Châu Á: Làn sóng COVID-19 mới lan rộng - Cảnh giác nhưng không hoảng loạn
Những số liệu mới đây cho thấy, số ca mắc mới Covid-19 tại một số quốc gia Châu Á có dấu hiệu gia tăng trở lại. Tuy nhiên, thay vì chủ quan hay hoảng loạn, giới chức y tế nhiều quốc gia đã đồng loạt triển khai các biện pháp ứng phó nhằm phòng ngừa khả năng bùng phát dịch trên diện rộng.
Trong những tuần gần đây, một làn sóng lo ngại mới về COVID-19 đang dấy lên tại Châu Á khi số ca mắc mới có dấu hiệu gia tăng tại nhiều quốc gia. Mặc dù chưa chạm đến mức báo động như các đợt dịch trước đây, nhưng giới chức y tế khu vực không chủ quan, đồng loạt triển khai các biện pháp ứng phó nhằm phòng ngừa khả năng bùng phát dịch trên diện rộng.

Xét nghiệm biến thể Xec của Covid (Nguồn: Quatidiano.net)
Tại Trung Quốc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh nước này ghi nhận tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 đến khám và cấp cứu đã tăng hơn 16% trong vòng 1 tháng.

Làn sóng Covid-19 mới ở Singapore (Nguồn: Punenow.com)
Tại Singapore, Bộ Y tế nước này thông báo, số ca COVID-19 trong tuần kết thúc ngày 3/5 tăng 28% lên 14.200 ca. Số ca nhập viện vì virus cũng tăng khoảng 30%
Trong khi đó, số ca mắc có xu hướng tăng rõ rệt ở Thái Lan, lên 33.000 ca chỉ trong 1 tuần qua. Trung tâm thông tin COVID-19 của Chính phủ Thái Lan cho biết, số ca mắc COVID-19 đã tăng vọt, với tổng cộng 71.067 ca nhiễm từ ngày 1/1 đến ngày 14/5/2025. Biến thể XEC được cho là đã thúc đẩy làn sóng lây nhiễm mới. Đây là chủng tái tổ hợp mới thuộc dòng Omicron, mang nhiều đột biến giúp virus lây lan nhanh và né tránh miễn dịch tốt hơn.
Mặc dù số ca nhiễm gia tăng, nhưng phần lớn các ca đều nhẹ và không dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan. Bởi sự tái bùng phát của COVID-19 trong mùa hè là điều đáng lo ngại, vì nó mâu thuẫn với giả định trước đây rằng virus này sẽ có xu hướng giống cúm mùa – suy giảm trong thời tiết ấm áp.
Trước tình hình đó, một số quốc gia Châu Á đang chọn hướng tiếp cận thận trọng: cảnh giác nhưng không hoảng loạn, kiểm soát dịch bệnh bằng tiêm chủng, giám sát và truyền thông phòng ngừa.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị các nước duy trì hệ thống giám sát SARS-CoV-2, tiếp tục tiêm vaccine cho nhóm nguy cơ cao, đồng thời sẵn sàng phương án phản ứng khi dịch quay trở lại.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc Covid-19 tại 27 tỉnh, thành; không có ca tử vong.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, khu vực cách ly, thiết bị y tế, vật tư y tế để tổ chức thu dung, cách ly, chẩn đoán, điều trị và thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.