Chấm dứt việc chiếm dụng nhà đất công sản

Nhiều năm qua, quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ (nhà chuyên dùng) ở Hà Nội bị bỏ hoang hoặc cho thuê trái phép gây bức xúc dư luận. Thậm chí nhiều nơi bị chiếm dụng, không xác định được người thuê gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước.

Địa chỉ 437 Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), vốn là rạp chiếu phim Bạch Mai nổi tiếng một thời. Thế nhưng, gần 20 năm qua, rạp chiếu phim đã ngưng chiếu, nhường chỗ cho các cơ sở kinh doanh. Hiện nay, toàn bộ phía bên dưới được một cơ sở kinh doanh đồ ăn nhanh thuê lại sử dụng. Phía trên là cơ sở kinh doanh dịch vụ bi-a.

Rạp chiếu phim Bạch Mai sau 20 năm giờ chỉ còn là ký ức

Rạp chiếu phim Bạch Mai sau 20 năm giờ chỉ còn là ký ức

Tại số nhà 36 Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm), biển tên Cty Xuất nhập khẩu tạp phẩm vẫn còn nhưng xung quanh thì đã bị cải tạo, kinh doanh trái phép. Hiện cửa hàng kinh doanh điện thoại di động vẫn tồn tại trên mặt tiền của đơn vị, phía sau là nhà của các hộ dân sinh sống.

Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030”. Đề án đặt mục tiêu, trong giai đoạn 2023-2025, toàn bộ tài sản công của thành phố được cập nhật đầy đủ và chính xác theo quy định trên phần mềm quản lý. Thành phố sẽ chấm dứt tình trạng sử dụng tài sản công để cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định.

Thực tế trên địa bàn thành phố còn hàng trăm cơ sở bị chiếm dụng như thế. Ngoài những cơ sở cho thuê, Hà Nội còn có 66 điểm trong quỹ nhà chuyên dùng của Hà Nội đang để trống, chưa được khai thác, gây lãng phí...

Xử lý dứt điểm trong năm 2024

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội do UBND Thành phố là đại diện chủ sở hữu được hình thành qua nhiều giai đoạn của lịch sử, từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Quỹ nhà tập trung chủ yếu ở 4 quận nội đô là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn 840 địa điểm với diện tích nhà khoảng 178.148m2, diện tích đất hơn 155 nghìn m2. Trong đó, Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý 803 địa điểm; UBND quận Hà Đông: 16 địa điểm; UBND thị xã Sơn Tây: 1 địa điểm; Cty TNHH MTV Kinh doanh và dịch vụ nhà Hà Nội: 20 địa điểm.

Về việc quản lý quỹ nhà chuyên dùng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, quỹ nhà đang được quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017... và Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 12/11/2012 của UBND Thành phố (quy định về quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội). Tuy nhiên, Chính phủ chưa có quy định cụ thể về việc quản lý sử dụng, khai thác đối với quỹ nhà này.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đã tham mưu UBND Thành phố phương án gia hạn thời gian thuê nhà chuyên dùng do Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội được giao quản lý, khai thác hết ngày 31/12/2024 hoặc khi Chính phủ ban hành Nghị định về việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.

Thời gian tới, Sở Xây dựng cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND Thành phố tại Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030.

Trần Hoàng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cham-dut-viec-chiem-dung-nha-dat-cong-san-post1637500.tpo