Chấn chỉnh vi phạm của lái xe ôm công nghệ
Cùng với sự nhanh chóng và tiện lợi, giá cả niêm yết rõ, hiện dịch vụ xe ôm công nghệ ngày càng được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, do công tác quản lý còn nhiều bất cập, loại hình dịch vụ này đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự và tai nạn giao thông…
Nhiều lao động thuộc các thành phần như: Sinh viên, công nhân, những người đang chờ việc hoặc làm thêm ngoài giờ; đều dễ dàng đăng ký để làm lái xe công nghệ. Chỉ cần có một chiếc xe máy, giấy tờ tùy thân là người lái xe có thể tham gia mạng lưới xe ôm công nghệ của hàng loạt hãng xe như Grab, Gojek, Be… Số lượng ngày càng đông, bên cạnh những tiện lợi như việc tìm xe nhanh chóng, dễ dàng, giá tiền được niêm yết rõ... thì xe ôm công nghệ đang gây ra những mối lo ngại và bất an.
Qua thời gian dịch Covid-19, dịch vụ mua bán hàng hóa trực tuyến ngày càng thịnh hành, đã giúp cho loại hình xe công nghệ này phát triển hơn. Ngoài chở khách, các lái xe còn kiêm luôn người giao hàng. Giao được nhiều hàng cũng đồng nghĩa họ càng thu được nhiều cước phí, vì vậy lái xe lại càng phải đi nhanh, đi nhiều. Nhiều người đã bỏ qua các quy định về an toàn giao thông như vi phạm tốc độ, lái xe lạng lách, vượt đèn đỏ… Lo ngại nhất là các “bác tài” vừa lái xe, vừa phải xem bản đồ chỉ đường đi trên điện thoại cho nên thiếu tập trung, gây nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông.
Phản ánh về hiện tượng nhiều tài xế xe ôm công nghệ vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ, chị Hoàng Anh, quận Ba Đình (Hà Nội) là khách hàng sử dụng GrabBike để gọi xe, chia sẻ: Thời gian đầu, lái xe GrabBike đi lại khá nghiêm chỉnh, đón khách đúng giờ, thái độ thân thiện, chu đáo, lại chấp hành đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ khiến khách hàng rất hài lòng. Tuy vậy, gần đây, chất lượng dịch vụ có dấu hiệu đi xuống. Mặc dù khách gọi xe đến khá nhanh, song một số lái xe đi rất ẩu, không những vượt đèn đỏ, lao lên vỉa hè, đi ngược chiều để tiết kiệm thời gian và quãng đường, mà họ còn sẵn sàng chở người quá quy định.
Nguy hiểm hơn, nhiều lái xe vừa chở khách, vừa giao dịch với khách hàng khác qua điện thoại di động. Anh Hoàng Văn Trung, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội thường xuyên đi xe công nghệ cho biết: Nhiều lần ngồi sau xe thấy tài xế vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, tôi không khỏi giật mình khi suýt va chạm với xe khác. Cũng theo anh Trung, nhiều trường hợp tài xế xe công nghệ sau khi va chạm giao thông còn đánh cãi, chửi nhau, kéo bè kéo phái đến hăm dọa người khác.
Hàng trăm nghìn phương tiện xe ôm công nghệ hoạt động trên địa bàn Hà Nội còn kéo theo hàng loạt vấn đề nhức nhối: Tụ tập quá đông lái xe tại các điểm đón trả khách gây lộn xộn, ùn tắc, mất trật tự an ninh xã hội và an toàn giao thông. Tại cổng bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), không khó bắt gặp hình ảnh mỗi khi có chiếc xe khách nào dừng trả khách, hàng chục tài xế xe công nghệ và cả xe ôm truyền thống ào đến tranh giành khách. Còn tại cổng bến xe Giáp Bát, bất chấp biển cấm mọi phương tiện dừng đón, trả khách của lực lượng chức năng, bỏ qua ứng dụng, nhiều tài xế xe công nghệ níu kéo, mặc cả trực tiếp mỗi khi có khách bước ra từ trong bến.
Chuyên gia giao thông (Bộ Giao thông vận tải), Hoàng Lâm cho rằng, cần có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ của các tài xế xe công nghệ như: Doanh nghiệp xe cần quản lý nghiêm những tài xế cố tình vi phạm khi có phản hồi của khách hàng. Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát kiên quyết lập biên bản xử phạt những tài xế vi phạm. Doanh nghiệp xe ôm công nghệ cũng cần sự phối hợp lực lượng chức năng thu thập thông tin tài xế vi phạm để có những biện pháp mạnh như khóa tài khoản hoặc ngừng hợp tác. Ngoài ra, về phía lái xe, để thích ứng với xã hội hiện đại, mỗi người cũng cần tự nâng cao ý thức hành nghề cho mình, thay đổi thái độ và cải thiện chất lượng dịch vụ, giảm các ảnh hưởng bất lợi đến hành khách.
“Để bảo đảm an toàn, hành khách sử dụng dịch vụ xe ôm công nghệ cần thận trọng, có thái độ kiên quyết phản đối với những lái xe vi phạm luật. Cần nhanh chóng phản hồi đến hãng về chất lượng dịch vụ, đồng thời yêu cầu bên cung cấp dịch vụ chi trả tiền bảo hiểm, bồi thường trong trường hợp xảy ra tai nạn, lưu lại thông tin về hành trình, tên, tuổi lái xe để có bằng chứng trong trường hợp phát sinh tranh chấp, khiếu nại”.
(Luật sư NGUYỄN THỊ HÀ, Văn phòng Luật sư Hà Ánh)
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chan-chinh-vi-pham-cua-lai-xe-om-cong-nghe-post709322.html