Chăm sóc phục hồi da sau điều trị các tình trạng da

Sau khi điều trị, da thường bị mỏng và nhạy cảm hơn. Việc chăm sóc da đúng cách trong giai đoạn này có vai trò rất quan trọng giúp da phục hồi nhanh hơn...

1. Một số tình trạng da có thể gặp phải sau điều trị

Điều trị - bao gồm việc sử dụng các thành phần đặc trị (như retinol, tretinoin, AHA, BHA...) hoặc áp dụng các liệu pháp làm đẹp chuyên sâu (như laser, peel da...) nhằm cải thiện nếp nhăn, sạm nám, tàn nhang, lỗ chân lông to...

Trong quá trình điều trị, dù là trị mụn, nám, tàn nhang hay phục hồi sau laser, peel da..., da thường có những đặc điểm như:

Da dễ bị kích ứng và nhạy cảm: Sử dụng các hoạt chất đặc trị (treatment) thường khiến da bị mỏng và nhạy cảm hơn, biểu hiện là da dễ bị kích ứng, đỏ, rát hoặc bong tróc.
Da thiếu ẩm và khô: Các phương pháp điều trị có thể làm mất đi lớp màng ẩm tự nhiên, khiến da dễ bị khô và thiếu nước. Nếu không cấp ẩm sâu và đúng cách, da vẫn khô ráp, thiếu ẩm.
Da tổn thương và dễ bị viêm: Da sau điều trị có thể bị tổn thương nhẹ, dễ bị viêm hoặc nổi mụn do mất cân bằng vi sinh vật trên bề mặt da.
Da cần tái tạo và làm lành: Sau khi điều trị, da sẽ cần các dưỡng chất để kích thích quá trình tái tạo tế bào mới và làm lành các tổn thương.

Da sau khi điều trị có thể khô, bong tróc.

Da sau khi điều trị có thể khô, bong tróc.

2. Thành phần giúp phục hồi da sau điều trị

Chăm sóc da đúng cách, phù hợp sẽ giúp phục hồi da nhanh hơn sau điều trị. Một số thành phần sau đây có thể giúp ích cho quá trình phục hồi da mà bạn có thể tìm kiếm trong các sản phẩm như serum, kem dưỡng...

Tuy nhiên, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo lựa chọn sản phẩm với nồng độ an toàn, phù hợp với từng tình trạng da sau điều trị:

- Niacinamide (vitamin B3): Niacinamide giúp làm dịu da, giảm viêm, kháng khuẩn và thúc đẩy quá trình phục hồi da. Đây là một thành phần lý tưởng cho làn da nhạy cảm và dễ bị tổn thương sau khi điều trị.

- Ceramides: Ceramides là các lipid có trong da, giúp phục hồi và bảo vệ lớp màng ẩm tự nhiên của da. Serum chứa ceramides giúp duy trì độ ẩm, cải thiện khả năng tự bảo vệ của da.

- Hyaluronic Acid: Hyaluronic acid là một thành phần cấp nước tuyệt vời, giúp da duy trì độ ẩm lâu dài và làm da mềm mịn, căng bóng. Đây là thành phần không thể thiếu trong giai đoạn phục hồi da, giúp làm dịu da khô và mất nước.

- Retinol hoặc retinoids: Retinol giúp tăng cường sản xuất collagen và tái tạo tế bào, làm giảm nếp nhăn và cải thiện độ đàn hồi cho da. Tuy nhiên, nếu da bạn đang sử dụng các thành phần đặc trị "nặng đô", hãy chọn sản phẩm có hàm lượng retinol nhẹ và phù hợp để tránh gây kích ứng.

- Vitamin C: Vitamin C giúp làm sáng da, giảm thâm nám và bảo vệ da khỏi tác động của môi trường. Bạn nên lựa chọn sản phẩm vitamin C ổn định và không gây kích ứng cho da nhạy cảm.

3. Các bước chăm sóc da sau điều trị

Bước 1: Làm sạch da

Sử dụng nước tẩy trang kết hợp với sữa rửa mặt để làm sạch da. Lưu ý lựa chọn sản phẩm có thành phần dịu nhẹ, không cồn, không hương liệu để hạn chế tình trạng kích ứng do làn da sau điều trị thường rất nhạy cảm.

Bước 2: Sử dụng toner (nước cân bằng)

Dùng toner để giúp làm sạch sâu và cân bằng độ PH trên da sau khi rửa mặt. Toner cũng là bước đệm quan trọng để bạn thực hiện các bước chăm sóc da phía sau hiệu quả hơn.

Bước 3: Sử dụng serum (tinh chất)

Thoa serum chứa các thành phần chuyên biệt như retinol, niacinamide, vitamin C… sao cho phù hợp với tình trạng da hiện tại. Lấy một lượng vừa đủ (khoảng 2-3 giọt) thoa đều lên vùng mặt, hạn chế vùng da mí mắt.

Bước 4: Dưỡng ẩm

Thoa kem dưỡng ẩm để khóa ẩm cho da và bảo vệ da tốt hơn, nên chọn các sản phẩm dưỡng ẩm có kết cấu mỏng nhẹ không gây bết dính.

Bước 5: Thoa kem chống nắng vào ban ngày

Luôn sử dụng kem chống nắng phổ rộng để bảo vệ da trước tác hại của tia UV, điều này quan trọng hơn cả đối với da sau điều trị.

Chăm sóc da đúng cách, phù hợp sẽ giúp phục hồi nhanh hơn sau điều trị.

Chăm sóc da đúng cách, phù hợp sẽ giúp phục hồi nhanh hơn sau điều trị.

4. Một số lưu ý đối với da sau điều trị

Sau khi điều trị, cần lưu ý:

- Không dùng các hoạt chất mạnh: Tạm ngưng sử dụng các hoạt chất mạnh trong vài ngày hoặc vài tuần sau điều trị. Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thêm các thành phần nào vào quy trình dưỡng da hàng ngày.

- Hạn chế trang điểm: Trang điểm có thể gây kích ứng da, khiến tình trạng da sau điều trị trở nên tệ hơn, do đó, nên hạn chế trang điểm cho đến khi da hồi phục hẳn.

- Không nên tẩy tế bào chết vật lý: Việc này có thể gây kích ứng da, khiến da dễ bị tổn thương hơn. Đợi cho làn da lành hẳn sẽ giúp khôi phục hàng rào tự nhiên thì lúc đó bạn mới nên tiếp tục quy trình này. Thay vào đó, lựa chọn các sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học AHA/BHA để làm sạch sâu lỗ chân lông trên da một cách nhẹ nhàng nhất, tuyệt đối không nên dùng các sản phẩm tẩy tế bào chết vật lý cho da sau điều trị.

- Tránh để làn da tiếp xúc với nhiệt độ quá cao: Hạn chế để da mặt tiếp xúc với nhiệt độ quá cao từ vòi hoa sen, đệm sưởi hoặc phòng xông hơi khô.

- Không nên sờ, gãi da mặt sau điều trị: Ngay cả khi da có hiện tượng bong tróc nhẹ, không nên gãi, sờ, hãy để da chữa lành một cách tự nhiên.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

3 biện pháp khắc phục da khô tại nhà - SKĐS

TS. Nguyễn Ngọc Oanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cham-soc-phuc-hoi-da-sau-dieu-tri-cac-tinh-trang-da-169241203144521975.htm