Chăn nuôi mô hình gia trại, người dân huyện nghèo 'bỏ túi' cả trăm triệu đồng mỗi năm
Ngoài phát triển lâm nghiệp, những năm qua, nhiều hộ gia đình tại huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa) phát triển mô hình chăn nuôi gia trại thành công, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhờ được tuyên truyền và định hướng đúng đắn từ chính quyền, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã hình thành những mô hình hợp tác xã (HTX), đưa hiệu quả tăng lên nhiều lần.
Tận dụng lợi thế về diện tích đồi rừng, hồ thủy điện, những năm qua chính quyền huyện Quan Hóa đã tuyên truyền, vận động Nhân dân mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi và xem đây là thế mạnh và hướng đi phù hợp, giúp người dân từng bước thoát nghèo.
Tận dụng thế mạnh đồi rừng
Gia đình ông Len Văn Ơn, ở bản Lếp, xã Nam Tiến là một trong những hộ thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi lợn thịt. Giống như nhiều gia đình trong bản, trước đây, nhà ông Ơn chủ yếu chăn nuôi theo kiểu truyền thống, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp. Những năm gần đây, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương cùng Liên minh HTX tỉnh về các phương pháp tiến bộ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt là được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn do huyện, xã tổ chức, gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại để phát triển chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp.

Từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ dân tại huyện miền núi Quan Hóa phát triển mô hình chăn nuôi gia trại thành công.
Đến nay, trang trại của gia đình ông Ơn luôn duy trì nuôi từ 50 đến 70 con lợn/lứa. Mỗi năm, gia đình xuất bán 4 lứa lợn, trừ chi phí thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Với lợi thế có sông Mã chảy qua, đặc biệt từ khi Nhà máy Thủy điện Trung Sơn đi vào hoạt động, gia đình anh Đinh Công Chức ở thôn Tà Bán (xã Trung Sơn) đã tập trung phát triển nuôi cá lồng. Sau gần 5 năm chăm chỉ làm ăn, không ngừng ứng dụng công nghệ hiện đại, anh đã trở thành một trong những thành viên tiêu biểu của HTX nuôi trồng thủy sản cựu chiến binh Trung Sơn, làm giàu từ mô hình nuôi cá lồng. Năm 2023, anh Đinh Công Chức được Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa trao tặng khen thưởng là “Tấm gương học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”.
Anh Chức cho biết: “Từ khi được chính quyền tạo điều kiện và HTX hỗ trợ cách thức, kỹ thuật chăm sóc cá lồng, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư vốn, xây dựng 6 lồng nuôi cá ở vùng ngập lòng hồ thủy điện, trừ chi phí mỗi năm thu lãi khoảng 150 triệu đồng từ nghề nuôi cá lồng”.
Được biết, huyện Quan Hóa với địa hình đồi núi, sông suối là chủ yếu nên thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình chăn nuôi, từ chăn nuôi đại gia súc, gia cầm đến thủy sản. Bởi vậy, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Quan Hóa cùng Liên minh HTX tỉnh luôn chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu đàn vật vật nuôi; chuyển từ chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang phương thức gia trại và trang trại tập trung; từng bước phát triển các sản phẩm chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từ đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định nguồn thu nhập. Ngày càng có thêm nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hàng năm, số lượng các gia đình đăng ký chăn nuôi theo hình thức gia trại ngày càng tăng lên.
Sức mạnh "kết nối" từ HTX
Chia sẻ về các mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện tập trung tại khu vực cầu Ta Bán, anh Đinh Công Chức cho biết, tính đến nay đã có hơn 50 hộ dân trong xã phát triển nghề nuôi cá lồng, với hơn 102 lồng nuôi các loại cá trắm, chép, lăng đen, lăng hoa, dốc, ké...
Để người dân có vốn đầu tư, xã đã tín chấp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho các hộ dân vốn để đầu tư nuôi cá lồng. Cùng với đó, các hộ dân được tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, như: Ứng phó với biến đổi khí hậu; kỹ thuật đóng lồng nuôi bằng lưới quây thay cho cách đóng lồng bằng tre, luồng truyền thống; cách chăm sóc, thu hoạch cá...
Đến nay, sau khi HTX nuôi trồng thủy sản cựu chiến binh Trung Sơn được thành lập và đi vào hoạt động đã có 15 hộ tham gia. Hiện, HTX đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm chuỗi giá trị, với sản lượng 15 tấn/năm. Theo tính toán, bình quân 1 hộ nuôi cá lồng đạt thu nhập 65 triệu đồng/năm.

HTX nuôi trồng thủy sản cựu chiến binh Trung Sơn đã tạo sinh kế cho hàng chục hộ dân từ mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện.
Cũng giống như mô hình nuôi cá lồng, hiện trên địa bàn huyện đã hình thành 48 mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi có quy mô ở 14/15 xã, thị trấn, trong đó có hơn 20 mô hình nuôi lợn nái đen sinh sản, lợn lòi sinh sản và lấy thịt quy mô 500 con, với 40 hộ gia đình tham gia; 2 mô hình chăn nuôi dê sinh sản; 6 mô hình bò sinh sản, với quy mô hơn 100 con; 4 mô hình chăn nuôi gà ri và gà chọi,... Hầu hết các mô hình sản xuất chăn nuôi trên địa bàn huyện Quan Hóa đang phát triển tốt, bước đầu mang lại nguồn thu nhập cho người dân.
Chia sẻ về thành quả trong chăn nuôi lợn của gia đình, ông Ơn cho biết, ông dành rất nhiều thời gian để tìm tòi, học hỏi, tham khảo các mô hình chăn nuôi từ các trang trại trên địa bàn. Sau này được sự hỗ trợ của cán bộ trạm thú y và Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ, tập huấn, giúp ông có thêm nhiều kiến thức và thành công hơn.
Hằng năm, thông qua Liên minh HTX tỉnh, các hộ dân được hỗ trợ nhân rộng mô hình chăn nuôi hiệu quả cao, cung ứng con giống vật nuôi đặc sản bản địa như lợn mán, vịt suối... và bao tiêu sản phẩm. Cũng từ những mô hình này đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và quê hương.
Tiếp tục nhân rộng mô hình chuỗi giá trị
Đánh giá cao mô hình HTX chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại địa phương, đại diện chính quyền địa phương cho biết: Phát huy lợi thế về diện tích đồi rừng và đất lâm nghiệp và sông suối, thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình chăn nuôi, từ chăn nuôi đại gia súc, gia cầm đến thủy sản, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Quan Hóa luôn chú trọng tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi; chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang phương thức gia trại và trang trại tập trung; từng bước phát triển các sản phẩm chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từ đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định nguồn thu nhập. Đến nay, hầu hết các hộ gia đình đã quy hoạch chuồng trại chăn nuôi gia súc tập trung.
Tính đến giai đoạn này, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Quan Hóa đạt trên 196.000 con. Toàn huyện đã có 35 hộ gia trại chăn nuôi trâu, bò, lợn với quy mô từ 50 con trở lên, thực hiện chăn nuôi có kiểm soát, từng bước cải tạo giống cũ, đưa cây, con giống vào sản xuất để nâng giá trị. Phát triển nguồn lợi thủy sản được một số xã, thị trấn quan tâm thực hiện, ngoài duy trì trên 51 ha diện tích mặt nước ao, hồ hiện có, đã phát triển thêm 58 hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ các nhà máy thủy điện.
Với mục tiêu phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp, huyện Quan Hóa đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi ngày càng phát triển, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Đặc biệt, theo Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, các HTX trên địa bàn tỉnh đang được tiếp cận với nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước như đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới; chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; thành lập mới HTX, hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng...
Thông qua các dự án, Liên minh HTX tỉnh và đơn vị chủ trì mong muốn hỗ trợ tư liệu sản xuất, tạo sinh kế để các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện ổn định cuộc sống. Đồng thời, từng bước thay đổi thói quen, tập quán sản xuất nhỏ lẻ để tiếp cận với hình thức sản xuất hiện đại, phù hợp với xu hướng của thị trường.