'Chẩn' bệnh nan y của đại gia Việt
Hàng loạt đại gia bị khởi tố, bắt tạm giam thời gian gần đây khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng, không ít đại gia đang kiếm tiền theo kiểu bất chấp pháp luật?
Tôi đã thực sự sốc khi nghe tin ông Trần Quí Thanh và hai con gái là Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Tân Hiệp Phát bị khởi tố về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Từ nhiều năm nay, Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất tỉnh Bình Dương. Về nước giải khát, doanh thu của Tân Hiệp Phát đứng thứ 2 Việt Nam, chỉ sau Coca-Cola. Tân Hiệp Phát cũng là doanh nghiệp nước giải khát duy nhất ở Việt Nam của người Việt, còn tất cả doanh nghiệp khác đều đã bị nước ngoài thâu tóm.
Để Tân Hiệp Phát tồn tại được đến hôm nay, ông Trần Quí Thanh phải thật sự giỏi. Từ nhiều năm trước, một số hãng sản xuất nước giải khát nước ngoài đã nghĩ đủ chiêu trò để "đánh" ông. Đầu tiên, họ muốn mua lại Tân Hiệp Phát với giá 500 triệu USD, nhưng ông quyết tâm không bán và xây dựng một thương hiệu nước giải khát của người Việt.
Cho tới thời điểm này, theo thông tin từ cơ quan điều tra, việc khởi tố và bắt tạm giam cha con ông Thanh nằm trong diễn tiến giải quyết đơn của một số người ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Họ tố giác ông Thanh, bà Uyên Phương, bà Bích và một số cá nhân có hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", "Trốn thuế" và "Cưỡng đoạt tài sản". Những hành vi này liên quan các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh...
Mà đâu chỉ có cha con ông Thanh. Gần đây, một loạt đại gia là chủ của những công ty danh tiếng, tên tuổi lừng lẫy một thời cũng bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam. Từ đây, chúng ta mới thấy, hóa ra nhiều đại gia Việt đã mắc những căn bệnh nan y ngay từ khi mới khởi nghiệp. Vậy, những đại gia này mắc bệnh gì?
Trước hết phải khẳng định rằng, hầu hết các doanh nhân, đặc biệt là những người đi lên bằng bàn tay trắng, đều rất thông minh, quyết đoán, có những bước đi sáng tạo. Và, trên hết, họ có khát vọng cháy bỏng là phải làm giàu. Chính khát vọng này đã làm cho họ trở nên mạnh mẽ, giỏi chịu đựng, nhất là trong bối cảnh các quy định của pháp luật còn chồng chéo, bất cập, thậm chí gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Và, không thể không kể đến đó là một bộ phận cán bộ, công chức biến chất luôn nghĩ kế "hành" doanh nghiệp để trục lợi...
Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã rất thành công và đang có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà gần đây, Đảng, Chính phủ xác định "kinh tế tư nhân là động lực cho phát triển". Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đã làm được những việc mà doanh nghiệp nhà nước không làm nổi hoặc nếu có làm thì tiến độ chậm, giá thành đắt... Thấu hiểu được những khó khăn mà doanh nghiệp tư nhân gặp phải, Chính phủ đang tích cực tháo gỡ những rào cản...
Trở lại căn bệnh nan y của không ít đại gia Việt. Hầu hết các đại gia khi mới khởi nghiệp thì họ sống chuẩn mực và rất khiêm nhường. Nhưng, khi công ty phát triển mạnh, có tiền có của thì không hiếm đại gia bỗng chốc nhiễm căn bệnh khoe khoang, coi mình là "bố thiên hạ" và cứ nghĩ mình làm được tất cả mọi việc, điều khiển được tất cả mọi người, mua được tất cả quan chức. Họ cho rằng đồng tiền có thể sai khiến được tất cả.
Mặc dù còn đang vay nợ ngân hàng chồng chất, nhưng họ đã sắm xe sang, xây biệt phủ, sẵn sàng vung tay quá trán, "ngàn vàng mua lấy trận cười như không". Nhiều người mắc bệnh "đếm cua trong lỗ" và cứ nghĩ công ty của mình sẽ phát triển mãi mãi. Họ hoàn toàn không ý thức được rằng, khi họ đã đạt được một thành công nào đó - thì có nghĩa là họ leo lên một đỉnh núi. Khi lên đến đỉnh, họ chỉ thích ngẩng mặt lên nhìn trời cao lồng lộng, ánh nắng rực rỡ chan hòa, chứ không mấy khi nhìn xuống dưới chân mình, không thấy những vực thẳm, những cạm bẫy đang chờ họ và chỉ một bước sẩy chân là "lộn nhào" hết.
Một căn bệnh nữa, đó là nhiều đại gia rất tham và không biết lượng sức mình. Họ không biết chăm chút cho những sản phẩm chính, những sản phẩm cốt lõi; mà khi thắng được ở mảng dịch vụ này, họ lại nhanh chóng lấn sang mảng khác. Tôi cũng từng chứng kiến những cách tiêu tiền "như nhặt được" của nhiều đại gia, những phát ngôn "chém gió" phần phật, những thói háo danh và tính sĩ diện hão. Một đại gia mà tôi từng gặp và trò chuyện là Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC. Nếu nói Quyết là người thông minh, sắc sảo thì không có gì quá lời. Nhưng, sau khi có được thành công của một số dự án, Quyết trở nên "láu tôm láu cá" và đầu tư vào những dự án không lường được sức mình, dẫn đến nợ nần chồng chất, tiền vay ngân hàng "lãi mẹ đẻ lãi con". Thế là phải nghĩ kế để "thổi giá" chứng khoán, bán cổ phiếu chui, thậm chí Quyết còn dự định đầu tư xây dựng một phim trường cực lớn ở Vĩnh Phúc. Quyết không giấu giếm tham vọng là phim trường này có thể so sánh với Hoành Điếm của Trung Quốc. Một căn bệnh nữa mà nhiều đại gia Việt mắc phải, đó là họ thiếu những kiến thức cơ bản về kinh tế. Nói về điều này không thể không nhắc đến Tăng Minh Phụng.
Tăng Minh Phụng là người tốt bụng, sống với mọi người rất tử tế, nhân văn; nhưng khi làm kinh tế, có được một số thành công ban đầu, thế là tưởng mình làm cái gì cũng được. Vậy là Tăng Minh Phụng lao vào bất động sản, cuối cùng khi nợ nần không trả được, buộc phải đẻ thêm công ty, vẽ ra các dự án ma để vay tiền ngân hàng. Lấy tiền vay công ty con trả cho công ty mẹ - cuối cùng trở thành lừa đảo. Khi vào nhà giam, Tăng Minh Phụng mới có thời gian ngộ ra một điều, đó là "kinh doanh bất động sản mà vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn" thì đúng là tự sát, nhưng đã quá muộn. Hiện nay, không ít đại gia bất động sản đang nợ nần chồng chất chủ yếu do đi vay tiền ngắn hạn để đầu tư dài hạn.
Một vấn đề nữa không thể không nói tới, nhiều tập đoàn lớn có đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp chế giúp việc cho lãnh đạo nhưng chính đám này lại góp phần đưa các ông chủ vào tù; bởi không bao giờ họ dám nói thật mặc dù họ biết dự án đó không khả thi hoặc hợp đồng đó sai luật. Nhưng, để làm vui lòng ông chủ, họ sẵn sàng "vẽ" ra những điều tốt đẹp để ông chủ yên tâm, cứ thế nhắm mắt ký.
Không hiếm đại gia Việt không có tầm nhìn xa, chỉ biết nhìn cái trước mắt và thích làm ăn chộp giật. Cách làm ăn này có thể thắng được lúc đầu, nhưng "đi đêm lắm có ngày gặp ma", thế nào cũng đến lúc phải trả giá.
Gần đây, người ta hay nói đến chuyện doanh nhân làm hư hỏng cán bộ. Thật ra, xét cho đến cùng, có một bộ phận cán bộ biến chất làm hỏng doanh nhân. Họ sẵn sàng đứng ra bảo kê cho doanh nghiệp làm sai. Như trường hợp ông Lê Thanh Thản của Tập đoàn Mường Thanh là một ví dụ. Phải khẳng định, không ai có thể xây nhà ở xã hội rẻ như ông Thản. Nhưng rồi, nay thấy khách sạn này xây lố vài tầng, mai khách sạn kia xây lố vài tầng. Nhưng, có cho uống mật gấu ông Thản cũng không dám làm nếu như không có sự tiếp tay của những cán bộ có trách nhiệm.
Vì vậy, ngoài truy tố bị can Lê Thanh Thản về tội "Lừa dối khách hàng", VKSND TP Hà Nội còn truy tố các bị can Đỗ Văn Hưng (cựu Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội); Nguyễn Duy Uyển, Bùi Văn Bằng (cùng là cựu Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng); Nguyễn Văn Năm (cựu Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông); Vương Đăng Quân (cựu Phó Chánh Thanh tra) và cựu cán bộ thanh tra quận Hà Đông Mai Quang Bài bị truy tố tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cáo trạng, trong suốt quá trình Công ty Bemes thi công xây dựng dự án CT6 Kiến Hưng sai quy hoạch, lãnh đạo UBND phường Kiến Hưng đã không thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm để ngăn chặn, xử lý đối với các sai phạm tại công trình theo quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng xác minh tại UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông và Thanh tra xây dựng quận Hà Đông (nay là Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hà Đông) xác định không có bất kỳ tài liệu, hồ sơ kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý đối với công trình này. Trong khi bình thường, nhà dân dù nằm trong ngõ ngách, chỉ cần đổ một xe cát trước cửa đã lập tức thấy cán bộ thanh tra xây dựng đến kiểm tra, thì chuyện cả tòa chung cư hàng chục tầng, xây trong một thời gian dài, ngang nhiên vi phạm như vậy mà thanh tra xây dựng quận Hà Đông không thanh tra, kiểm tra việc thi công xây dựng công trình để phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật, thì chỉ có thể được hiểu là họ đã ăn tiền để làm ngơ chứ không thể lý giải được bằng bất cứ lý do nào khác...
Những gì cản trở sự phát triển của doanh nghiệp thì Đảng, Chính phủ đang tập trung sửa, tháo gỡ và đang xây dựng luật mới hoặc sửa đổi để tạo thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển. Nhưng, điều quan trọng nhất là chính các đại gia phải tự biết được "Mình là ai? Làm được cái gì? Đang ngồi ở đâu?". Một khi họ không bớt được ảo tưởng, không ý thức được mình thì sớm hay muộn cũng sẽ tự mình phá cơ nghiệp của chính mình.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/chan-benh-nan-y-cua-dai-gia-viet-i693206/