Châu Âu đối mặt với làn sóng khủng bố mới

Châu Âu, từ lâu đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố, lại đang đối diện với làn sóng khủng bố mới. Thời gian gần đây, các vụ tấn công đã trở nên tinh vi và khó lường hơn, khiến các quốc gia trong khu vực phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia và người dân.

Nguy hiểm thường trực

Chỉ trong ít ngày giữa tháng 8/2024, châu Âu rúng động vì 2 vụ khủng bố. Đầu tiên là sự việc 3 đêm (từ ngày 9 đến 11/8) thuộc tour diễn “Eras Tour” vòng quanh thế giới của ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift tại Vienna, Áo, bị hủy bỏ vì phát hiện âm mưu khủng bố. Bộ Nội vụ Áo đã thông báo với nhà tổ chức về “nguy cơ khủng bố” tại sân vận động Ernst Happel - nơi diễn ra các buổi biểu diễn của Taylor Swift, chỉ một ngày trước buổi diễn và toàn bộ tour diễn đã phải dừng lại khiến hàng trăm nghìn người hâm mộ hụt hẫng.

2 tuần sau, Cơ quan Tình báo Áo (DSN) thông báo bắt được Omar Haijawi-Pirchner, 19 tuổi, người Áo có gốc Bắc Macedonia. Tên này đã tuyên thệ trung thành với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và có ý định thực hiện một cuộc tấn công.

Lực lượng an ninh châu Âu đang tăng cường cảnh giác.

Lực lượng an ninh châu Âu đang tăng cường cảnh giác.

Nếu như vụ việc tại Áo được ngăn chặn kịp thời thì vụ tấn công hôm 23/8 tại Solingen, miền Tây nước Đức dẫn đến thảm họa bi thảm hơn nhiều. 3 người chết và 8 người bị thương trong vụ tấn công được thực hiện bởi một người gốc Syria nhập cư được xác nhận là thành viên của IS. Vụ tấn công tại Solingen diễn ra trong đêm hội kỷ niệm 650 năm thành lập thành phố với hàng ngàn người tụ tập. Một lần nữa, các sự kiện đông người trở thành mục tiêu tiếp cận của những kẻ khủng bố đơn lẻ.

Những vụ khủng bố liên tiếp vừa qua gợi lại ký ức kinh hoàng của người dân châu Âu về những vụ tấn công đã xảy ra tại các thành phố lớn vài năm trước. Điển hình như vụ tấn công bằng xe tải tại Berlin (năm 2016) làm chết 12 người và 50 người bị thương, vụ đánh bom tại Manchester Arena (2017) làm 22 người chết và 120 người bị thương. Điểm chung của những cuộc tấn công này đều nhắm vào những nơi đông người, gây ra thương vong lớn và lan truyền sự sợ hãi trong cộng đồng. Nhưng, đó chỉ là những vụ khủng bố lớn được nhiều người biết tới, thực tế, châu Âu đang phải đối diện với làn sóng khủng bố âm thầm và nguy hiểm hơn nhiều.

Những số liệu không biết nói dối. Tổ chức Global Terrorism Database cho biết số người thiệt mạng do các vụ tấn công khủng bố tại châu Âu trong 3 năm qua là 500 người, có hơn 1.000 người khác bị thương. Theo báo cáo của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol), từ năm 2020 đến 2023, số lượng các vụ tấn công khủng bố tại châu Âu đã tăng lên đáng kể, với hơn 50 vụ tấn công thành công hoặc bị ngăn chặn chỉ trong năm 2023.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Europol đã tiến hành 30 vụ bắt giữ liên quan đến các phần tử Hồi giáo cực đoan, còn số kỷ lục được tổ chức này ghi nhận. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải thừa nhận "các mối đe dọa khủng bố đối với châu Âu chưa bao giờ rõ ràng và cấp bách như lúc này”.

Hiểm họa gia tăng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng khủng bố tại châu Âu thời gian gần đây. Bối cảnh bất ổn từ đại dịch COVID-19, đến cuộc xung đột Ukraine cùng những khó khăn kinh tế của châu lục đã tạo ra kẽ hở trong đời sống xã hội để những kẻ khủng bố lợi dụng. Chủ nghĩa cực đoan là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự gia tăng khủng bố. Các nhóm khủng bố như IS và Al-Qaeda vẫn đang tích cực tuyển mộ và truyền bá tư tưởng cực đoan qua mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác. Những phần tử cực đoan bị ảnh hưởng bởi các hệ tư tưởng này dễ bị lôi kéo vào các hoạt động khủng bố.

Giáo sư Rik Coolsaet tại Đại học Ghent, nhận định: "Chủ nghĩa cực đoan ở châu Âu không chỉ đến từ bên ngoài mà còn phát triển từ bên trong xã hội chúng ta, nơi những cá nhân cảm thấy bị cô lập hoặc bất mãn dễ trở thành mục tiêu của các nhóm khủng bố".

Xung đột tại Trung Đông, Bắc Phi và Ukraine đã dẫn đến sự di cư ồ ạt vào châu Âu, tạo ra những thách thức lớn về an ninh. Các nhóm khủng bố đã lợi dụng tình hình này để thâm nhập châu Âu, trong khi một số phần tử khủng bố từ châu Âu tham gia các cuộc xung đột nước ngoài và trở về với kinh nghiệm chiến đấu và tư tưởng cực đoan. Tiến sĩ Magnus Ranstorp, chuyên gia tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển, cho rằng: "Xung đột quốc tế và cuộc khủng hoảng người tị nạn đã tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố xâm nhập châu Âu. Việc thiếu các biện pháp an ninh chặt chẽ tại biên giới khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn".

Sự phân hóa xã hội ngày càng tăng trong các quốc gia châu Âu, đặc biệt là trong các cộng đồng người di cư, đã góp phần vào sự cực đoan hóa. Bối cảnh kinh tế khó khăn khiến những người cảm thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội hoặc không có cơ hội kinh tế thường dễ trở thành mục tiêu của các nhóm khủng bố. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) thì “các yếu tố như nghèo đói, thất nghiệp và sự phân biệt đối xử trong xã hội là nguyên nhân gốc rễ của sự cực đoan hóa”.

Trong khi đó, sự phát triển của internet và các phương tiện truyền thông xã hội đã giúp các nhóm khủng bố dễ dàng truyền bá thông tin sai lệch và tư tưởng cực đoan đến một lượng lớn người. Các chiến dịch tuyên truyền này không chỉ chiêu mộ thành viên mới mà còn kích động các cuộc tấn công đơn lẻ từ những cá nhân tự cực đoan hóa.

Giáo sư Thomas Hegghammer, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu khủng bố (FFI) ở Na Uy, nhận định: "Khả năng tiếp cận và tác động của các chiến dịch tuyên truyền khủng bố trên mạng là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh châu Âu. Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng của những kẻ tấn công đơn lẻ bị ảnh hưởng bởi thông tin trên mạng”. Kể từ khi xung đột tại Gaza leo thang, IS và các chi nhánh gia tăng ảnh hưởng và hỗ trợ các đối tượng đơn độc, còn gọi là “sói cô đơn”, các nhóm nhỏ lên kế hoạch tấn công khủng bố trên internet và đây đang là loại hình khủng bố phổ biến nhất, cũng khó bị ngăn chặn nhất.

Người dân Solingen tưởng niệm nạn nhân của vụ khủng bố hôm 23/8.

Người dân Solingen tưởng niệm nạn nhân của vụ khủng bố hôm 23/8.

Ứng phó mạnh mẽ

Sau vụ khủng bố ở Solingen, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thừa nhận: "Chúng ta đang đối mặt với một thực tế là các nhóm khủng bố đang trở nên táo bạo hơn và sẵn sàng thực hiện các cuộc tấn công tàn bạo hơn” nhưng cũng tuyên bố mạnh mẽ “Chính phủ Đức sẽ không khoan nhượng đối với bất kỳ mối đe dọa nào với an ninh quốc gia và người dân Đức". Cùng các đối tác của mình, Đức đã triển khai một loạt biện pháp an ninh bổ sung như được tiến hành trong giai đoạn diễn ra giải vô địch bóng đá châu Âu 2024 vừa qua.

Các quốc gia châu Âu đã cùng vào cuộc, tăng cường lực lượng an ninh, triển khai các biện pháp phòng ngừa như giám sát các nhóm cực đoan, kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn và hợp tác tình báo giữa các quốc gia. Cơ quan An ninh Thụy Điển thông báo tiếp tục giữ nguyên cảnh báo nguy cơ khủng bố ở mức 4 trong thang cảnh báo 5 cấp thêm ít nhất 1 năm nữa nhằm gia tăng các biện pháp kiểm soát.

Để đảm bảo an ninh, EU đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối phản ứng của các quốc gia thành viên. Europol và các cơ quan liên quan đã tiến hành nhiều chiến dịch để triệt phá mạng lưới khủng bố và ngăn chặn các cuộc tấn công. Một trong những thách thức lớn nhất đối với châu Âu là sự phối hợp giữa các quốc gia thành viên trong việc chia sẻ thông tin và thực thi pháp luật. Theo báo cáo của European Commission, mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể, nhưng vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng trong việc phối hợp và trao đổi thông tin giữa các quốc gia. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cảnh báo rằng: "Châu Âu phải chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hạn chống lại khủng bố”.

Các nước châu Âu cũng đang triển khai nhiều chương trình nhằm ngăn chặn quá trình cực đoan hóa, đặc biệt là trong giới trẻ. Những chương trình này bao gồm việc giáo dục về sự đa dạng và hòa nhập, cũng như các dự án giúp cải thiện cơ hội việc làm và cuộc sống cho các cộng đồng thiểu số. Các chương trình tiêu biểu đã thu được không ít thành công đang được triển khai như EXIT của Thụy Điển, Channel của Anh, Aarhus của Đan Mạch hay RAN của EU.

Giới chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ của khủng bố, bao gồm nghèo đói, bất công và bất bình đẳng xã hội. Tương lai của an ninh châu Âu phụ thuộc nhiều vào khả năng thích ứng và đối phó với các mối đe dọa khủng bố mới. Như nhà phân tích khủng bố chính trị Magnus Ranstorp nhận định: "Châu Âu cần phải làm việc chăm chỉ hơn để hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của khủng bố, đồng thời duy trì sự cảnh giác cao độ trước mọi mối đe dọa. Khủng bố không chỉ là một vấn đề an ninh, mà còn là một thách thức đối với toàn bộ cấu trúc xã hội của chúng ta".

Tử Uyên

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/chau-au-doi-mat-voi-lan-song-khung-bo-moi-i743441/