổng lồ nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Số liệu chính thức của EU cho thấy, lưu lượng khí đốt tự nhiên mà EU nhập khẩu từ Nga đã giảm từ trung bình 5,1 triệu tấn hồi quý 2/2022 xuống còn 2,5 triệu tấn sau một năm, theo Euronews.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá, nguồn cung khí đốt do Moscow cung cấp chủ yếu bị hạn chế do các tuyến đường ống Nord Stream bị phá hoại chứ không phải các biện pháp trừng phạt. Trên thực tế, một số nước EU vẫn nhập khẩu khí đốt qua đường ống chạy trên lãnh thổ Ukraine; đồng thời tăng mua khí đốt Nga dưới dạng khí hóa lỏng (LNG) cung cấp qua đường biển.

Số liệu mà cơ quan thống kê EU Eurostat công bố cho thấy, nhập khẩu LNG của Nga vào EU tháng 7/2023 tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2021, với Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha là các khách hàng lớn. Nga hiện trở thành đối tác LNG thứ hai của EU, với 12,4% thị phần, thấp hơn con số 46,4% của Mỹ.

Trên RiaNovosti, ngày 26/9, đại diện thường trực của Nga tại EU Kirill Logvinov khẳng định, EU sẽ không thể từ bỏ hoàn toàn nguồn cung khí đốt của Nga, bao gồm LNG, trong tương lai gần. Nhà ngoại giao Nga cho hay, các hợp đồng LNG toàn cầu thường được cung cấp "theo hợp đồng dài hạn".

Trong diễn biến khác cho thấy EU khó "cai" năng lượng Nga, tờ Politico tiết lộ, tại cuộc họp tuần trước của EU về nền tảng mua chung khí đốt, nhiều nước thành viên đã tìm cách không loại hoàn toàn Nga khỏi danh sách đối tác cung cấp khí đốt tiềm năng, động thái được chuyên gia Aura Sabadus, nhà phân tích cấp cao của công ty nghiên cứu thị trường ICIS mô tả là "lời mời cho người Nga đến và bán khí đốt".

Tờ Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông John Roberts, chuyên gia an ninh năng lượng thuộc tổ chức Methinks có trụ sở ở Anh, cảnh báo thêm, bất chấp thực tế EU có nhiều bước đi đảm bảo an ninh năng lượng, giá khí đốt tại châu Âu vẫn có thể leo thang do điều kiện thời tiết lạnh giá bất thường.

Năm ngoái, EU tránh được kịch bản khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng vào mùa Đông nhờ thời tiết ấm áp, bên cạnh nỗ lực tiết kiệm và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Theo Anadolu, ở thời điểm kỷ lục tháng 8/2022, giá khí đốt quy đổi ra năng lượng ở châu Âu chạm ngưỡng 300 Euro/ megawatt giờ. Một năm sau, giá được ghi nhận ở mức khoảng 35 Euro và giảm xuống mức thấp chỉ 31 Euro trong tháng 9/2023.

Thái Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/chau-au-kho-cai-khi-dot-nga-i708379/